7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ
Theo tiến trình lịch sử, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Nội dung cơ bản mỗi cuộc cách mạng ấy là sự thay thế các công cụ sản xuất thô sơ, thủ công cũng như thay thế các quá trình sản xuất lạc hậu, bằng việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiến dần lên từ cơ khí hóa đến tự động hóa, sản xuất kiểu dây truyền hiện đại, với những nguồn năng lượng mới. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật (từ thập niên 40 tới thập niên 80 của thế kỷ XX) - với đặc điểm căn bản có ý nghĩa quyết định và có tính phổ biến là sự phát triển mạnh mẽ của tự động hóa và điều khiển học trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và sản xuất trên cơ sở các thành tựu của vật lý học, hóa học, điện tử - tin học, đã mở cửa thế giới vi mô của vật chất, làm xuất hiện các ngành công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng và công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất loài người. Vì thế cách mạng khoa học - kỹ thuật đã trở thành cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.
Về mặt lý luận, điều này đã được C.Mác chỉ ra trong bộ Tư Bản khi ông nghiên cứu các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản cách đây hơn 100 năm. C.Mác đã viết: “Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực tế
trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí…mà…phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất” [8, tr.368-369]. Đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp” [16, tr.372-373].
Xét từ góc độ phương thức sản xuất, cách mạng khoa học - công nghệ đã tạo ra sự phát triển mới của lực lượng sản xuất. Những tri thức khoa học mới lại được nhanh chóng vật hóa để trở thành công cụ sản xuất mới và trực tiếp tham gia vào các quá trình sản xuất; quá trình chuyên môn hóa càng sâu sắc cùng với nó là sự phân công lao động càng hoàn thiện. Công cụ sản xuất ngày càng được cải tiến, phương thức tạo ra sản phẩm thay đổi hoàn toàn Các yếu tố riêng biệt của quá trình sản xuất được kết hợp hữu cơ với nhau và được kết nối thành một hệ liên kết mạng trên quy mô quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện xuất hiện các hệ thống công nghệ
mới về nguyên tắc. Các chức năng lao động dần dần được thay thế từ thấp lên cao (từ lao động chân tay sang lao động trí tuệ), vai trò của con người trong quá trình sản xuất có sự thay đổi về căn bản. Quan hệ sản xuất, vì thế, đang có sự thay đổi để thích ứng với tính chất và trình độ mới của lực lượng sản xuất.
Khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Sức mạnh
của mỗi quốc gia tuỳ thuộc phần lớn vào năng lực khoa học và công nghệ. Lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn. Vai trò của nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực sáng tạo, ngày càng có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, điều này đã thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển và dần trở thành nền kinh tế tri thức mang tính toàn cầu. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cách phát triển nền kinh tế tri thức.
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã tạo một bước ngoặt trong toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả của nền sản xuất xã hội. Đồng thời, nó tác động một cách sâu sắc và toàn diện tới các quan hệ kinh tế đối ngoại và mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong phạm vi quốc gia và quốc tế ngày càng mở rộng, quan hệ sản xuất ngày càng tiến bộ. Đối với nước ta, việc kết hợp tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội với những thành tựu mà cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại mang lại là một vấn đề quan trọng tạo ra cơ hội cho chúng ta đi tắt, đón đầu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, từ khi bắt đầu cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, chỉ trong vòng vài năm tri thức của nhân loại tích luỹ được đã bằng tổng số tri thức có trong hai thiên niên kỷ trước. Nếu chúng ta không nhanh chóng nắm bắt những phát minh mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, chậm ứng dụng hay ứng dụng không hiệu quả những thành tựu ấy vào quá trình sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của khoa học - công nghệ, trình độ lao động không tương xứng. Tất yếu sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu xa hơn không chỉ trên thế giới mà còn ở trong khu vực. Đây là thách thức lớn nhất khi chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ.
Nhận thức được điều đó, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỉ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng” [4, tr.218].
2.2.3. Kinh tế tri thức
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa, xu hướng chuyển sang kinh tế tri thức đã và đang là một thực tế và ngày càng được khẳng định trước hết là trong các nước phát triển và các nước mới công nghiệp hóa.
Kinh tế tri thức mở ra khả năng vượt khỏi đói nghèo trong toàn xã hội, khả năng đổi mới mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người. nền kinh tế tri thức làm xuất hiện khả năng phát triển đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Nền kinh tế tri thức cũng làm biến đổi sâu sắc về sở hữu và phân phối, tạo nên sự bình đẳng trong xã hội, góp phần tăng năng suất lao động - một nhân tố quyết định thắng lợi cuối cùng của một chế độ xã hội. Vì thế, đối với Việt Nam, “phát triển kinh tế tri thức là cơ hội chưa từng
có của sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [7, tr.66].
Sự phát triển của nền kinh tế tri thức khiến việc phát triển mô hình công nghiệp hóa dựa vào khai thác tài nguyên và lao động rẻ trở nên lỗi thời, hoàn toàn không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa và với thời đại hiện nay. Vì thế, tại Đại hội XI chủ trương “thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với
phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường” [4, tr.75]. Đây là bước
phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về đường lối tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khi kinh tế tri thức ra đời và lớn mạnh thì những tiền đề về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về y tế, về tổ chức và quản lý, về vốn đầu tư được tạo ra trong quá trình toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ đã có một bước phát triển cao hơn về chất lượng. Đây là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt các tri thức
mới, các công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vươn ra thị trường thế giới, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua đó, kinh tế tri thức cho ta cơ hội để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, bức xúc, cũng như những nhiệm vụ cơ bản lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như: phát triển nông thôn, phát triển vùng sâu
vùng xa; đổi mới và phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới và phát triển các doanh nghiệp; đổi mới tổ chức quản lý, thực hiện Nhà nước của dân do dân, vì dân, phát huy mọi khả năng của con người
Bên cạnh đó, nền kinh tế tri thức với những đặc điểm là: tri thức là yếu tố hàng đầu của nền sản xuất, thông tin là tài nguyên quan trọng nhất, sáng tạo chính là động lực tạo ra sự phát triển của xã hội. Đòi hỏi mỗi quốc gia trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo, tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ở nước ta, đây vẫn đang là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Thế nên, kinh tế tri thức có thể trở thành một thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế, thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.