Hiện nay, môi trường đang ngày càng có những chuyển biến bất lợi cho con người. Vì vậy, bảo vệ môi trường đã trở nên vấn đề khẩn cấp nhất.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, những tác hại của nó ngày càng đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người. Dưới tác động và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường chúng ta càng thấm thiết lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác là người sống thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Bác xem thiên nhiên như là người bạn, người đồng hành luôn cổ vũ, động viên cho mình. Vì vậy trong thơ, văn của Bác chúng ta luôn bắt gặp những hình ảnh của thiên nhiên như: sông, núi, trăng, hoa… Hơn nữa trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thiên nhiên đã che chở cho Bác và bộ đội ta. Vì thế, Bác luôn yêu quý, trân trọng thiên nhiên và căn dặn bộ đội ta khi lựa chọn chổ ở phải đảm bảo các điều kiện: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui … Nhà thoáng, ráo, kín, mát" [19; 73].
Trong cuộc sống hàng ngày, Bác sống rất giản dị và thân thiện với môi trường, nên khi về sống ở Hà Nội Bác không ở Phủ chủ tịch mà chọn cho mình một khoảnh đất nhỏ, cất một căn nhà sàn, xung quanh nhà có ao cá, và cây cối do tự tay Bác trồng và chăm sóc. Bác căn dặn mọi người không được xua đuổi hay bắn chim trong vườn. Bác nói: Chim là của quý của thiên nhiên, phải bảo vệ chúng. Bác luôn quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh, thân thể và nơi ở…đặc biệt
Bác rất chú trọng đến việc trồng cây, bởi vì Bác hiểu rằng cây xanh có vai trò rất lớn đối với cuộc sống của chúng ta, nó không chỉ cho bóng mát, trái ngọt mà còn cải thiện môi trường cho cả đời sau. Vì thế, Mùa xuân năm 1960, phong trào "Tết trồng cây" bắt đầu được phát động trong nhân dân. Người cho rằng đây là việc làm “tốn kém ít mà lợi ích nhiều” [20; 556] và mỗi người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây, nếu tất cả nhân dân miền Bắc đều trồng từ một đến ba cây trong một năm, bắt đầu từ năm 1960 thì mỗi năm có thêm 15 triệu cây. Và "trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn"[20; 566]. Không chỉ thế, đi đến đâu Bác cũng động viên mọi người trồng nhiều cây vì theo Bác "Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp" [21; 354].
Đến thăm thôn Lạc Trung (Vĩnh Phúc), Người nhấn mạnh: "Muốn làm nhà thì phải có gỗ, muốn có gỗ thì hãy hăng hái trồng cây" [22; 258]. Từ những phân tích trên chúng ta nhận thấy rằng Bác đã nhìn nhận và đánh giá được vai trò và tầm quan trọng của thiên nhiên, môi trường đối với con người. Thiên nhiên chính là nơi đảm bảo cho sự sống, tồn tại và phát triển của con người.
Bên cạnh đó tinh thần yêu thiên nhiên, yêu môi trường của Người không chỉ được thể hiện ở trong nước mà còn được Người truyền bá ra bên ngoài quốc gia, đất nước. Trong những lần đi thăm các nước bạn, gặp gỡ nhân dân các nước hoặc khi đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia ở nước mình, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là "những cây hữu nghị" và nhân dân địa phương gọi là những "Cây Bác Hồ". Các cây ấy lớn theo thời gian, không chỉ biểu hiện của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống.
Đối với Bác, yêu thiên nhiên, yêu môi trường là phải biết yêu quý và bảo vệ nó, trân trọng nó không làm cho nó bị ô nhiễm. Vì thế khi bệnh nặng và biết
mình không thể sống được bao lâu nên trong di chúc của mình Bác căn dặn mọi người: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn...Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh lại lợi cho nông nghiệp" [23; 25- 26].
Hiện nay, dân số nước ta tăng nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phá hoại của bọn lâm tặc và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận dân cư, diện tích rừng nước ta ngày càng bị thu hẹp lại. Song song với quá trình đó là sự biến đổi của khí hậu, rửa trôi, xói mòn, sạc lở, lũ lụt, hạn hán…Điều này càng làm cho chúng ta thấy rằng, Bác đã nhìn thấy được vai trò của môi trường từ rất sớm và khuyên chúng ta nên sống thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên bởi vì: môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật; là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người; là nơi chứa đựng và chuyển hóa các chất phế thải do con người tạo ra; là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên cho con người và sinh vật trên Trái đất; là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con. Vì vậy, thế hệ chúng ta phải biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy xem bản thân là một bộ phận của thiên nhiên để từ đó chúng ta sẽ biết yêu quý, trân trọng và bảo vệ thiên nhiên như trân trọng và bảo vệ bản thân mình. Đừng xem thiên nhiên như là một tài sản vô giá mà chúng khai thác và sử dụng nó một cách bừa bãi. Nếu như vậy, chúng sẽ hủy diệt cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta đang sống trong môi trường hòa bình, hội nhập và phát triển. Nhưng ngược lại, môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và hàng ngày đang đe dọa cuộc sống của chúng ta. Bởi vì trong một thời gian
dài, chúng ta chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện tại mà không nghĩ đến mai sau, chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng: thiên nhiên, môi trường chính là tài sản của con người, vì thế chúng ta ra sức khai thác và sử dụng nó. Trước tình trạng môi trường đang xuống cấp nghiêm trọng, chúng ta mới nhìn lại và cảm thấy sợ hãi trước những ảnh hưởng của môi trường, nhìn thấy sức mạnh của quy luật thiên nhiên và bắt đầu tìm cách để khắc phục. Như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy hành động, sống và yêu thiên nhiên như Bác chúng ta vẫn thường làm có như vậy cuộc sống hiện tại và tương lai mới được đảm bảo.
Tư tưởng bảo vệ môi trường của Người luôn luôn có giá trị và nhắc nhỡ chúng ta rằng: mọi người dù già hay trẻ, dù kinh tế có phát triển hiện đại đến đâu thì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ con người và cuộc sống của tất cả mọi người.