Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo ở làng Quỳnh là một truyền thống văn hóa nổi bật nhất. Truyền thống hiếu học ở đây là nghèo mà ham học, một nét đẹp riêng của Quỳnh Đôi mà không mấy miền quê trong nước có được.
Truyền thống hiếu học được bắt đầu sự kiện quan trọng trong sự nghiệp khoa bảng ở Quỳnh Đôi là vào năm 1440, lần đầu tiên một ông đồ xứ Kinh Bắc- một xứ nổi tiếng về học hành được mời về dạy ở làng Quỳnh. Những người làng Quỳnh được học hành, thi đỗ ra làm quan, và đi làm thầy đồ đã có những danh tiếng nhất định, bên cạnh học đó còn khiến cho họ thoát khỏi được đói nghèo nhờ vào bổng lộc của quan trường và nghề dạy học. Từ việc đó việc học hành được chú trọng. Mặt khác việc học hành đã cho họ mở mang được tư duy hiểu biết, càng hiểu biết lại càng thúc dục họ phải học để làm người, để hiểu rõ đạo lý cuộc sống.
Việc học lúc này không chỉ là để kiếm sống cho gia đình mình nữa, mà việc học hành trở thành một ý thức về học hành để mở mang kiến thức, am hiểu cuộc sống. Học ở làng Quỳnh là để xây dựng và gìn giữ danh tiếng dài lâu, bền vững với thời gian, năm tháng cho gia đình, con cháu hơn là cầu danh lợi một thời cho cá nhân, đồng thời cũng nhằm để gắn danh giá bản thân với danh giá của gia đình, quê hương, đất nước. Chính vì vậy, ở làng Quỳnh này, nhà nhà chắt chiu nuôi con, nuôi chồng ăn học, nhà giàu đã đành, những nhà nghèo khó, người mẹ vẫn tần tảo buôn bán, mò cua bắt ốc để nuôi chồng nuôi con. Cái cảnh “ gái canh cửi, trai bút nghiên” khá phổ biến ở Quỳnh Đôi.
Truyền thống hiếu học ấy đã được nối tiếp nhau từ nhà này sang nhà khác, từ đời này sang đời khác với ý chí rất cao
“ Trai thì quyết chí khoa trường
Đèn xanh một ngọn quyển vàng quanh năm”.
Và sự quyết tâm ấy đã đem lại kết quả cụ thể, làm cho con cháu đua nhau học hành ngày càng tấn tới
Cả một thời gian dài đã có rất nhiều những con người đỗ đạt trong học hành. Tính từ năm 1449 ( năm Quỳnh Đôi có người thi đỗ) cho đến năm 1919 ( năm kết thúc khoa cử) làng Quỳnh có 743 người thi đỗ tú tài và 958 người thi đỗ cử nhân, thường chiếm 9% đến 10% số người thi đỗ của cả Nghệ Tĩnh. Về đại khoa có một bảng nhãn, 1 thám hoa, 2 hoàng giáp, 6 tiến sĩ và 4 phó bảng.
Đó là thời thi cử bằng Hán học, đến khi Hán học bị bãi bỏ, làng Quỳnh vẫn học chữ Tây, chữ Quốc ngữ nhiều và cũng có những người đỗ đạt cao như cử nhân Nguyễn Xuân Dương, Kỹ sư Hồ Sĩ Phấn. Đến nay, tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, ngày nay làng Quỳnh có khoảng 600 người tốt nghiệp Đại học trở lên. Trong đó có 42 tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 2 nhà giáo nhân dân, 3 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 7 phó giáo sư, 7 nhà giáo ưu tú…
Đó là một thành tựu và niềm tự hào của nhân dân làng Quỳnh đối với cả dân tộc. Nó góp phần thúc đẩy văn hóa truyền thống về học hành không chỉ của nhân dân làng Quỳnh Đôi mà cho cả dân tộc Việt Nam.
Để có truyền thống học hành đó với những con số đậu đạt, không chỉ bởi nỗ lực của mỗi cá nhân ở làng Quỳnh mà còn là do sự khuyến khích học tập của mỗi gia đình, dòng họ, và cộng đồng làng. Đó là ở Quỳnh Đôi có truyền thống “ trọng khoa hơn trọng hoạn”, khoa là người đỗ đạt, hoạn là quan tước. Việc sắp xếp ngôi thứ cho các quan viên trong làng là bất cứ người làm quan to đến mấy, nhưng lúc ở Đình làng, nhất là lúc văn hội cũng phải ngồi dưới những người đỗ cao hơn mình, mặc dù người ấy không làm quan và đói nghèo. Điều này nói lên rằng, nhân dân Quỳnh Đôi trọng người có văn hơn là trọng người có quan chức. Bên cạnh đó làng có những hội khuyến học, những khoán ước khuyến khích người đi học như ruộng công điền, hội Tư văn..để giúp những người nghèo mà ham học. Hiện nay, ở làng Quỳnh Đôi, việc thúc đẩy và khuyến khích con cái trong gia đình, dòng họ, trong làng cũng trở thành một phong trào khá phổ biến. Trong dòng họ thì có quỹ khuyến học, các hội, phường cũng dành riêng một khoản tiền để thưởng cho con em của thành viên học giỏi. Đặc biệt là xóm và cao hơn nữa là làng, cứ mỗi độ mùa thi qua đi, xã lại tổ chức mời bố mẹ của những thi sinh đậu đại học đến chia vui và có một chút quà động viên khen thưởng. Tết đến, những sinh viên trong làng được mời về xã để giao lưu, trao đổi và tuyên dương… Tất cả những việc làm đó đã trở thành một động lực tinh thần làm cho truyền thống hiếu học ngày càng được đẩy mạnh hơn.
Quỳnh Đôi là một xã đồng bằng thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội đi vào khoảng 238km. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai nhiễm mặn, nước lợ phèn chua, diện tích eo hẹp. Là mảnh đất cũng gánh nhiều thiên tai địch họa, nắng lắm, mưa nhiều và chịu những đợt gió nam Lào khốc liệt.
Quỳnh Đôi cách đây 600 năm là một gò đất nổi lên giữa một vùng nước mặn được ba ông tổ của ba dòng họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng đến khai phá, xây dựng và phát triển với cái tên là Thổ Đôi trang. Đến năm 1528 thì mang tên Quỳnh Đôi với 4 xóm, dân số lên tới 1856 nhân khẩu. Đến nay Quỳnh Đôi đã là một mảnh đất rộng với diện tích tự nhiên khoảng 399,19 ha với dân số lên tới 4.843 người, sống quây quần trong 43 dòng họ. Trong đó, có 4 dòng họ mang dấu ấn mạnh trong quần chúng nhân dân làng Quỳnh, đó là các dòng họ khai cơ ra mảnh đất Quỳnh Đôi ( họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng), và có công đưa đến, cũng là mở đầu cho truyền thống hiếu học của làng Quỳnh ( họ Dương). Qua quá trình hình thành và phát triển, cư dân Quỳnh Đôi đã kết tinh được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng. Những truyền thống đó được phát huy từ đời này sang đời khác.
Trong xu thế giao lưu và hội nhập ngày hôm nay, Quỳnh Đôi một mặt tiếp thu những tiến bộ, thay đổi mình để phù hợp với xu thế mới, đồng thời vẫn giữ và phát huy được những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Điều đó tạo nên những sắc thái rất riêng của làng Quỳnh.