Xuất phát điểm của các vấn đề:

Một phần của tài liệu Sử dụng di tích lịch sử cách mạng địa phương trong dạy học lịch sử việt nam giai đoạn 1954 1975 ở trường THPT thành phố hồ chí minh (chương trình chuẩn) luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 27)

1.1.2.1 Mục tiêu:

Dạy học lịch sử ở trường phổ thông không nằm ngoài mục tiêu giáo dục chung, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng ta nhắm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Luật Giáo Dục (đã sửa đổi, bổ sung) được Quốc Hội nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa X thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2010 đã nêu: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện,có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẫm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [50, tr.12]

Mục tiêu bộ môn lịch sử ở trường THPT là cung cấp kiến thức cơ bản, có hệ thống về lịch sử phát triển hợp quy luật của dân tộc và xã hội loài người, trên cơ sở đó, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, rèn luyện năng lực tư duy và thực hành, thực hiện một cách hoàn chỉnh các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển. [42 tr.90]

Việc nhận thức mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu bộ môn nói riêng không chỉ dừng lại ở mặt lý luận mà phải quán triệt trong nội dung và phương pháp dạy học. Vì vậy, thể hiện mục tiêu bộ môn trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học là quan trọng nhất. Sử dụng di tích lịch sử cách mạng tại địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc cần căn cứ vào mục tiêu môn học, bài học để lựa chọn hình thức, biện pháp thực hiện cho phù hợp.

1.1.2.2 Đặc trưng kiến thức lịch sử

Ở trường phổ thông, việc dạy học lịch sử nhằm cung cấp cho học sinh những cơ sở của khoa học lịch sử. Để vận dụng các phương pháp, biện pháp dạy học, chúng ta phải hiểu rõ đặc điểm của tri thức lịch sử, đó là:

tính quá khứ, tính không lặp lại, tính cụ thể, tính hệ thống, và sự thống nhất giữa “sử” và “luận”.

- Tính quá khứ: Tất cả những sự kiện, hiện tượng lịch sử được chúng ta nhắc đến đều là những chuyện đã xảy ra, nó mang tính quá khứ, điều này đã gây không ít khó khăn cho chúng ta trong quá trình dạy học. Vì nhận thức của con người nói chung là đi từ hiện tại về quá khứ, từ gần đến xa, từ dễ đến khó, nhưng những kiến thức lịch sử mà học sinh nhận thức thì hoàn toàn ngược lại. Vậy các tài liệu về di tích lịch sử cách mạng địa phương, các hiện vật lịch sử và bản thân di tích lịch sử cách mạng sẽ là phương tiện tái tạo quá khứ một cách sống động và chân thực nhất trong việc dạy học lịch sử.

- Tính không lặp lại: Tri thức lịch sử mang tính không lặp lại về thời gian và cả không gian. Bất kỳ hoạt động nào của xã hội loài người đều được tiến hành trong một thời gian và không gian nhất định, trong những thời gian và không gian khác nhau, dù có lặp lại cũng là sự lặp lại kế thừa, phát triển, “sự lặp lại trên cơ sở không lặp lại”. Những kiến thức lịch sử học sinh học ở mỗi cấp tuy giống nhau, nhưng các em chỉ học một lần ở mỗi cấp học, nên khi dạy học lịch sử, giáo viên phải xem xét tính cụ thể về không gian, thời gian và dành thời gian để củng cố, ôn tập, cùng các biện pháp sư phạm khác để học sinh có thể nhớ nhanh, nhớ lâu, bền vững những kiến thức lịch sử.

- Tính cụ thể: Lịch sử của mỗi nước, mỗi dân tộc đều có các giai đoạn phát triển riêng, có những điều kiện riêng quy định nên khi trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, càng cụ thể bao nhiêu, càng sinh động bao nhiêu thì càng hấp dẫn bấy nhiêu. Vì các quốc gia, dân tộc tuy bị tác động của những quy luật chung, nhưng trình độ sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng, và sự phát triển đểu không giống nhau. Nên không một kiến thức lịch sử nào mà không gắn liền với con người, nhân vật, vì vậy nó rất sống động.

Di tích lịch sử cách mạng tại địa phương là phương tiện trực quan vô giá, có tác dụng tái tạo lại hình ảnh lịch sử cho học sinh.

- Tính hệ thống (tính logic lịch sử): Nội dung tri thức lịch sử rất phong phú, bao gồm cả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật. Những nội dung tri thức lịch sử đó lại có mối quan hệ nội tại chằng chịt, phức tạp, điều này đòi hỏi người giáo viên luôn chú ý đến mối quan hệ ngang - dọc, trước - sau của các vấn đề lịch sử, cũng như mối quan hệ ngang - nội tại giữa các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa …để cung cấp cho học sinh những tri thức lịch sử khoa học mang tính hệ thống và hoàn chỉnh nhất.

