Tiểu kết chương
3.3.2. Về sự lãnh đạo của cấp bộ Đảng phủ Anh Sơn trong thời kỳ 1939-1945.
Trong phong trào giải phóng dân tộc ở Đô Lương thời kỳ 1939-1945, chúng ta không thể không đề cập đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Vì chúng biết rằng tổ chức Đảng mạnh hay yếu đều ảnh hưởng trực tiếp đến thành công hay thất bại của phong trào cách mạng. Cho nên trong đấu tranh cách mạng, vấn đề bảo vệ tổ chức Đảng là vấn đề cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa sống còn. Nhất là ở Đô Lương, nơi mà bọn đế quốc luôn tìm cách tập trung khủng bố, thì vấn đề này lại càng đặc biệt chú ý. Thực tế phong trào cách mạng của Đô Lương trong thời kỳ 1939- 1945 đã chứng tỏ điều đó. Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp và tay sai đã dùng mọi thủ đoạn nham hiểm và thâm độc nhất để phá hoại tổ chức Đảng. Và trong thời kỳ này, cán bộ Đảng viên ở Đô Lương đã phải chiến đấu vô cùng khó khăn và gian khổ để bảo vệ, xây dựng tổ chức Đảng. Trong cuộc đấu tranh này, nhiều cán bộ, đảng viên đã tỏ ra kiên trì và dũng cảm. Từ trong nhà tù của đế quốc, nhiều người vẫn nêu cao khí tiết cách mạng và chờ thời cơ để trở về hoạt động. Một số đồng chí đã dũng cảm vượt ngục trở về địa phương tham gia xây dựng phong trào và cơ sở Đảng. Những cán bộ ở ngoài chưa bị bắt, mặc dù bị đế quốc khủng bố gắt gao và tổ chức Đảng bị phá đi phá lại nhiều lần nhưng vẫn kiên trì đấu tranh để phục hồi lại Đảng bộ. Người này bị bắt, người khác kế tiếp; cơ sở Đảng nơi này bị phá vỡ thì các cán bộ Đảng viên lại đi bắt liên lạc với nơi khác để hoạt động.
Trong thời kỳ 1939- 1945, cơ sở Đảng của chúng ta bị đế quốc khủng bố liên tiếp nên việc bồi dưỡng và giáo dục của Đảng thiếu chu đáo, nhưng trong nội bộ Đảng vẫn giữ được sự nhất trí về chính trị. Vì thế nên bất cứ lúc nào cán bộ Đảng viên cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, tạm gác lại mọi thành kiến xích mích cá nhân để tập trung vào nhiệm vụ chính trị trước mắt của Đảng vì thế nên cán bộ, đảng viên ở đây nhanh chóng khắc phục được
những khó khăn tạm thời trong nội bộ để thống nhất về tổ chức và hành động, để tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân.
Mặc dù các cán bộ, Đảng viên và quần chúng yêu nước đã kiên trì và cố gắng nhiều trong việc bảo vệ, duy trì, đấu tranh phục hồi tổ chức Đảng, nhưng Đảng bộ Đô Lương vẫn không tránh khỏi bị địch liên tiếp phá vỡ trong thời gian từ 1939 - 1942 và bị gián đoạn, đình đốn hoạt động từ 1943 - 1945. Có tình trạng như thế là vì trong quá trình xây dựng Đảng, chúng ta đã mắc phải những thiếu sót trong việc chấp hành đường lối, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng. Trong thời kỳ bị đế quốc khủng bố về mặt tổ chức và tư tưởng Đảng bộ Đô Lương có phần lỏng lẻo và sơ hở mà chưa thật chặt chẽ. Công tác giáo dục tư tưởng, nhất là giáo dục về lập trường giai cấp vô sản, về ý chí chiến đấu kiên định, về ý thức cảnh giác và các nguyên tắc bí mật của Đảng chưa được chú ý đúng mức nên những kẻ phá hoại đã tìm mọi cách để phá vỡ cơ quan đầu não của Đảng nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng. Bên cạnh đó chúng ta còn chưa chú trọng việc bảo vệ các cấp bộ Đảng. Chúng ta chưa tạo ra được sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng cơ sở Đảng với việc xây dựng các tổ chức quần chúng để làm chỗ dựa và che chở cho tổ chức Đảng. Mặt khác, cơ sở và lực lượng của Đảng thường xuyên bị lộ do ta chưa chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật và các quy định về nguyên tắc bí mật của Đảng. Đúng như Ủy ban Trung Kỳ đã phân tích: “Tình trạng điêu đứng ấy là kết quả của nhiều nguyên nhân hỗn hợp: Sự khủng bố dồn dập của quân thù những năm 1941, 1942 đã xô một số đồng chí chúng ta vào tù ngục, phong trào bị cướp mất nhiều vai lãnh đạo. Hòa chung với khủng bố là sự phá hoại không ngớt của AB đoàn, chúng không những dắt đường cho giặc phá cơ sở Đảng mà luôn luôn gây giữa các đồng chí chúng ta một không khí hoài nghi, chia rẽ. Phải nói rằng chính trị phá cách mạng của giặc có hiệu quả, phần lớn không phải vì chúng tài giỏi mà chính vì chúng ta quá cẩu thả, vụng về. Nhất là sự tổ chức
không nghiêm để lọt những hàng ngũ, những phần tử hèn nhát, không giữ kỷ luật Đảng lúc bị bắt, phá nát cơ sở Đảng, lột uy tín của Đảng trong quần chúng, gây nên một khó khăn vô cùng cho các đồng chí tiếp tục hoạt động ”. [57].