e) Kinh nghiệm của tập đoàn Samsung Hàn Quốc
1.3.3 Một số bài học rút ra từ kinh nghiệm về phương thức huy động vốn của các tập đoàn kinh doanh trên thế giớ
của các tập đoàn kinh doanh trên thế giới
Qua nghiên cứu một số tập đoàn kinh tế trên thế giới có thể rút ra một số bài học thực tiễn sau:
Một là, Cần có nhận thức đúng đắn về tập đoàn kinh doanh với các đặc điểm về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của nó.
Tập đoàn kinh doanh hình thành qua một giai đoạn phát triển lớn mạnh chứ không phải bởi các quyết định thành lập mang tính hình thức. Cơ chế vận hành của tập đoàn kinh doanh là sự gắn kết với nhau bởi lợi ích kinh tế. Mô hình
hoạt động là mô hình công ty ‘mẹ’ (holding company) và các công ty ‘con’ (hay các chi nhánh), trong đó công ty ‘mẹ’ đầu tư vốn và kiểm soát hoạt động của công ty ‘con’ thông qua số vốn cổ phần chi phối. Mô hình tổ chức tập đoàn thường là đa cấp và đa sở hữu. Chiến lược quản lý đa dạng, mức độ phân quyền khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận.
Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình tập đoàn kinh doanh khác nhau, mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm riêng, thích hợp với từng môi trường và từng giai đoạn, vì thế phải biết chọn lọc và rút kinh nghiệm để áp dụng mô hình tập đoàn kinh doanh thích hợp vào điều kiện phát triển kinh tế ở nước ta.
Hai là, Huy động vốn được xem là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển các tập đoàn kinh doanh trên thế giới. Để có vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh thì phương thức huy động vốn gồm công cụ huy động vốn và nguồn huy động vốn phải đa dạng và phù hợp với đặc điểm kinh doanh của mô hình tập đoàn. Các tập đoàn kinh doanh trên thế giới dựa vào nhiều nguồn khác nhau để huy động vốn, trong đó quan trọng nhất là vai trò của ngân hàng và thị trường chứng khoán. Trong mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành, chức năng huy động vốn được chuyên môn hoá tập trung cho công ty ‘mẹ’ hoặc công ty tài chính thành viên, ngân hàng thành viên thuộc công ty mẹ của tập đoàn.
Ba là, Các tập đoàn kinh doanh trên thế giới hầu hết đều có các công ty tài chính, công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng thành viên. Các công ty này, đặc biệt là công ty tài chính, giúp điều hoà vốn giữa các thành viên và kết nối tạo kênh dẫn vốn linh hoạt từ thị trường vốn bên ngoài vào các thành viên của tập đoàn. Hoạt động của các công ty này vừa độc lập vừa liên kết là thành viên trợ giúp cho tập đoàn. Điều chuyển vốn trong tập đoàn thường là dựa vào quan hệ tín dụng nội bộ thông qua công ty tài chính, lãi suất của các khoản vay chính là nhân tố kích thích tính hiệu quả của việc sử dụng vốn.
Bên cạnh vai trò trợ giúp cho tập đoàn kinh doanh thì hoạt động của các công ty tài chính, bảo hiểm, hay ngân hàng này chủ yếu là hoạt động kinh doanh thu lãi, là một lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn. Đối với các tập đoàn kinh
doanh đa quốc gia thì vai trò của công ty tài chính là hết sức quan trọng, nó là mắt xích không thể thiếu trong hệ thống chuyển tiền nội bộ, giúp tập đoàn có thể luân chuyển vốn dễ dàng giữa các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Bốn là, Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gián tiếp nâng cao khả năng huy động vốn của tập đoàn kinh doanh, công ty ‘mẹ’ phải có khả năng thiết lập các mục tiêu tài chính cụ thể, giám sát và đánh giá kết quả quá trình hoạt động của các công ty ‘con’. Công ty ‘mẹ’ giám sát công ty con bằng cách gửi nhân sự vào cơ quan quyết định của công ty con (Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban giam đốc...), và thông qua đó chi phối các hoạt động của công ty con. Cơ chế kiểm soát và chi phối hoạt động cụ thể của các tập đoàn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống tài chính và theo nguyên tắc hiệu quả. Công ty ‘mẹ’ giám sát thường xuyên liên tục các công ty chi nhánh bằng cách xây dựng hệ thống chỉ tiêu định kỳ hàng tháng hàng quý kiểm tra và có các giải pháp giúp công ty con hoạt động có hiệu quả và chấn chỉnh kịp thời sự phát triển sai hướng hoặc lệch so với mục tiêu chiến lược tập đoàn đề ra.
Năm là, Hoạt động huy động vốn của tập đoàn kinh doanh dựa vào uy tín và tiềm lực tài chính của công ty ‘mẹ’ để khai thác và tìm kiếm các nguồn vốn rẻ về cho các công ty ‘con’ và cả tập đoàn. Công ty tài chính của tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên của tập đoàn. Nhờ hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của tập đoàn và nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực khai thác nguồn vốn, các công ty tài chính thành viên dễ dàng huy động các nguồn vốn với số lượng và kênh huy động phù hợp với các dự án đầu tư của các thành viên trong tập đoàn. Đối với tập đoàn kinh doanh đa quốc gia thì việc huy động vốn được tìm kiếm trên thị trường các nước mà tập đoàn đặt chi nhánh, huy động các nguồn vốn từ nơi nhiều vốn và chi phí thấp đến nơi thiếu vốn và chi phí cao, kết hợp với việc xác định tỷ giá hối đoái và kinh doanh ngoại tệ.
Việc tạo lập vốn của các công ty ‘con’, công ty liên kết của tập đoàn thường thông qua các hình thức:
-Tạo lập vốn thông qua hình thức đầu tư vốn của công ty ‘mẹ’ vào công ty ‘con’ và công ty liên kết.
-Huy động vốn trong nội bộ tập đoàn, giữa công ty ‘mẹ’ và công ty ‘con’ ở nước ngoài thực hiện thông qua các hợp đồng vay mượn giữa các công ty.
-Chu chuyển vốn trong nội bộ tập đoàn: Chu chuyển vốn của các công ty đa quốc gia có nhiều phương thức, trong đó chủ yếu là phương thức thông qua chuyển giá hàng hoá.
-Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, tín dụng thương mại...
Sáu là, Các tập đoàn kinh doanh có thể liên kết với các ngân hàng và các tập đoàn kinh doanh khác để tạo ra tổ hợp các tập đoàn kinh doanh nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và huy động tối đa các nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở Hàn Quốc, nền kinh tế được quyết định bởi các tập đoàn mạnh trong nước, hình thành một khối liên minh liên kết lẫn nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp, sử dụng ưu thế chuyên môn hoá của từng ngành để phát triển nền kinh tế quốc gia. Hiện nay ở Việt Nam có thể xem xét trường hợp liên kết giữa Ngân hàng Đầu tư Phát triển, Ngân hàng Ngoại thương và các Tổng công ty, các tập đoàn kinh tế mạnh trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn để cùng nhau phát triển và tạo nên sức mạnh chung cho tổ hợp tập đoàn và cho cả nền kinh tế Việt Nam.
Chương 2