6. Đóng góp của luận văn
1.2.1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Na mở Việt Nam
1.2.1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ở Việt Nam hiện nay Nam hiện nay
Sự ra đời và phát triển của kinh thị trường không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người, mà bắt nguồn từ thực tiễn của nền sản xuất xã hội. Chính sự phân công lao động ngày một diễn ra mạnh mẽ, mà trước hết là ở lĩnh vực sản xuất của xã hội. Hễ ở đâu và khi nào có sự phân công lao động xã hội và sản xuất hàng hóa thì ở đó và khi ấy có kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa, sự phát triển kinh tế hàng hóa là sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, tạo năng suất lao động cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của con người.
Suy cho cùng, chính sự phát triển của lực lượng sản xuất đã đưa đến sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường. Theo đó kinh tế thị trường là con đường cơ bản nhất tạo điều kiện để giải phóng lực lượng sản xuất, làm tăng năng suất lao động xã hội, là sự phản ánh trong đó quy luật phát triển khách quan của sự vận động và phát triển của xã hội loài người, đó là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại, do vậy dù theo con đường tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa cũng đều có thể sử dụng kinh tế thị trường làm động lực cho sự phát triển của kinh tế - xã hội. Sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là kết quả của sự tổng kết thực tiễn, sự kế thừa và phát triển các lý thuyết về kinh tế thị trường, là sự phù hợp với thực tiễn của đất nước. Chúng ta đi lên từ một nước thuần nông, trình độ lực lượng sản xuất còn thấp, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội, đây là con đường phát triển “rút ngắn” nhưng vẫn phù hợp với xu thế khách quan của thời đại. Đó là sự vận dụng đúng đắn quy luật về sự phù hợp khách quan giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cái có ý nghĩa quyết định trong quy luật này là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự tồn tại của các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu đa dạng ở một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tháo gỡ những hạn chế, sai lầm trong nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, nhằm tạo ra động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất ngày một phát triển theo hướng hiện đại.
Với tên gọi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là sự phù hợp với đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó không phải là nền kinh tế thị trường giống chủ nghĩa tư bản, mà cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường thực sự của chủ nghĩa xã hội, mà đơn thuần là nền kinh tế mang tính định hướng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta được biểu hiện thông qua việc thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và chi phối hoat động của nền kinh tế, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước mang tính chất xã hội chủ nghĩa đối với toàn bộ nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh.
Có thể thấy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một hình thức đặc thù của nền kinh tế thị trường. Bởi thế, một mặt vừa chịu sự tác
động của các quy luật của kinh tế thị trường nói chung, mặt khác lại chịu sự tác động của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội, đảm bảo sự phát triển đúng mục tiêu, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một sự phát triển mang tính phủ định biện chứng đối với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng nói như vậy không phải là sự phủ định sạch trơn chủ nghĩa tư bản mà ngược lại chúng ta đã kế thừa có chọn lọc những điểm tích cực trong nền kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, về trình độ tổ chức quản lý để vận dụng vào đất nước ta. Vì thế, bên cạnh những nét chung thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có những đặc trưng riêng để phân biệt với nền kinh tế thị trường ở các nước tư bản.
Về mục tiêu, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, đây là mục tiêu xuyên suốt trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta, đó là nền kinh tế hướng đến nhân dân. Đúng như Bác Hồ đã từng nói rằng mọi sự phát triển đều phải xuất phát từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, tư tưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.
