3.1.Kết luận
Nghiên cứu đã được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế trong thời gia thực tập tốt nghiệp, kết quả nghiên cứu dựa trên phỏng vấn ý kiến đánh giá của 119 khách hàng đã đạt được các mục tiêu đã đề ra như sau:
- Xác định được thực trạng tiêu dùng rau quả của người dân: Nhìn chung đa số người dân thành phố Huế có thói quen mua rau quả và thực phẩm vào thời gian buổi trưa; những loại rau quả thường mua nhất là rau ăn lá, rau ăn củ, quả, trái cây, trong đó các loại rau ăn thân và hoa rất ít khi được người tiêu dùng mua. Do đặc điểm khó bảo quản của rau quả nên người tiêu dùng mua rau quả rất thường xuyên, đa số họ mua hằng ngày hoặc 4 đến 6 lần/tuần; chợ nói chung bao gồm các chợ lớn và nhỏ là địa điểm thường được người dân lựa chọn để mua rau quả, lý do chủ yếu nhất là do sự thuận tiện. Khi được hỏi về những lo lắng khi mua rau quả, đa số người trả lời lo lắng nhất về vấn đề rau quả tồn dư hóa chất BVTV, họ còn lo lắng về vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, rau quả sử dụng chất bản quản, chất kích thích, chất tăng trưởng, rau quả trồng ở nơi ô nhiễm, nhiễm kim loại nặng,...
- Xác định và đánh giá các yếu tố tác động đến quyết định chọn mua rau quả của người dân. Đa số người trả lời đều quan tâm đến các đặc tính bên ngoài của rau quả như độ tươi sạch, không có sâu, ấu trùng, không bị hư hỏng và không có mùi hắc, trong đó độ tươi sạch là yếu tố được quan tâm nhất. Rau quả chính là thực phẩm, chất lượng của rau quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, do đó người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến tính an toàn, cụ thể người trả lời cho rằng các yếu tố rau quả không sử dụng hóa chất, không chứa chất bảo quản, không bị nhiễm vi sinh vật, không chứa kim loại nặng vượt ngưỡng đều quan trọng trong việc lựa chọn rau quả. Bên cạnh đó đặc điểm của nơi bán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua, đặc biệt người tiêu dùng bị tác động rất lớn bởi tính thuận tiện của địa điểm bán, bởi hoạt động mua rau quả thường được thực hiện hằng ngày, do vậy việc chọn mua rau quả ở nơi thuận tiện sẽ giúp tiết kiệm thời gian. Theo đánh giá của người dân, đa số họ cho rằng siêu thị là địa điểm bán rau quả an toàn nhất, tuy nhiên rất nhiều người trả lời rằng
sẽ không mua rau quả tại siêu thị, lý do là mặc dù rau quả ở đây đảm bảo an toàn nhưng địa điểm lại quá xa nơi ở.
- Dựa vào kiểm định Mann – Whitney và Kruskal – Wallis đã cho kết quả rằng không có sự khác biệt về các đặc điểm cá nhân như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thu nhập và mức chi tiêu cho thực phẩm hàng tháng của gia đình với các yếu tố mà người dân quan tâm khi lựa chọn rau quả.
- Từ thực trạng, kết quả điều tra, phân tích và trên cơ sở định hướng, mục tiêu của siêu thị Thuận Thành II, đề tài đã đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy việc tiêu thụ rau quả tại siêu thị đồng thời tìm hướng đi mới cho tương lai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài còn nhiều hạn chế như sau:
- Phạm vi nghiên cứu còn nhỏ hẹp, số mẫu điều tra còn chưa cao, và chỉ giới hạn ở một số phường tại thành phố Huế và chỉ chọn một tổ ở mỗi phường, do đó còn chưa phản ánh đầy đủ và chính xác các ý kiến chung của toàn bộ người dân thành phố Huế.
- Việc tiếp cận một số người tiêu dùng còn gặp khó khăn, thông tin họ cung cấp chưa hoàn toàn chính xác, nên gặp phải một số hạn chế khi đưa ra kết luận chung cho tổng thể.
- Các giải pháp đề xuất chỉ có ý nghĩa áp dụng trong một phạm vi nhất định của hoạt động kinh doanh, cũng như còn tuỳ thuộc vào các điều kiện về chính sách và chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp.
