Tổ chức lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Một phần của tài liệu Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở đô lương (nghệ an) giai đoạn từ 1939 đến 1945 (Trang 54 - 61)

Tiểu kết chương

2.2.2.Tổ chức lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong những tháng đầu năm 1943, phát xít Nhật đã thực hiện những chính sách kinh tế thâm độc nhằm vơ vét, bóc lột nhân dân phục vụ cho chiến tranh phát xít đối với nhân dân cả nước cũng như Anh Sơn. Tiêu biểu nhất là nạn chúng bắt nhân dân nhổ lúa và hoa màu để trồng đay. Các bãi ngô, dâu bên Sông Lam, các ruộng lúa bị chúng bắt nhổ lên rồi chúng đem những bì hạt đay, thầu dầu về phân phối cho dân trồng. Đến mùa thu hoạch chúng cứ thế mang đi. Ngoài ra chúng còn thực hiện việc trưng thu, trưng mua thóc của nhân dân theo đầu mẫu ruộng, khai thác gỗ và các nông, lâm sản khác của địa phương một cách ồ ạt để phục vụ cho chiến tranh.

Cuối 1944, hơn 1 vạn quân Nhật tràn vào chiếm đóng ở Nghệ An. Ở Anh Sơn chúng đem quân rải dọc quốc lộ 7 và nhiều cứ điểm để kiểm soát và khống chế ta về quân sự. Cùng với chính sách bóc lột của thực dân Pháp, các hành động vơ vét về kinh tế, khống chế về quân sự của phát xít Nhật đã như hai gọng kìm xiết vào cổ nhân dân Anh Sơn.

Hậu quả của việc cướp bóc đó đã dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm 1945, chỉ trong 3 tháng cuối năm 1944 đầu năm 1945, theo thống kê chưa đầy đủ ở 37/51 xã thuộc phủ Anh Sơn số người chết đói là 2493 người trong 1573 gia đình, có 106 hộ chết cả gia đình. Khiến tri phủ phải thuê xe kéo chở các

xác chết chôn chung một hố tại cầu Rợ, và chùa Thanh. Nhiều gia đình chết đói cả nhà hoặc chỉ còn vài người sống sót. Người đi ăn mày đầy đường đầy chợ, cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác. Có những người cha mẹ phải đứt ruột cầm bán những đứa con thân yêu để kiếm miếng ăn hoặc kiếm sống ở những vùng xa lạ rồi không biết bao giờ còn gặp lại nhau nữa. [ 8, tr157].

Trước chính sách khủng bố và cướp bóc của Nhật – Pháp, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Đô Lương càng thêm sôi sục và khát vọng đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập tự do càng thêm bức bách hơn bao giờ hết.

Tình hình Nhật ngày càng thắng thế, nhanh chóng nắm độc quyền Đông Dương bằng chính sách bao trùm là phát xít hóa bộ máy cai trị và chiến tranh hóa bộ máy kinh tế. Ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, bọn Pháp đã nhanh chóng quỳ gối đầu hàng Nhật. Lợi dụng thời cơ thuận lợi, tù chính trị nổi dậy phá nhà lao trở về các địa phương, làm nòng cốt trong việc phục hồi và xây dựng Đảng bộ, các tổ chức quần chúng lãnh đạo phong trào.

Chúng ta đều biết rằng, công tác quan trọng và hàng đầu trong việc tổ chức lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền là công tác tuyên truyền cổ động. Vì chỉ trên cơ sở đó chúng ta mới vạch mặt, cô lập được phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng, mới động viên được lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng của quần chúng, mới tổ chức và tập hợp được rộng rãi lực lượng tham gia công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Với mục tiêu đó ngày 15/6/1945, báo “Kháng Địch”, số 1 ra đời và nêu rõ: “Kháng Địch, cơ quan của Việt Nam độc lập đồng minh ở Nghệ - Tĩnh, ra mắt anh chị em trong lúc hai mươi lăm triệu đồng bào đương quằn quại dưới gót dày xâm lược của bọn phát xít Nhật…Đứng trước tình thế ấy, Kháng Địch, tiếng chuông của Việt Minh, tha thiết kêu gọi lòng ái quốc của toàn thể đồng bào. Kháng Địch kêu

gọi toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để diệt trừ phát xít Nhật là kẻ thù số một của nước ta và phá tan mưu mô khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp ở xứ này. Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta hãy sát cánh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Việt Minh, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa để cướp lấy chính quyền, giải phóng Tổ quốc, dựng nên một nền độc lập chân chính hoàn toàn của Việt Nam”. [21].