Khi sử dụng di tích lịch sử cách mạng tại địa phương vào dạy học lịch sử dân tộc, giáo viên không chỉ đơn thuần cung cấp sự kiện lịch sử gắn với di tích ấy mà còn giúp các em tiếp thu các yếu tố văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật tiềm ẩn trong các di tích ấy qua việc cung cấp cho các em lịch sử hình thành và phát triển của di tích lịch sử cách mạng.

- Tính thống nhất giữa “sử” và “luận”:

“Sử” chính là sự kiện, “Luận” là sự giải thích, bình luận các sự kiện đã nghiên cứu. Nghiên cứu lịch sử cũng như dạy học lịch phải đảm bảo sự thống nhất giữa trình bày sự kiện với giải thích, bình luận. Mọi giải thích, bình luận đều phải xuất phát từ sự kiện lịch sử cụ thể, chính xác và đáng tin cậy, không có sự kiện, hiện tượng lịch sử nào mà không được giải thích làm sáng tỏ bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử đó. Đó là sự thống nhất giữa tính khoa học và tính Đảng trong nghiên cứu, dạy học lịch sử. Chính các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương là cơ sở vững chắc để người giáo viên hướng dẫn học sinh có những nhận xét, bình luận đúng đắn trong học tập bộ môn lịch sử.

1.1.2.3 Đặc điểm tâm lý và nhận thức lịch sử của học sinh.

Ở lứa tuổi THPT (từ 15 đến 17 tuổi) là giai đoạn các em có những thay đổi và phát triển quan trọng, phức tạp về mặt tâm lý và sinh lý. Các em luôn muốn khẳng định mình trong cuộc sống, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá, đồng thời năng lực tư duy cũng có bước phát triển. Ở lớp 12, các em ý thức được rằng mình đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, nên thái độ và ý thức ở lứa tuổi này có những thay đổi và biến đổi về chất.

Các em ở lứa tuổi này quan sát sâu sắc hơn, nhạy bén hơn, khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa cao hơn, tư duy lý luận cũng ở mức độ cao hơn trước nhiều.

Các hoạt động học tập của học sinh THPT cũng khác nhiều so với các em ở cấp THCS. Các em năng động hơn, sáng tạo hơn, tính độc lập cao hơn, không thích sự áp đặt. Các em thích tranh luận, bày tỏ những ý kiến cá nhân về những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nên dạy học lịch sử ở trường phổ thông phải căn cứ vào tâm sinh lý của học sinh để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp. Và việc sử dụng di tích lịch sử cách mạng vào dạy học lịch sử dân tộc hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thích khám phá lịch sử của học sinh lứa tuổi này.

Quá trình nhận thức của học sinh trong học tập diễn ra theo trình tự của quy luật nhận thức: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”. Trong học tập lịch sử cũng phải thực hiện theo quy luật chung của nhận thức, song lại có những nét đặc thù. Đó là, các em không được trực tiếp quan sát sự kiện, hiện tượng lịch sử đã diễn ra, mà chỉ được tri giác thông qua tài liệu, đồ dùng trực quan…Vì vậy, trong học tập, trước hết, học sinh phải nhận thức những sự kiện, quá trình lịch sử cụ thể để tạo biểu tượng lịch sử. Đây là giai đoạn nhận thức cảm tính trong học tập lịch sử. Tiếp theo, các em sẽ hình thành trong đầu óc những tri thức trừu tượng, “xử lý” tri thức đó, tiến hành hình thành khái niệm, nắm hệ thống khái niệm. Giai đoạn tiếp theo, học sinh học cách vận dụng tri thức đã học để tạo ra các mối quan hệ mới, giữa tri thức cũ và những điều mới, chưa biết, sau đó là sử dụng những kiến thức về quá khứ để hiểu ngày nay, để có hành động thích hợp trong thực tiễn. Muốn nhận thức đúng lịch sử, các em phải có biểu tượng chân thực, cụ thể. Việc sử dụng các tài liệu, hiện vật, dấu vết của quá khứ tại di tích lịch sử cách mạng sẽ giúp các em trực quan sinh động sự kiện quá khứ, để có biểu tượng chính xác.

1.1.2.4 Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.

Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Nên “việc đổi mới giáo dục là yêu cầu thường xuyên, quan trọng đối với sự phát triển giáo dục quốc dân, theo tình hình và nhiệm vụ của các giai đoạn cách mạng trong nước. Đổi mới toàn diện trên cơ sở quan điểm đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, phù hợp với thực tiễn, kế thừa và phát triển thành tựu đã đạt được” [5, tr.64]. Vậy ta thấy, vấn đề đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng lần thứ 2-Khóa VIII chỉ rõ: “phương pháp giáo dục đào tạo chậm được đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học”. Do đó, phương pháp dạy học nói chung và phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông nói riêng cũng phải đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, độc lập trong nhận thức của học sinh để đáp ứng yêu cầu hiện nay của đất nước.