Hướng phát triển trong tương lai cho các đề tài sau:
- Điều tra với cỡ mẫu lớn hơn để tăng tính đại diện cho đề tài
- Phân tích sâu hơn về sự khác biệt trong việc lựa chọn các yếu tố người dân quan tâm khi mua rau quả dựa trên khoảng cách địa lý từ nơi ở đến nơi bán rau quả. - Xác định những nguyên nhân rau quả an toàn chưa thể đứng vững trên thị trường. Trong thời gian gần đây, đời sống của người dân tại thành phố Huế nói riêng và trên cả nước nói chung ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng lại càng quan tâm hơn về vấn đề bảo vệ sức khỏe của mình… Người kinh doanh không phải cạnh tranh về giá cả nữa mà hướng đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, siêu thị hay các tiểu thương buôn bán rau quả tại chợ nên chú trọng đáp ứng những sản phẩm chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, bảo vệ lợi ích của khách hàng cũng chính là bảo vệ lợi ích của người kinh doanh.
3.2.Kiến nghị
Nông sản là một mặt hàng quan trọng, trong đó rau quả là những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của con người. Rau quả tại Việt Nam không những
được tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Với sự nâng cao về nhận thức của người dân, những yêu cầu về rau quả cũng ngày càng một khắt khe. Do đó đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng là điều hiển nhiên cần phải thực hiện, bản thân người nghiên cứu xin đề xuất một số biện pháp cần thực hiện để việc phát triển sản xuất và cung ứng rau quả.
3.2.1. Đối với các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Thừa thiên Huế
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh TT – Huế cần ra hướng dẫn và hướng dẫn các cơ sở sản xuất rau theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ người dân như vốn, kỹ thuật, giống nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau quả ổn định và chất lượng ra thị trường.
Giúp đỡ người sản xuất trong việc tìm kiếm thị trường giúp tạo điều kiện để rau quả nói chung và đặc biệt là rau an toàn đến được với đông đảo người tiêu dùng.
Cần có sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thường xuyên rà soát tình hình cung ứng rau quả trên địa bàn tỉnh và thành phố Huế cũng như kiểm tra chất lượng của rau quả nhằm có biện pháp ngăn chăn và xử lý kịp thời.
Các cơ quan nhà nước cần lên tiếng ủng hộ các dự án sản xuất rau quả an toàn và thông tin về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đến tất cả người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có sự lựa chọn chính xác hơn trong việc lựa chọn rau quả và các thực phẩm khác.
3.2.2.Đối với các cơ sở sản xuất rau quả
Các cơ sở sản xuất rau quả cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc rau quả.
Hạn chế sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật ở mức tối thiểu, trường hợp cần thiết thì phải sử dụng hợp lý, đúng cách, đúng thời gian và đảm bảo rau quả khi thu hoạch không chứa các hóa chất BVTV. Không sử dụng chất kích thích, chất tăng trưởng, chất bảo quản cho rau quả.
Phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm hiểu về quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc cung cấp giống cũng như đầu ra cho rau an toàn.
Hợp tác với các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất lân cận để tạo thành một vùng sản xuất với quy mô lớn hơn nhằm tiết kiệm chi phí, bên cạnh đó với quy mô sản xuất lớn hơn sẽ
tạo thành nguồn cung ứng rau quả ổn định, do đó dễ tìm kiếm và thương lượng những hợp đồng cung cấp rau quả với quy mô lớn và lâu dài.
3.2.3. Đối với người tiêu dùng
Thực phẩm là những sản phẩm trực tiếp đi vào cơ thể, do đó để đảm bảo sức khỏe thì thực phẩm phải an toàn. Sử dụng thực phẩm an toàn là điều cần thiết để bảo vệ lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. Do đó người tiêu dùng cần phải:
- Nhận thức rõ tiêu dùng rau quả đảm bảo an toàn chính là bảo vệ cho sức khỏe của chính mình.
- Tìm hiểu về rau quả trước khi mua, không nên sử dụng rau quả không có nguồn gốc rõ ràng.
- Nên lựa chọn rau quả an toàn thay cho những rau quả chưa được kiểm định về chất lượng dù giá cả cao hơn.
- Tạo thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh và có lợi cho sức khỏe. - Ủng hộ, khuyến khích những nhà sản xuất và cung ứng rau quả an toàn.
3.2.4. Đối với siêu thị Thuận Thành II
- Luôn thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin đối với khách hàng. - Cung cấp thông tin về nguồn gốc ngay trên gian hàng để khách hàng tin tưởng cũng là một giải pháp thu hút thêm khách hàng.
- Chọn nhà cung cấp tin cậy, an toàn và hợp tác lâu dài.
- Hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm định và công bố chất lượng rau quả tại siêu thị.