Hiện đại hóa

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa lực lượng sản và quan hệ sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay (Trang 35 - 39)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Hiện đại hóa

Hiện đại hóa là một quá trình đang tiến triển nên chưa bộc lộ hết những đặc điểm của nó. Chính vì thế cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về quá trình hiện đại hóa.

Quan điểm thứ nhất cho rằng “hiện đại hóa” chính là “phương Tây hóa”, theo đó phương Tây trở thành khuôn mẫu hay đích đến cuối cùng của tất cả các quốc gia ngoài phương Tây. Cách nhìn tự tôn dân tộc của quan niệm này thiếu mất sự hợp lý khi lịch sử xã hội loài người là lịch sử phát triển không ngừng với những đặc trưng riêng trong từng giai đoạn cụ thể ở những xã hội cụ thể. Hiển nhiên, vào một thời điểm lịch sử, hiện đại hóa đã tập trung ở phương Tây, xuất phát từ phương Tây nhưng đến nay, nó đã là một quá trình mang tính toàn cầu. Dù hiện đại hóa là con đường mà các nước đang phát triển lựa chọn để đạt được sự tăng trưởng và phát triển, thì ở những quốc gia khác nhau, quá trình hiện đại hóa cũng sẽ diễn ra với những bước đi cụ thể khác nhau, kết quả đạt được cũng khác nhau. Bởi mỗi xã hội cụ thể là một cơ thể sống động, đều có sự độc đáo và nét riêng không thể trùng khớp cũng giống như mỗi cá thể người và vân tay của nó.

Về mặt lịch sử, đa số các lý thuyết hiện đại hóa đều thống nhất quá trình hiện đại hóa đã manh nha vào đầu thế kỷ XVII cùng với nó là sự lớn mạnh của nền văn hóa hiện đại với ba cột trụ: nền khoa học khách quan, nền luân lý tự giác và nền văn học - nghệ thuật mang dấu ấn của sáng tạo cá nhân; và quá trình hiện đại hóa thực sự bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX; và quá trình này vẫn đang diễn ra cho đến ngày nay. Sự phân kỳ này dựa trên việc phân tích quá trình hiện đại hóa về mặt kinh tế - xã hội , văn hóa - tư tưởng, xem hiện đại hóa là sự quá độ từ xã hội truyền thống lên xã hội hiện đại.

Nếu xét về thời gian, giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa được coi là trùng với giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Chính vì thế có quan điểm cho rằng quá trình hiện đại hóa cũng chính là quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, thực tiễn của cả quá trình hiện đại hóa lẫn công nghiệp hóa cho thấy đây là hai quá trình khác nhau, và có mối liên hệ với nhau.

Hiện nay, trong các nước công nghiệp tiên tiến, một xu hướng mới đang hình thành và phát triển trong hơn một phần tư thế kỷ qua dịch chuyển ra khỏi các giá trị cơ bản vốn là đặc trưng của xã hội công nghiệp. Đó là quá trình Hậu hiện đại hóa. Với quá trình hậu hiện đại hóa, một thế giới quan mới đang thay thế dần dần cho thế giới quan đã từng chi phối các xã hội công nghiệp từ cuộc cách mạng công nghiệp. Nó phản ánh một sự dịch chuyển của các chuẩn mực chi phối đời sống chính trị, việc làm, gia đình. Quá trình Hậu hiện đại hóa hướng đến những công nghệ - kỹ thuật nhằm biến tri thức thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Hay đây chính là quá trình trí tuệ hóa toàn bộ hoạt động của con người. Trong quá trình này “con người kinh tế” được thay bằng “con người đa diện”.

Do có nhiều quan điểm khác nhau về hiện đại hóa, nên cũng có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm “hiện đại hóa”.

Theo nghĩa thông thường thì mọi cái hiện tồn đều là hiện đại. Song quá trình

phát triển xã hội lại diễn ra không đồng đều: hiện tại của một số xã hội này lại giống quá khứ của một số khác, hay ngược lại, hiện tại của một số xã hội này là tương lai của một số khác. Tính không đồng đều đó khiến cho khái niệm “hiện đại hóa” mang nhiều sắc thái khác nhau.