Bên cạnh hình thức tuyên truyền bằng báo chí và các tài liệu thì các hình thức tuyên truyền cổ động như treo băng, treo cờ, rải truyền đơn, dán áp phích, mít tinh, diễn thuyết, tuyên truyền xung phong…cũng được áp dụng rộng rãi trong toàn huyện. Thông qua tờ báo “Kháng Địch”, truyền đơn, tài liệu, chúng ta đã lấy những hình ảnh từ tình hình thực tế và cụ thể của địa phương về chính sách khủng bố, cướp bóc tàn bạo của Nhật và nạn đói đang diễn ra để kích động lòng phẫn nộ của quần chúng đối với phát xít Nhật, vạch trần luận điệu tuyên truyền lừa phỉnh, giả dối của bọn tay sai, kích thích tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, củng cố lòng tin tưởng của quần chúng đối với thắng lợi của cách mạng.

Để phát động cao trào kháng Nhật cứu nước và để thức tỉnh nhận thức mơ hồ đối với phát xít Nhật trong quần chúng nhân dân, ngày 10/6/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh phát truyền đơn vạch rõ: “Giặc Nhật truất quyền giặc Pháp không phải để giải phóng nhân dân ta. Chính phủ thân Nhật chỉ là bộ máy đè nén hút máu dân ta để nuôi béo giặc lùn. Nhưng phát xít Nhật không thể sống dai. Quân Đồng minh đang đánh bại chúng trên các mặt trận Viễn Đông và không mấy ngày nữa sẽ tràn vào tiêu diệt chúng. Dưới cờ Việt Minh, quân du kích cách mạng chiến thắng trong 7 tỉnh Bắc Kỳ. Một cao trào kháng Nhật cứu quốc đang xô đẩy hàng triệu người vào Việt Minh. Giờ khởi nghĩa đã đánh”. [8, tr 156 ].

Khi báo chí và truyền đơn của Việt Minh về đến tay đông đảo nhân dân Đô Lương giống như một luồng sinh khí mới, tạo ra sức mạnh to lớn. Đáp lời kêu gọi của Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân ở Đô Lương đã tích cực chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền.

Lập đội tự vệ, mỗi làng, mỗi thôn ít nhất phải có một đội gồm 20 thanh niên hăng hái, có trang bị vũ khí, kiếm, đại đao, mác nhọn dáo dài, luyện tập võ nghệ, tập bắn súng. Đội này còn gọi là lực lượng vũ trang thường trực, họ được thoát ly sản xuất để tập luyện và được bảo trợ do công quỹ bà con đóng góp. Các đội tự vệ còn tiến hành cướp súng, cướp quân trang, quân khí của Nhật. Mặt khác còn khéo léo để biến thanh niên Bảo An thành một lực lượng vũ trang của Việt Minh.

Trong thực tế số thanh niên xin gia nhập vào đội tự vệ ngày càng nhiều, họ hăng hái rèn luyện vũ khí, giáo mác và luyện tập quân sự, công khai tuyên truyền báo chí của Việt Minh, chuẩn bị lực lượng đón chờ lệnh khởi nghĩa.

Bên cạnh đó Đảng ta hết sức coi trọng việc tổ chức và xây dựng các căn cứ địa. Rút kinh nghiệm trong những năm 1930 – 1931 và 1936 – 1939 cho thấy muốn đảm bảo sự ổn định và phát triển liên tục của phong trào cách mạng và cơ quan lãnh đạo cách mạng phải có những địa bàn hoạt động tương đối an toàn. Có như thế mới đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và nhạy bén với các cấp. Trên tinh thần đó Đô Lương nhanh chóng thành lập các khu an toàn (ATK). Dưới các khẩu hiệu thiết thực như: đòi cứu đói, hoãn sưu thuế, chống bắt phu, bắt lính, chống chính sách cướp bóc của Nhật, các cuộc đấu tranh của nông dân liên tiếp nổ ra.

Như chúng ta đã biết sau khi Nhật nổ súng hất cẳng Pháp trên toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp nhanh chóng quỳ gối đầu hàng. Từ đó các tổ chức thân Nhật lần lượt được thành lập. Ở Anh Sơn chúng đưa một số tên tay sai về địa phương rồi dựng lên các tổ chức như: “Tân Việt Nam”, “Bảo an

đoàn”. Khi phong trào đấu tranh của quần chúng đang lên cao tháng 7/1945 chính phủ Trần Trọng Kim chủ trương thành lập tổ chức “Thanh niên tiền tuyến”, tổ chức này do ông Phan Anh làm bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ bù nhìn phụ trách nên gọi là “Thanh niên Phan Anh”. Nhằm tuyên truyền cho chính sách bịp bợm của Nhật. Chúng đưa ra chiêu bài “Đại Đông Á” và thuyết “Đồng văn, đồng chủng”. Chúng ca ngợi nền độc lập giả hiệu do chúng đặt ra. Trong khi thiếu sự lãnh đạo của Đảng và do lập trường còn mơ hồ nên chưa thấy được hoàn toàn bộ mặt thật của kẻ thù vì thế một số người đã gia nhập vào các tổ chức này, thành phần tham gia những tổ chức này phần đông là địa chủ, phú nông, viên chức, học sinh. Các tổ chức này phát triển khá rộng ở những vùng như Đặng Sơn, Lưu Sơn, Nhân Sơn…Nhưng nhìn chung những người tham gia tổ chức này đều xuất phát từ động cơ yêu nước, nhưng vì họ lầm tưởng đó là tổ chức cách mạng nên đã tin theo.

