Bối cảnh trong nước

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa lực lượng sản và quan hệ sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay (Trang 66 - 69)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.4.Bối cảnh trong nước

Ở nước ta, những thành tựu và kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp nhiều so với trước. Cơ chế thị trường thay cho cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò và chức năng mới của Nhà nước, xã hội năng động hơn, các yếu tố cấu thành hệ thống kinh tế - xã hội được kết nối chặt chẽ hơn.

Trong quá trình đổi mới, tiềm lực kinh tế của đất nước được củng cố. Với quyết tâm cao của cả nước, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 ước tính tăng 6,78% so với năm 2009. Tốc độ tăng trưởng GDP cả giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 7%/năm và thu

nhập quốc dân bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 1.160 USD [27, tr.1]. Và sáu tháng đầu năm 2011, tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010 [28, tr.1]. Kết quả đem lại là Việt Nam thóat khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GDP, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Đó là tỷ trọng trong GDP của ngành nông nghiệp đã giảm nhanh, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đã tăng nhanh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, trong khi số lao động ngành nông nghiệp.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đang từng bước vững chắc hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Việc tham gia vào các quá trình liên doanh, liên kết, hợp tác song phương và đa phương, hợp tác khu vực và quốc tế của nước ta góp phần phát huy hữu hiệu lợi thế so sánh của đất nước, thu hút được những nguồn lực dồi dào về vốn, công nghệ, tri thức, kỹ năng của thế giới. Tạo động lực cho việc đẩy mạnh những cải cách trong nước theo hướng hiện đại, phù hợp với khung khổ chung của quốc tế. Tất cả tạo nên một vị thế mới để Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Đặc biệt, nước ta có lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công thấp, năng lực trí tuệ con người Việt Nam không thua kém các nước, tiếp thu nhanh các tri thức mới, dễ đào tạo, có khả năng sáng tạo. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, đây thực sự là một cơ hội “vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Một khi lực lượng này được phát huy tối đa sức lao động vào sản xuất, điều tất yếu sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, góp phần mạnh mẽ vào việc hoàn thành các mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Là một nước tiến hành công nghiệp hóa muộn, Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế của “nước đi sau” để học hỏi kinh nghiệm về công nghiệp hóa, hiện

đại hóa, phát triển kinh tế tri thức của các nước đi trước. Đồng thời, nước ta có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng kinh tế năng động Đông Nam Á, thuận lợi cho việc giao lưu và hội nhập quốc tế. Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng. Bên cạnh đó, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nền tảng cho sự phát triển các khả năng sáng tạo. Những yếu tố trên tạo nên lợi thế quan trọng trong cạnh tranh quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển những ngành, những lĩnh vực hiện đại, có thể theo hướng rút ngắn.

Bên cạnh những thuận lợi có được, Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chưa được đặt trên cơ sở đủ vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lạc hậu và còn nghiêng về hướng nội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chỉ mới đang hình thành, chưa đồng bộ và chưa vận hành tốt, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng và chưa có tính khuyến khích cao. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ.

Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa đặt nền kinh tế đất nước trước những khó khăn do cạnh tranh gay gắt, sự dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài, và những ảnh hưởng “mặt trái” khác của toàn cầu hóa hiện nay. Nếu chúng ta không có chính sách, biện pháp để hạn chế và vượt qua những khó khăn trên, thì chúng có thể có những tác động dẫn đến kéo lùi tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Là nước tiến hành công nghiệp hóa muộn, Việt Nam gặp phải những khó khăn của “nước đi sau”. Khó khăn rõ nét là chúng ta thường phải ở thế bất lợi trong cạnh tranh quốc tế, do năng suất thấp, chất lượng sản phẩm thấp, hàm lượng vốn và trí tuệ trong sản phẩm không cao, lại thường bị động trong việc tuân thủ các luật lệ kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta phải đối mặt sự suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng với sự xuống cấp của môi trường sống. Nó sẽ làm cho chi phí của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại

hóa tăng lên đáng kể đồng thời làm giảm tính bền vững của quá trình này. Trong khi đó, sự gia tăng của dân số, của lực lượng lao động nhanh hơn tốc độ tăng việc làm gây ra áp lực lớn giải quyết công ăn việc làm. Ở nước ta, đây là một bài toán chưa có lời giải hữu hiệu.

Trong hai năm 2007 và 2008, trên thế giới xảy ra hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về giá cả nhu yếu phẩm. Sự tăng đột biến của giá lương thực và giá nhiên liệu trên thế giới làm tăng giá lương thực và nhiên liệu trong nước khiến lạm phát năm 2008 tăng rất cao. Từ giữa năm 2008 tới hết năm 2009 thế giới lại đối mặt với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu. Là một nước có độ mở cao, Việt Nam cũng không tránh khỏi các ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Những tháng đầu năm 2011 nền kinh tế nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Những yếu tố bất lợi trên tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư [19, tr.118-119]. Đây là những khó khăn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chặng đường 2011 - 2015 và cũng như chặng đường 2015 - 2020.

Những thuận lợi và khó khăn của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đang đặt ra những yêu cầu hết sức cấp thiết đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những quyết sách đúng đắn trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức.

2.3. Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa lực lượng sản và quan hệ sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở việt nam gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay (Trang 66 - 69)