Theo Tennix, hiện đại hóa là sự quá độ từ cộng đồng sang xã hội; theo Durkhem, đó là sự quá độ của xã hội từ trạng thái cơ học sang trạng thái hữu cơ; theo Weber, đó là sự quá độ từ tính hợp lý giá trị sang tính hợp lý mục đích; Xmelzer nhấn mạnh đến tiến bộ công nghệ, đến sự quá độ từ các quan hệ công xã - gia đình sang các quan hệ kinh tế, nhấn mạnh đến tính chất phá vỡ xã hội cũ của hiện đại hóa. Như vậy, các xã hội hiện đại về thực chất đối lập với các xã hội truyền thống [6, tr.249-250] và “hiện đại hóa là quá trình biến đối từ tính chất

truyền thống cũ sang trình độ tiên tiến, hiện đại” [22, tr.55]. Hiện đại hóa còn được

hiểu là quá trình chuyển biến từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp, là sự chuyển dịch căn bản từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại.

Hiện nay, hiện đại hóa là quá trình tất yếu dành chung cho tất cả các quốc gia lạc hậu, kém phát triển để phát triển nhanh chóng, đuổi kịp các nước phát triển. Với các nước phát triển tiến trình hiện đại hóa không dừng lại mà vẫn tiếp tục diễn ra để đưa xã hội đến một trình độ cao hơn, hiện đại hơn, tiên tiến hơn nữa. Lịch sử hiện đại hóa là một quá trình phức tạp, tuy nhiên chúng ta có thể phân biệt hai mô hình hiện đại hóa cơ bản đã được thực hiện trong lịch sử là:

Thứ nhất, hiện đại hóa khởi nguyên là hiện đại hóa nảy sinh từ những tiền đề

kinh tế, văn hóa, xã hội vốn có (bên trong), là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội nội tại của một xã hội trong một hoàn cảnh xác định. Quá trình hiện đại hóa này diễn ra ở Tây Âu, Mỹ, Canada... Con đường phát triển của mô hình khởi nguyên là hiện đại hóa tuần tự.

Thứ hai, hiện đại hóa phái sinh là hiện đại hóa diễn ra ở những nước còn thiếu

hoặc không có những tiền đề nội tại, trực tiếp về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa mà diễn ra dưới ảnh hưởng, tác động của hiện đại hóa ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ.

Các nước thực hiện hiện đại hóa theo con đường phái sinh gồm 2 nhóm:

Nhóm 1: Nhật bản, Braxin, Achentina, Chi lê, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - là những nước có tiền đề kinh tế, văn hóa cho sự phát triển công nghiệp, nhưng do điều kiện đặc thù mà những nước này vẫn lạc hậu hơn so với Tây Âu, Bắc Mỹ.

Nhóm 2: Gồm những nước chưa có tiền đề kinh tế, xã hội cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; các quan hệ và những nguyên tắc truyền thống giữ vai trò chủ đạo chi phối đời sống xã hội.

Hiện đại hóa phái sinh có 3 mô hình chính:

Thứ nhất, mô hình châu Âu hóa. Theo mô hình này, quá trình hiện đại hóa sẽ diễn ra bằng cách chuyển trực tiếp cấu trúc công nghệ, lối sống của xã hội phương Tây vào các nước bằng con đường thực dân hóa, hoặc dựa vào tầng lớp tư sản mại bản.

Thứ hai, mô hình hiện đại hóa đuổi theo. Các nước lạc hậu kém phát triển cố gắng phát triển kinh tế, xã hội để dịch gần đến trình độ của các nước đã phát triển, lấy hiện đại hóa phương Tây làm khuôn mẫu. Hạn chế của mô hình này là có thể làm mất bản sắc văn hóa truyền thống, tạo ra sự bất bình đẳng và bất mãn xã hội...

