Các thành phần kinh tế với việc phát huy hiệu quả ứng dụng và phát triển

Một phần của tài liệu Các thành phần kinh tế với sự phát triển lực lượng sản xuất ở việt nam hiện nay (Trang 74 - 78)

6. Đóng góp của luận văn

2.1.3. Các thành phần kinh tế với việc phát huy hiệu quả ứng dụng và phát triển

triển khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay

Đúng như lời tiên đoán của C.Mác, giờ đây khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, chúng có mặt ở tất cả các bộ phận của lực lượng sản xuất xã hội, là một “phép màu nhiệm” thúc đẩy quá trình sản xuất của con người ngày một phát triển, đưa đến sự thay đổi về chất của lực lượng sản xuất và sự phân công lao động trong xã hội, năng suất lao động tăng lên rất cao, tạo ra khối lượng cải vật chất khổng lồ với nhiều chủng loại phong phú đa dạng. Thông qua sự phát triển của khoa học và công nghệ mà lực lượng sản xuất ngày một phát triển theo hướng hiện đại và mang tính xã hội hóa cao.

Trước xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, để đưa đất nước mình phát triển theo kịp dòng chảy của thời đại, thì không còn cách nào khác phải không ngừng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, nhờ có khoa học và công nghệ mà công cụ lao động ngày một hiện đại hóa hơn, tạo ra năng suất lao động xã hội cao, chất lượng, mẫu mã đẹp, tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường cho tất cả các quốc gia. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta tiếp thu tri thức khoa học, đi thẳng vào những công nghệ hiện đại để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước để “đi tắt”, “đón đầu”, nhanh chóng tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy lực lượng sản xuất ngày một phát

triển. Vì vậy, Đảng ta xác định khoa học và công nghệ có vị trí then chốt và là một trong những động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Đến nay, trình độ khoa học và công nghệ của nước ta ngày càng được nâng cao, được ứng dụng rộng rãi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y học…đây sẽ là một trong những động lực để thúc đẩy lực lượng sản xuất ở nước ta ngày một phát triển hơn. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đó, còn tồn tại nhiều hạn chế, Đại hội XI đã chỉ ra:

Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy, chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường khoa học, công nghệ còn sơ khai, chưa tạo sự gắn kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, sử dụng chưa hiệu quả. Trình độ công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, đổi mới chậm [16, tr.168].

Để khắc phục những hạn chế đó và tạo ra động lực mới cho sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng như lực lượng sản xuất, Đại hội Đảng lần XI đã nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ” [16, tr.132]. Trong giai đoạn hiện nay, việc khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình đổi mới ứng dụng và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đây là một những động lực thúc đẩy khoa học và công nghệ ở nước ta ngày càng phát triển, nhằm khai thác tốt hơn nữa nguồn nội lực, tạo động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Trong những năm qua, sự phát triển của các thành phần kinh tế đã trở thành chiếc cầu nối khoa học và công nghệ ở bên ngoài vào đất nước, ban đầu đó là quá trình nhập khẩu, chuyển giao công nghệ máy móc hiện đại vào trong sản xuất, trên cơ sở đó chế tạo ra những máy móc, công nghệ hiện đại ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế

nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, qua đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Kinh tế nhà nước với tư cách là thành phần kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, đây là thành phần kinh đi đầu trong việc ứng những tiến bộ về khoa học và công nghệ, mở đường cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp nhà nước là những bộ phận chủ yếu đảm nhận xây dựng và phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, chế tạo máy… bước đầu mang lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, do sự hạn chế về nguồn vốn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…Vì vậy, các lĩnh vực khoa học, công nghệ còn rất hạn chế về số lượng và chất lượng. Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp trong và ngoài quốc dân có thể mở rộng, phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Kinh tế tập thể góp phần chuyển giao khoa học và công nghệ ở khu vực nông thôn. Với việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đây chính là một trong những động lực để thúc đẩy lực lượng sản xuất ở nông thôn ngày một phát triển nhằm khai thác tốt mọi tiềm năng về vốn, nguồn nhân lực, tài nguyên đất nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam hiện nay.

Đối với kinh tế tư nhân, sự phát triển của kinh tế tư nhân đã góp một phần quan trọng trong việc chuyển giao khoa học, công nghệ cho đất nước, bởi kinh tế tư nhân trong những năm gần đây đã không ngừng tự đổi mới khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Kinh tế tư nhân có mặt trên nhiều lĩnh vực như chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp nhẹ, hóa chất và cả những nghành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm máy móc, điều này đã góp phần không nhỏ trong việc đổi mới khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của đất nước lên trình độ công nghệ quốc tế. Vì vậy, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển lĩnh vực này.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế có ưu thế về nguồn vốn, khoa học và công nghệ, trình độ tổ chức quản lý hiện đại. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XI của Đảng ta xác định: “Thu hút mạnh đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào những nghành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của đất nước, nhất là lĩnh vực công nghệ cao” [16, tr.209]. Trong những năm qua, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có vai trò thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, phát triển một số ngành quan trọng của đất nước ta như viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa chất, tin học, chế tạo máy móc. Việc liên doanh giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước đã làm cho công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao nhanh chóng. Bên cạnh đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn bộc lộ hạn chế trong quá trình chuyển giao công nghệ, sử dựng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để phát huy vai trò kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước cần phải khuyến khích thành phần kinh tế này đổi mới khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm thúc đẩy nền khoa học và công nghệ nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Như vậy, phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn, khoa học và công nghệ, trình độ tổ chức quản lý hiện đại để phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta.

Có thể nói, phát triển các thành phần kinh tế trong giai đoạn hiện nay không chỉ góp phần giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả và mở rộng tư liệu sản xuất mà còn là động lực để thúc đẩy khoa học và công nghệ ở nước ta ngày một phát triển, trên cơ sở đó thúc đẩy lực lượng sản xuất ở nước ta ngày một phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp.

Như vậy, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay không chỉ góp phần khai thác và sử

dụng hợp lý nguồn lao động, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực và từng bước mở rộng, phát triển tư liệu sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy nền kinh tế nước ta chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát huy các thế mạnh, vai trò của mình đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, trong điều kiện đó chúng ta phải biết tranh thủ vốn, khoa học và công nghệ bên ngoài kết hợp hài hòa với sức mạnh bên trong để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phát triển vững mạnh về kinh tế là nền tảng cơ sở để Đảng và Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta theo đúng mục tiêu và định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu Các thành phần kinh tế với sự phát triển lực lượng sản xuất ở việt nam hiện nay (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w