Không để cho các phần tử tay sai thân Nhật lợi dụng cấp ủy Việt Minh đưa người vào các tổ chức cứu tế “Thanh niên Phan Anh”, “Bảo an đoàn”… để dễ bề hoạt động theo nội dung chương trình của Việt Minh phủ. Mặt khác tìm mọi cách để ngăn cản hoạt động của tổ chức “Tân – Việt Nam” và lôi kéo những người trong tổ chức đó sang hoạt động cho cách mạng. Nhiều người trước đây đi theo các tổ chức thân Nhật nay đã quay sang hoạt động cho ta như: Nguyễn Đình Đồng, Cao Tiến Tuệ…Hầu hết thủ lĩnh “Thanh niên Phan Anh” từ trên xuống cơ sở đều do Việt Minh nắm.

Cuối tháng 6/1945, “Tân – Việt Nam” ở Anh Sơn có tổ chức một cuộc diễu hành lớn ở Đô Lương để biểu dương lực lượng và tuyên truyền cho những luận điệu xảo trá của Nhật. Những khẩu hiệu như:

“Đoàn kết đại Đông Á”. “Đánh đổ tham quan ô lại”. “Đả đảo tri phủ Lê Phổ”.

Những khẩu hiệu này được chăng lên khắp nơi và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Trước tình hình đó, Phủ ủy Việt Minh Anh Sơn đã bố trí cho một số người đến phá rối và vận động quần chúng tẩy chay, nên cuộc biểu tình chỉ tập hợp được một số người nghe diễn thuyết rồi giải tán. Vì vậy tổ chức “Tân – Việt Nam”ở Anh Sơn chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi tan rã. Như vậy vai trò lãnh đạo cách mạng ở Anh Sơn thuộc hẳn về các tổ chức Việt Minh.

Bằng các hình thức đấu tranh công khai hợp pháp cấp ủy Việt Minh đã tránh được sự khủng bố và phá hoại của kẻ thù, hạn chế địa bàn hoạt động của bọn tay sai thân Nhật. Đồng thời tranh thủ được thời gian để tập hợp lực lượng quần chúng xung quanh mình.

Trong quá trình tổ chức lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa Đảng ta đã chỉ đạo rất chặt chẽ việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, đã chỉ đạo rất linh hoạt việc kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

Với không khí chuẩn bị sôi nổi, khẩn trương của quần chúng cách mạng đã lôi cuốn các tầng lớp đang lưng chừng, do dự, bàng quan trong giai cấp tư sản, địa chủ, phú nông ngả theo phong trào Việt Minh, ngăn chặn được những hoạt động của bọn tay sai thân Nhật. Từ sau 9/3/1945, các quan lại, viên chức binh lính nằm trong guồng máy cai trị của thực dân Pháp hoang mang, rối loạn.Chính phủ bù nhìn của Nhật mới hình thành chưa ổn định được hệ thống bộ máy chính quyền. Nắm cơ hội này, Việt Minh các cấp đã tuyên truyền, thuyết phục họ làm theo yêu cầu của Việt Minh. Một số quan lại, viên chức ở huyện đã tuân theo sự lãnh đạo của Việt Minh. Có người đã giúp Việt Minh nắm tình hình hoạt động của quân Nhật cùng bộ máy chính quyền bù nhìn của chúng. Một số lính “Bảo an” đã đi theo cách mạng. Thực tế từ tháng 8/1945, ta đã gài người vào nắm trại lính Bảo an thân Nhật để

chuyển thành lực lượng vũ trang của Việt Minh, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tiểu kết chương 2

Dưới tác động của chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là từ khi Nhật vào xâm chiếm Đông Dương là giai đoạn cực kỳ khó khăn trong việc bảo vệ, duy trì, củng cố hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân Đô Lương. Các cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai đã làm cho tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề, các cơ sở quần chúng bị địch phá đi phá lại nhiều lần…Nhưng tinh thần cách mạng của nhân dân vẫn rất hăng hái, tỏa sáng nhất là cuộc nổi dậy của binh lính Chợ Rạng – Đô Lương.

Mặc dù tổ chức Đảng chưa được phục hồi, nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Việt Minh cho công cuộc khởi nghĩa giống như một cấp ủy Đảng. Mọi chủ trương cấp ủy Việt Minh đưa ra đều phù hợp với chủ trương chiến lược và sách lược của Trung ương Đảng. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của cấp ủy Việt Minh toàn thể nhân dân Đô Lương đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để cùng với nhân dân Nghệ An và nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh tự giải phóng mình.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở đô lương (nghệ an) giai đoạn từ 1939 đến 1945 (Trang 54 - 61)