CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH MUA RAU QUẢ CỦA KHÁCH HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ
2.1.3. Một số đặc điểm về sản xuất và tiêu thụ rau quả trên địa bàn TP Huế Tình hình sản xuất
Tình hình sản xuất
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là khu vực có khí hậu giao thoa giữa hai miền nam-bắc nên có thể trồng rau quanh năm, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Qua điều tra cho thấy tiềm năng trồng rau ở tỉnh Thừa Thiên Huế là rất lớn, diện tích rau quả hàng năm lên đến 4.144-4.500ha, phân bố chủ yếu vùng cát ven biển có mạch nước ngầm cao (huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc), vùng đất tốt, làm vành đai thực phẩm cho thành phố như Hương Trà, Quảng Điền, Hương Thủy. Với 9 huyện, thị xã và thành phố Huế, cơ cấu chủng loại rau còn nghèo, chủ yếu là các loại rau ăn lá (rau muống, rau lang, xà lách, rau cải, cải cúc và rau gia vị). ( Điều tra, đánh giá tình hình sản xuất rau an toàn và tiêu thụ rau tại tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS. TS Lê Thị Khánh - Trường Đại học Nông lâm Huế)
Theo thông tin tại website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cập nhật tháng 11 năm 2011, toàn tỉnh códiện tích sản xuất rau trên 3200 ha, song phân bố không đều, manh mún, nhỏ lẻ mang tính thời vụ, tự cung tự cấp. Chỉ có một số vùng trồng tập trung, chuyên canh chủ yếu ở thành phố Huế và một số xã vùng ven như QuảngThành, Quảng Thọ - huyện Quảng Điền, Hương An, Hương Xuân, Hương Chữ -huyện Hương Trà, Phú Mậu - huyện Phú Vang,...
Năm 2009, thông qua một số các đề tài, dự án, chương trình của Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư, của trường Đại học Nông Lâm Huế và một số tổ chức khác, một số mô hình sản xuất rau an toàn đã được triển khai tại các địa phương như: HTX Hương Long - TP Huế ( 0,5ha), HTX Kim Thành - Quảng Thành (1,1 ha), HTX La Chữ -Hương Trà (1 ha),…
- Diện tích sản xuất rau của từng hộ nông dân phân tán, manh mún, năng suất rau còn thấp, chưa xứng với tiềm năng đất đai. Chất lượng rau vẫn chưa được theo dõi kiểm định đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định.
- Thiếu cơ sở chế biến, thông tin thị trường còn thiếu và yếu, chưa hình thành được hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định phục vụ người sản xuất.
- Việc sơ chế, bảo quản rau để cung cấp cho thị trường chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ.
- Sản phẩm kém đa dạng về chủng loại nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giá cả bấp bênh, không chủ động trong tiêu thụ sản phẩm.
- Điều kiện thời tiết khí hậu có hai mùa mưa nắng rõ rệt, đặc biệt có mùa mưa với lượng mưa lớn rất khó khăn cho việc bố trí đa dạng thành phần các loại rau quả, củ. Trong các mùa thuận lợi như xuân hè chỉ thuận lợi để phát triển một số loại rau ăn lá, rau gia vị...Đây cũng là trở ngại rất lớn trong việc tiếp cận các thị trường lớn.
- Năng suất, sản lượng rau còn thấp và không ổn định. Nguyên nhân do nông dân sử dụng giống tại chỗ, mua giống không đảm bảo chất lượng, mặt khác sản xuất trong mùa nắng hạn thường thiếu nước và thiếu vật liệu che phủ nên rau sinh trưởng và phát triển kém dẫn đến năng suất thấp. Chất lượng rau vẫn chưa được theo dõi kiểm định đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định.
Tình hình tiêu thụ
Tại thành phố Huế, rau quả được tập trung về các chợ lớn nhỏ và cả trong siêu thị, mức tiêu thụ rau quả hàng ngày của người dân rất lớn do nhu cầu ngày càng tăng. Các loại rau có nguồn gốc chủ yếu từ địa phương các huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt rau an toàn được cung cấp từ một số cơ sở sản xuất như: HTX rau sạch Hương Long(TP Huế) và Kim Thành (Quảng Điền), bên cạnh đó rau củ còn được nhập từ các nơi khác, điển hình là Đà Lạt.
Đối với mặt hàng trái cây tươi, sức tiêu thụ tăng mạnh trong mùa nóng, đây cũng chính là thời điểm vào mùa của các loại trái cây. Loại trái cây địa phương được tiêu thụ chủ yếu là Thanh Trà, các loại quả khác chủ yếu nhập từ Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc.
Tại Huế, kinh tế đang dần phát triển hơn, cùng với đó là nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng tăng lên. Đối với rau quả, đây là mặt hàng có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, do đó ngày càng nhiều người dân quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh và nhu cầu sử dụng rau an toàn cũng tăng cao. Tại các siêu thị, đa số các loại rau quả đều được nhập từ các cơ sở sản xuất rau an toàn. Trong khi đó nguồn gốc của các loại rau quả tại các chợ lại khó kiểm soát chất lượng và nguồn gốc. Chính vì thế ngày càng có nhiều người dân đến siêu thị mua rau quả và thực phẩm hằng ngày thay vì mua ở chợ.
Tuy nhiên, do tình hình sản xuất rau an toàn tại Huế còn manh mún, nhỏ lẻ nên vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân, và do vậy hằng ngày có rất nhiều người vẫn đang mua và sử dụng rau quả không đảm bảo an toàn.
2.2.Kết quả nghiên cứu