Cũng như các nơi khác, Quỳnh Đôi có sự giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất giữa những người trong cộng đồng làng xóm, nhất là cộng đồng gia tộc khi vất vả thiếu thốn, khi “ tắt lửa tối đèn”. Đó là một thứ tình cảm tự nhiên, là sự tương trợ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau không hề tính toán diễn ra từ thời khai cơ lập ấp đến nay.
Đến làng Quỳnh Đôi trước đây, chúng ta sẽ thấy một cảnh tượng là nhà này thông sang nhà khác, không hề có tường chắn, hoặc rào bằng gai nứa, có chăng chỉ là bờ dâm bụt, hay bờ rau ngót để làm rau mà thôi. Vào một nhà ở Quỳnh Đôi trước đây, chúng ta có thể đi từ nhà này, bước sang nhà khác chỉ qua một bờ ruộng, không hề có sự ngăn cách. Cửa ngõ được mở rộng không hề khép, vậy mà không hề mất cái gì. Có được điều này là bởi nhân dân làng Quỳnh có một đạo lý “ làng thương hơn nương kín”. Đạo lý ấy có nghĩa là phải ăn ở như thế nào để được bà con, láng giềng, làng nước thương yêu đùm bọc hơn là sống ích kỷ, vườn tược được rào kín, thờ ơ trước những bất hạnh và đau khổ của người khác, ngay cả những người xung quanh mình. Có được đạo lý ấy là do bà con ở đây quan niệm rằng “ yêu con người, mát con ta” “ giữ của cho người tức là giữ của cho ta”. Họ ghét lối sống “ của nhà ai, phận nhà nấy” “ đèn nhà ai, nhà ấy rạng”
Người làng Quỳnh đề cao lối sống mang tinh thần nhân đạo cao cả, cuộc sống vị tha dù vất vả đói nghèo, đó là “ thương người như thể thương thân” “ lá lành đùm lá rách” họ coi việc “ làm phúc như làm giàu” “ làm phúc không cần được phúc”, vì theo họ trong cuộc sống không ai có thể nắm tay tối ngày.
Với đạo lý đó, quan niệm sống đó, nên trong xóm, trong làng mỗi khi nhà ai có người ốm, người đau thì cả làng đến thăm, đôi khi chỉ là quả chuối, quả trứng gà, nhưng mang đầy tình cảm thương yêu. Khi ai gặp khó khăn, họ sẵn sàng giúp đỡ ngay. Trong xóm, trong làng có một người đi thi cả làng đến chúc may mắn, một đám cưới, làm nhà, đám ma ai cũng vô tư đến giúp đỡ gia chủ một người một việc.
Sự thương yêu đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nó không chỉ ở trong ý thức của nhân dân làng Quỳnh, mà nó được thể hiện ngay trong Điều 75 của Khoán làng “ Người nào mà không có việc lợp nhà và tống chung. Từ nay hễ
ai có việc làm nhà, lợp nhà thì phải lại giúp nhau ngay, không cần đến mời, mượn. Người nào có việc tống chung thì tùy tình người ta kính biếu, chứ không được đòi. Ai trái lệ này thì phải phạt”[27, 85].
Truyền thống thương yêu tương trợ lẫn nhau của nhân dân làng Quỳnh còn được thể hiện qua những tổ chức tương trợ tự phát của nhân dân để giúp đỡ nhau trong công việc, và trong làm ăn sinh sống. Tại Quỳnh Đôi có các phường như phường làm nhà, phường cưới dâu.
Phường tập hợp những người gần nhà, có những nhu cầu như nhau, có tinh thần nhường nhịn, biết ăn, biết ở với nhau…Phường thường có chủ phường ( ông này là người đứng ra lập phường, mà cũng có khi do các thành viên trong phường bầu ra), số phường viên nhiều hay ít không nhất định, nhưng thường thì có 12 hộ là nhiều. Đây là phường tương tế, ái hữu mang tính chất tự phát, song họ đều tuân thủ một khoán ước không văn bản là mỗi khi có việc gì thì những người trong phường tập trung đến đẻ giúp đỡ phường viên. Phường còn tổ chức đóng góp quỹ để giúp đỡ nhau, và tùy vào điều kiện của các phường viên mà ai cần trước thì giúp vốn cho người ấy trước, ai cần sau thì giúp người ấy sau, cứ thế mà thay phiên nhau từ nhà nọ đến nhà kia.
Ngoài các phường còn có các hội cũng được thành lập và tổ chức. Nó nhằm đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau: như hội thơ, hội khuyến học, hội khao lão….Những hội này thường được họp và tổ chức vào những ngày theo tháng hoặc theo quý nhất định. Trong hội, nếu có ai ốm đau, có việc họ cùng nhau giải quyết và giúp đỡ. Chính nhờ những hội, những phường đó mà ở trong làng Quỳnh đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho nhân dân. Có những gia đình từ nghèo khó, nhờ có phường, có hội mà họ có nghị lực, có vốn làm ăn và trở nên khá giả, con cháu được hội giúp đỡ học hành khi khó khăn về kinh tế.
Như vậy, truyền thống đoàn kết, thương yêu tương trợ lẫn nhau ở làng Quỳnh Đôi là một nét văn hóa rất đẹp và mang tính nhân văn cao cả. Truyền thống này được xây dựng bao đời và ngày càng được nhân dân chú trọng xây dựng. Làng Quỳnh hôm nay, tuy đã khác xưa về diện mạo bề ngoài bởi đã có những con đường rải nhựa, những bờ tường được xây cao để bao bọc khuôn viên nhà, nhưng ở trong mỗi con người làng Quỳnh truyền thống đó vẫn lưu giữ, họ vẫn gần gũi nhau, giúp đỡ nhau mỗi khi có việc như cưới xin, ma chay, làm nhà…nhân dân làng Quỳnh Vẫn có thói quen để cổng ngõ không khóa. Đặc biệt là những người con từ làng Quỳnh ra đi bào giờ họ cũng muốn trở về giúp đỡ quê hương, đã có những nhà doanh nghiệp, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để nuôi con cháu làng Quỳnh ăn học Đại Học nếu không có điều kiện để học tiếp…Điều đó thể hiện truyền thống đoàn kết thương yêu, gúp đỡ lẫn nhau được nối tiếp đời đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ giai đoạn lịch sử này nối tiếp giai đoạn lịch sử khác của nhân dân làng Quỳnh.