Khởi nghĩa giành chính quyền ở Phủ Anh Sơn.

Một phần của tài liệu Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở đô lương (nghệ an) giai đoạn từ 1939 đến 1945 (Trang 67 - 71)

Tiểu kết chương

3.2.1. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Phủ Anh Sơn.

Theo kế hoạch đã vạch ra, Cấp ủy Việt Minh Anh Sơn sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn với quy mô toàn phủ nhằm tập hợp quần chúng, thăm dò thái độ quân đội Nhật.

Từ đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, nhân dân các tổng, từ các ngả đường tấp nập kéo về sân vận động Đô Lương với những vũ khí thô sơ trong tay như gậy gộc, giáo mác…họ vừa đi vừa hô vang:

-Đả đảo chính phủ bù nhìn của Nhật. -Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm ! -Ủng hộ Việt Minh!

Sân vận động Đô Lương như một biển người, tràn ngập cờ đỏ và đủ loại biểu ngữ, khẩu hiêu cách mạng. Tự vệ lăm lăm đao kiếm sáng loáng trong tay. Đội ngũ quần chúng được xếp hàng chỉnh tề, có tự vệ hai bên. Trong không khí sôi động và hào hùng đó, giọng nói của đồng chí Phạm Như Cương vang lên dõng dạc “Thưa đồng bào! Thưa các bạn! đất nước đã bước

vào giờ lịch sử quyết định, ngày giải phóng đã đến. Chúng ta hãy nhất tề đứng dậy, bẻ gãy xiềng xích nô lệ …”. [1, tr90 ]

Lời kêu gọi như có sức mạnh thôi thúc, giục dã lòng người, như luồng gió mạnh thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh.

Sau cuộc mít tinh, từng đoàn người diễu hành qua các phố, thị uy trước nha phủ và đồn binh của Nhật. Hoảng sợ và căm tức trước khí thế đấu tranh của nhân dân, bọn Nhật đã cho lính bắt người diễn thuyết về đồn. Nhưng ngay lập tức, tự vệ vây chặt lấy bọn lính, quần chúng hô vang khẩu hiệu phản đối và cử đại diện của đoàn biểu tình vào đồn đấu tranh đòi thả người bị bắt. Trước sức mạnh của cuộc đấu tranh bọn Nhật phải thả người ra. Đây được coi là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất từ trước tới nay và được coi là cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Anh Sơn.

Sau cuộc biểu tình này, Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa đã trưng dụng ô tô của các chủ xe khách, chiều chiều cắm cờ đỏ chạy theo đường số 7 để hiệu triệu quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khắp mọi nơi. Công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành khẩn trương với nhịp độ khác thường. Nhà nào cũng lo mua, sắm băng, cờ. Thanh niên tập trung viết, dán biểu ngữ, rải truyền đơn, lực lượng tự vệ tập luyện một số nghi thức về đội ngũ, ai ai cũng háo hức hướng về ngày trọng đại đó.

Ngày 21/8/1945, Ủy ban mặt trận Việt Minh phủ Anh Sơn ra lệnh cho các đội Tự vệ đỏ và nhân dân toàn phủ chuẩn bị lực lượng để giải phóng đồn Đô Lương.

Ngay từ sáng sớm ngày hôm sau, từng đoàn người từ các xã, các tổng trong phủ từ dưới xuôi lên, từ mạn trên đổ về đã rầm rập kéo đến trước cổng đồn Đô Lương. Tại ngã ba Chùa Vườn, đoàn của Thuần Trung kéo đến, đoàn của Thanh Lưu kéo tới cùng hội nhập với các đoàn của các làng Vĩnh Đức, Phúc Đồng, Phương Liên, Nghiêm Thắng. Từ Bara kéo xuống có các đoàn

của Bạch Ngọc, Thanh Lâm, Tràng Thịnh, Cẩm Ngọc…Cả phủ tràn ngập cờ, khẩu hiệu và những tiếng hô vang như sóng dậy:

-Ủng hộ Việt Minh!

-Việt Nam độc lập muôn năm! -Đả đảo bọn tham quan ô lại!

Cả đoàn người kéo vào đồn, một số lượng lớn bao vây chặt phía ngoài, một tổ tự vệ kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ ở giữa đồn. Trong thời khắc ấy, đồng chí Nguyễn Trung Lục - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đã bắn 3 phát súng và hô lớn:

“Hỡi sỹ quan, binh lính Nhật Bản! Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng Minh, tại đây các người phải hạ vũ khí đầu hàng Việt Minh”.

Ngay khi người phiên dịch nói lại lời của đồng chí Nguyễn Trung Lục, tên chỉ huy Nhật đã chấp nhận hạ lệnh cho lính bỏ vũ khí đầu hàng.

Mặt trận Việt Minh Anh Sơn đã quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền ở Phủ vào ngày 23/8/1945. Trong đêm 22/8/1945, toàn phủ Anh Sơn sôi sục không khí chuẩn bị. Việt Minh các tổng, làng đến tận các nhà hướng dẫn nhân dân may cờ. Thanh niên tập trung viết khẩu ngữ, rải truyền đơn. Lực lượng tự vệ chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghĩa.

Mờ sáng 23/8/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh phủ Anh Sơn phát lệnh tổng khởi nghĩa. Khi tiếng trống lệnh vang lên lan truyền khắp nơi, báo hiệu để mọi người tập trung kéo về phủ lỵ.Từ tinh mơ, hàng nghìn quần chúng nhân dân của các tổng, làng trong toàn phủ với đội ngũ chỉnh tề, tay cầm cờ đỏ sao vàng, biều ngữ, vũ khí thô sơ, đi đầu là lực lượng Tự vệ Đỏ, vai mang mã tấu, đại đao rầm rập kéo về phủ lỵ tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, phủ lỵ đã tập trung cả biển người, với khí thế ngất trời.

Khi hàng vạn người đã tập trung đông đủ, đồng chí Nguyễn Trung Lục dõng dạc đọc bản tuyên bố: “Thưa đồng bào yêu quý! Từ giờ phút này quê hương ta hoàn toàn giải phóng. Chính quyền các cấp từ trung ương đến làng xóm nay thuộc về nhân dân”.

Trước sức mạnh áp đảo của đoàn biểu tình và khí thế của cách mạng, đúng 9 giờ 30 phút tri phủ Lê Phổ và bọn nha lại mang ấn tín ra nạp cho Ủy ban khởi nghĩa, xin đầu hàng cách mạng. Từ cổng cao của phủ đường, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Anh Sơn ra mắt quần chúng nhân dân. Ông Nguyễn Trung Lục, đại diện Việt Minh trịnh trọng tuyên bố: “Thay mặt Phủ ủy Anh Sơn, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, tôi tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới - chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được từ từ kéo lên đỉnh cột cờ, ngạo nghễ tung bay thay thế cho lá cờ “ba que” của thực dân và tay sai. Ngay sau đó là lễ chào cờ cách mạng trang nghiêm, kết thúc trong tiếng hô khẩu hiệu vang trời chào mừng sự kiện oai hùng nhất của lịch sử. Đoàn người diễu hành qua phủ đường trong niềm vui khôn xiết rồi hăng hái về các tổng, làng tiếp tục giàng chính quyền ở các địa phương.

Nhân đà thắng lợi này, Tổng ủy Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa các tổng trong phủ vận động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Chính quyền cách mạng lãnh đạo quần chúng cùng với lực lượng tự vệ bao vây các đồn lính trong phủ buộc chúng phải giao nộp vũ khí đầu hàng, chính quyền hoàn toàn thuộc về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa chỉ diễn trong vòng 7 ngày và thắng lợi.

Sau khi giành chính quyền ở Phủ, chính quyền cách mạng lâm thời đã mở phiên tòa xét xử bọn phản cách mạng, tuyên án tử hình 3 tên việt gian:

1. Nguyễn Bá Toàn – bang tá tổng Bạch Hà. 2. Nguyễn Trung Khoan – chánh tổng Đặng Sơn.

3. Nguyễn Văn Thường – bang tá tổng Thuần Trung. [1, tr92].

Sự kiện mở phiên tòa xét xử bọn phản cách mạng trong quá trình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền để trừng trị những tên việt gian có nhiều tội ác với cách mạng, với nhân dân có ý nghĩa vô cùng to lớn đó là nó trấn áp sức phản kháng của các hào lý ngoan cố và gây thanh thế cho quần chúng nhân dân trước khi về giành chính quyền ở làng xã.

Một phần của tài liệu Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở đô lương (nghệ an) giai đoạn từ 1939 đến 1945 (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w