Như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Đối với các em bậc trung học, điều cốt yếu cũng là điều quan trọng có tầm cỡ rộng lớn và sâu xa là tránh tham lam, nhồi nhét, tránh lối học vẹt, chỉ cần học thuộc lòng điều thầy giảng đến lúc trả bài thì trả lại cho thầy. Trái ngược hẳn với phương pháp trên là phương pháp dạy người học suy nghĩ, tìm tòi, hiểu rộng hơn điều thầy nói, mở rộng tư duy và nghị lực sáng tạo của người học” [16, tr.46, 47]

Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử không có nghĩa là xóa bỏ tất cả những kinh nghiệm quý giá được đúc kết trong thực tiễn ở trường phổ thông từ trước đến nay, mà cần tiếp nhận những mặt cơ bản, đúng, tích cực để phát triển cao hơn, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục hiện nay, đồng thời, kiên quyết xóa bỏ những mặt tiêu cực, lạc hậu. Việc sử dụng di tích lịch sử cách mạng vào dạy học lịch sử sẽ khắc phục được tình trạng làm cho học sinh thụ động trong nghe giảng, ghi chép và trả lời đúng như thầy giảng, mà giúp các em gắn học với hành, lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội. Qua đó,

các em hiểu biết nhiều hơn về quê hương, đất nước, về mảnh đất sinh ra mình, từ đó, có ý thức giữ gìn, trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, để rồi biết định hướng, biết sáng tạo trong nghề nghiệp và cuộc sống, nhằm phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Như vậy, từ những điều phân tích ở trên cho thấy ta thấy, nguồn tư liệu ở các di tích lịch sử cách mạng địa phương là một biện pháp tốt để đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, góp phần quan trọng trong thực hiện chức năng nhiệm vụ bộ môn, cũng như đáp ứng các yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay.

1.1.3 Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng di tích lịch sử cách mạng địa phương trong dạy học lịch sử ở trường THPT nói chung, ở phương trong dạy học lịch sử ở trường THPT nói chung, ở TPHCM nói riêng.

* Vai trò:

Lịch sử quá khứ phản ảnh tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Nghiên cứu và dạy học lịch sử cần phải sử dụng nhiều loại tài liệu khác nhau, nhưng phải chọn lọc những tài liệu sự kiện cần thiết cho việc phân tích, đánh giá, những tài liệu sự kiện tương đối đầy đủ, chính xác.Các di tích lịch sử nói chung, di tích lịch sử cách mạng nói riêng là dấu ấn, là bằng chứng về truyền thống lịch sử - văn hóa của quốc gia, dân tộc và từng địa phương qua nhiều thế hệ, gắn với sự phát triển của xã hội, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Thông qua các di tích, con người ngày nay có thể hiểu biết về quá khứ. Đó còn là chiếc cầu nối giúp cho các dân tộc có thể giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau.

Như vậy, những di tích lịch sử nói chung, ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là một phương tiện trực quan vô giá trong dạy học lịch sử, vì những di tích lịch sử đó được hình thành trong quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của các lớp cư dân qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Di tích lịch sử cách mạng còn là một nguồn kiến thức lịch sử quý hiếm cần khai thác trong dạy học lịch sử. Vì bản thân mỗi di tích lịch sử chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó, giá trị văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ ở rất nhiều dạng khác nhau như: lễ hội, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống…Yếu tố vật thể thì có thể được hiểu thông qua những vật thể như phần kiến trúc, các di vật gắn với kiến trúc đó, ví dụ như tượng thờ, đồ vật thờ cúng...

Trong dạy học lịch sử ở trường THPT, giáo viên cần sử dụng một cách sáng tạo sơ đồ Đairi, nghĩa là phải có những phần không được trình bày trong SGK, nhưng cần thiết phải có trong bài giảng của giáo viên. Tài liệu về di tích lịch sử cách mạng tại địa phương sẽ giúp học sinh hiểu sâu về sự kiện lịch sử, góp phần phát triển kỹ năng tư duy độc lập sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng, thẫm mỹ, lòng yêu quý, gắn bó và nghĩa vụ của các em đối với quê hương, đất nước.

* Với những giá trị quan trọng như trên, việc tìm hiểu, sử dụng di tích lịch sử cách mạng địa phương trong dạy học lịch sử ở trường THPT nói chung, Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng có ý nghĩa về cả 3 mặt: giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện học sinh.

- Về mặt giáo dưỡng:

Cho đến nay, tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã có 86 di tích được xếp hạng. Tính đến hết tháng 9/2006, thành phố có 54 di tích quốc gia, trong đó 26 là di tích lịch sử, 26 là di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ và 32 di tích cấp thành phố, trong đó 16 là di tích lịch sử, 16 là di tích kiến trúc nghệ thuật [30].

Việc hiểu biết về di tích lịch sử cách mạng địa phương ở Thành Phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo điều kiện cho di tích phát huy những giá trị vốn có của nó trên nhiều phương diện, mang lại những ý nghĩa và hiệu quả thiết thực về mặt văn hóa – xã hội, kinh tế và khoa học.

Một phần của tài liệu Sử dụng di tích lịch sử cách mạng địa phương trong dạy học lịch sử việt nam giai đoạn 1954 1975 ở trường THPT thành phố hồ chí minh (chương trình chuẩn) luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(180 trang)
w