Trên cơ sở đó Đảng ta cũng đã xác định mục đích mà nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến là nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao năng suất lao động xã hội, từng bước xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Như vậy, việc phát triển kinh tế thị trường và mục tiêu của chế độ xã hội sẽ không mâu thuẫn với nhau, nếu như Đảng và Nhà nước ta có những chiến lược, phương sách để giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xem kinh tế thị trường như là một phương tiện để đạt được mục đích khi phát triển nó theo một định hướng và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, nhằm phát huy tất cả những mặt
tích cực và hạn chế những khuyết tật của nó. Để thực hiện được mục đích, cũng như đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, thì Nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý vĩ mô của mình, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển, đồng thời kinh tế nhà nước phải được phát triển vững mạnh để làm tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, hướng đến mục đích đó là phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Theo đó Đại hội XI của Đảng ta xác định: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” [16, tr.106], là một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Về vấn đề sở hữu, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần dựa trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, với ba loại hình sở hữu cơ bản đó là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Trên cơ sở ba loại hình sở hữu cơ bản đó, hình thành nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh khác nhau, trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và sự quản lý của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, nhằm bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường. Một điều đặc biệt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đó là sự tồn tại, đan xen các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế tư bản, điều này không có nghĩa là mâu thuẫn với bản chất chế độ xã hội, mà đó là sự phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta, phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin rằng chúng ta không thể xóa bỏ ngay lập tức chế độ tư hữu trong khi trình độ phát triển lực lượng sản xuất còn thấp. Trên cơ sở đó văn kiện Đại hội XI của Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối” [16, tr.73].
Như vậy, quan điểm về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần của Đảng ta là sự vận dụng một cách đúng đắn và linh hoạt những quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn của đất nước. Đây là sự nối tiếp cuộc cách mạng xây dựng quan hệ sản xuất trong điều kiện mới của đất nước nhằm thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay.
Về chế độ phân phối, phân phối là một mặt cơ bản của quan hệ sản xuất, đồng thời là một khâu quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng ta rất coi trọng vấn đề này. Trên cơ sở đa dạng hóa về các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức phân phối, phù hợp nền kinh tế thị trường và yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Trong đó phân phối theo kết quả lao động đóng vai trò nòng cốt, đi đôi với chính sách điều tiết thu nhập một cách hợp lý. Sự phân phối này vừa đảm bảo lợi ích công bằng trong xã hội vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, xây dựng quan hệ phân phối hợp lý góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra động lực mới cho sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Về cơ chế vận hành, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cơ chế đó bảo đảm tính hướng dẫn, điều khiển nền kinh tế nhiều thành phần phát triển theo mục tiêu và bản chất của chế độ xã hội. Với phương châm: Nhà nước điều tiết vĩ mô, thị trường hướng dẫn doanh nghiệp. Cơ chế đó thể hiện ở các mặt cơ bản: Thứ nhất, Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhân tố đóng vai trò “nhân vật trung tâm” và điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Thứ hai, cơ chế thị trường là nhân tố trung tâm của nền kinh tế, đóng vai trò “trung gian” giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước bao giờ cũng phải tuân theo những khuôn phép và những quy luật chung của nền kinh tế thị trường. Nhà nước thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế, đồng thời để cho hoạt động trên thị trường diễn ra theo chiều
hướng tích cực Nhà nước phải sử dụng các công cụ pháp luật, hành chính, kinh tế vĩ mô, nhằm ngăn chặn những hạn chế và khuyết tật trên thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất, phát triển nền kinh tế thị trường theo mục tiêu và bản chất của chế độ xã hội.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn luôn coi trọng đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xã hội tư bản, nền kinh tế thị trường, sự tiến bộ công bằng trong xã hội bị giới hạn hay nó chỉ là hình thức che đậy bản chất bóc lột của mình. C.Mác đã từng nói rằng tư bản ra đời thấm đầy máu và nước mắt đến tận lỗ chân lông của nó. Ngược lại, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là quá trình giải quyết mối quan hệ tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội, mọi sự phát triển vì con người, lấy con người làm trọng.
Có thể nói, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu tổ chức kinh tế của một xã hội đang trong quá trình chuyển biến từ nền kinh tế còn ở trình độ thấp sang nền kinh tế ở trình độ cao hơn, hướng tới chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa những khuyết tật của tính tự phát thị trường, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của đại đa số nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất để cởi trói quan hệ sản xuất hạn hẹp, lạc hậu, để mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta.
Hiện nay, đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong điều kiện đó, kinh tế thị trường được Đảng và Nhà nước ta sử dụng như là một công cụ, một phương thức, một hành trang có ý nghĩa nhằm sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh.