Tiểu kết chương
3.2.2. Khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã.
Tại Đặng Sơn: Ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa nhân dân các thôn đã tập trung đông đủ ở đình làng. Tuân lệnh của Ủy ban khởi nghĩa thôn, lý trưởng hương hào các thôn đã mang con dấu, sổ sách, công quỹ ra nạp cho Ủy ban khởi nghĩa và hứa sẽ tuân theo mọi mệnh lệnh của Ủy ban. Ngày 24/8/1945, trở thành ngày lịch sử trọng đại của nhân dân Đặng Sơn- Chính quyền đã thuộc về tay nhân dân.
Tại Bắc Sơn: Cũng trong ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa và trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân việc khởi nghĩa giành chính quyền ở các thôn đã nhanh chóng giành được thắng lợi.
Tại Nam Sơn: Từ mờ sáng ngày 24/8/1945, đông đảo quần chúng nhân dân đã kéo nhau tập trung đông đủ ở sân vận động của xã để đấu tranh giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa đã buộc bọn lý trưởng giao nộp sổ sách, con dấu cho cách mạng. Từ đây chính quyền đã hoàn toàn thuộc về nhân dân, dưới sự điều khiển, quản lí toàn diện của ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.
Tại Minh Sơn: Ngày 25/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân các làng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền. Đến ngày 26/8/1945, những tên lý trưởng cuối cùng là Nguyễn Đình Ba, Nguyễn Hữu Hân đã quỳ gối đầu
hàng cách mạng. Quần chúng nhân dân vui mừng khôn xiết hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm! ”, “Hồ Chí Minh muôn năm! ”
Tại Tràng Sơn: Trước khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân thì ngay trong đêm 25/8/1945, các chức sắc cũ đã giao con dấu cho ủy ban lâm thời thôn, chính quyền cách mạng hoàn toàn thuộc về tay nhân dân. Ngay sau đó Ủy ban cách mạng xã Tràng Sơn được thành lập.
Tại Đông Sơn: Ngày 26/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, khắp xã trống mõ nổi lên, đông đảo quần chúng nhân dân kéo ra đường biểu tình để giành chính quyền. Do được chuẩn bị chu đáo nên chỉ đến chiều ngày 26/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn xã giành thắng lợi.
Tại Thị Trấn: Ngày 30/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa toàn bộ chính quyền ở Thị Trấn đã thuộc về tay nhân dân một cách nhanh chóng mà không đổ máu.Thị Trấn là nơi cuối cùng của Đô Lương giành được chính quyền.
Nhân đà thắng lợi này, Tổng ủy Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa các tổng trong phủ vận động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Chính quyền cách mạng lãnh đạo quần chúng cùng với lực lượng tự vệ bao vây các đồn lính trong phủ buộc bọn chúng phải nộp vũ khí đầu hàng, tất cả các tổng, làng trong phủ. Cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi chỉ trong vòng 7 ngày.
Như vậy đến ngày 30/8/1945, toàn bộ chính quyền ở Đô Lương đã thuộc về tay nhân dân.
Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Phủ ủy được kiện toàn lại gồm 5 ủy viên chính thức đó là:
1. Phan Hoàng Tiêm: Bí thư. 2. Nguyễn Hữu Tiêu: Phó Bí thư. 3. Nguyễn Văn Niệm: Ủy viên. 4. Nguyễn Hữu Tờn: Ủy viên.
5. Hoàng Huy Phổ: Ủy viên.
Sự khôi phục Đảng bộ và xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm phản ánh trình độ giác ngộ về quyền lợi nghĩa vụ của công dân trong chế độ mới và để xóa dần những nghi ngờ lẫn nhau trong các lực lượng cách mạng, để tạo nên sự thống nhất trong việc xây dựng, củng cố chính quyền mới, ổn định đời sống nhân dân.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Anh Sơn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, phá xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít, thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Thắng lợi của tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc được Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ: “Pháp chạy, Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa ”. [44, tr3].