Thứ ba, mô hình hiện đại hóa tăng tốc. Thực hiện mô hình này với mục đích rút gắn thời gian hiện đại hóa so với hiện đại hóa tuần tự, có thể tiếp cận ngay với khoa học công nghệ tiên tiến. Mô hình này được thực hiện thành công ở các nước Đông - Đông Nam Á như Nhật Bản, các “con rồng” châu Á - NICs, Trung Quốc...

Hiện đại hóa tăng tốc có những đặc điểm riêng của nó. Dù có thể xuất phát từ trình độ kinh tế xã hội thấp nhưng các quốc gia thực hiện hiện đại hóa tăng tốc đều không thể và không cần phải lặp lại tất cả những bước mà các nước phát triển hơn đã và đang làm. Văn hóa và các giá trị truyền thống là một trong những tiền đề cơ bản để duy trì sự ổn định trong quá trình hiện đại hóa tăng tốc. Hiện đại hóa tăng tốc đòi hỏi phải củng cố tính cộng đồng, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa yêu nước, ngăn cản sự phát triển cực đoan của “con người kinh tế” và chủ nghĩa cá nhân cực đoan của phương Tây.

Nếu như trước đây trong các nước phương Tây, quá trình hiện đại hóa diễn ra một cách tuần tự qua tất cả các giai đoạn của nó thì trong hiện đại hóa tăng tốc hiện nay có đầy đủ các dạng hiện đại hóa. Chính cách mạng khoa học - kỹ thuật vừa là điều kiện, vừa là yếu tố đảm bảo cho sự kết hợp các dạng hiện đại hóa như vậy.

Nói chung, hiện đại hóa tăng tốc chính là hiện đại hóa trên cơ sở kết hợp những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật với các giá trị văn hóa, truyền thống. Đây chính là điểm khác biệt của hiện đại hóa tăng tốc so với các mô hình

hiện đại hóa khác và là điểm tương đồng với Hậu hiện đại hóa.

Hiện đại hóa là quá trình phức tạp, nhưng là con đường bắt buộc phải đi qua để xã hội truyền thống trở thành xã hội hiện đại, phát triển. Các nước khác nhau có thể và cần phải tiến hành hiện đại hóa dưới những hình thức khác nhau và bằng những con đường khác nhau. Nhưng nhìn chung, các nước trên thế giới đều đang ở những giai đoạn khác nhau của quá trình hiện đại hóa.

Lịch sử phát triển hiện đại hóa cho thấy, hiện đại hóa xã hội là hình thức đặc biệt của sự phát triển xã hội, là tổng hòa các phương thức cải biến nhằm đưa nền kinh tế - xã hội quá độ từ các trình độ phát triển khác nhau đến các trình độ cao hơn trên cơ sở tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đây cũng chính là đòi hỏi tất yếu của biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nó cũng là hình thức quá độ từ các xã hội truyền thống, nông nghiệp lên xã hội hiện đại, xã hội công nghiệp, thông tin. Tiến trình hiện đại hóa thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất, đưa nhiều nước trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong khoảng vài thập niên gần đây, loài người đang chứng kiến những thay đổi bất thường của thời tiết, sự cạn kiệt ngày càng nhanh của tài nguyên thiên nhiên, các giống loài sinh vật đã và đang bị tuyệt diệt nhiều hơn. Đó là những vấn đề về môi trường sinh thái không thể nào giải quyết được.

Vấn đề đặt ra cho tất cả các nước đang tiến hành quá trình hiện đại hóa là làm sao để vừa phát triển nhanh, vừa bền vững. Vừa đưa đất nước ngày càng đi lên nhưng phải đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ một cách tốt nhất môi trường sinh thái. Bởi, yếu tố sinh học trong con người là điều kiện đầu tiên quy định sự tồn tại của con người, con người là một bộ phận của tự nhiên và giới tự nhiên là “thân thể vô cơ của con người”. Nếu mất đi “thân thể” ấy, sự sinh tồn của con người sẽ đến lúc bị diệt vong. Chính vì vậy, quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn chặt với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa lực lượng sản và quan hệ sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)