Phương thức huy động vốn bằng đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu Đổi mới phương thức huy động vốn (Trang 44 - 49)

17 TCT CN Tàu thuỷ VN Bộ GTVT 27 Đã có 626.704 9

2.2.1.1. Phương thức huy động vốn bằng đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Việc cấp phát vốn ban đầu khi được thành lập doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành và khả năng tài chính của doanh nghiệp

đó. Lượng vốn mà ngân sách nhà nước cấp ban đầu cho tổng công ty phụ thuộc vào các nhân tố sau đây:

- Tầm quan trọng, mức độ ưu tiên của doanh nghiệp.

- Quy mô vốn tối thiểu do đặc điểm ngành kinh tế kỹ thuật đòi hỏi (do yêu cầu khách quan của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và do quy định của luật pháp về vốn pháp định).

- Nhiệm vụ được giao và phạm vi hoạt động (Địa phương, vùng, toàn quốc hoặc quốc tế).

- Tình hình và khả năng tài chính của ngân sách nhà nước trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, với cơ chế cấp phát vốn hiện hành, trên thực tế việc nhận được vốn giao còn bị chi phối bởi một số yếu tố khác. Tình trạng lãng phí vốn ngân sách nhà nước, phân bổ dàn trải, kém hiệu quả vẫn diễn ra khá phổ biến. Các tổng công ty 91 cũng không nằm ngoài tình trạng nói trên. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp thuộc các tổng công ty nhà nước cũng còn hạn chế.

Đối với các tổng công ty 90 và tổng công ty 91, quy chế đầu tư vốn nhà nước về cơ bản cũng tương tự như các doanh nghiệp nhà nước khác. Tuy nhiên, do có tầm quan trọng đặc biệt và các đặc điểm riêng nên quy chế đầu tư vốn khi thành lập các tổng công ty theo mô hình tập đoàn kinh doanh có những điểm khác biệt. Đó là từ khi được thành lập, các tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các tổng công ty 91 đã có số vốn và tài sản tương đối lớn. Theo quy định, số vốn pháp định của tổng công ty 91 phải đạt từ 1000 tỷ đồng trở lên. Như vậy xét trên bình diện chung, nguồn lực tài chính của các tổng công ty này lớn hơn các tổng công ty khác, đó là một điều kiện hết sức quan trọng đối với sự hoạt động và khả năng phát triển theo hướng tập đoàn kinh doanh.

a) Đầu tư vốn cho các doanh nghiệp nhà nước trong luật Ngân sách nhà nước.

Việc ngân sách nhà nước cung cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước được quy định tại một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, tập trung tại Điều 21 và 24. Điều 21 của luật Ngân sách nhà nước quy định về

nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước cấp trung ương có ghi rõ trong số các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước ở cấp trung ương phải đảm bảo một số khoản chi cho doanh nghiệp nhà nước: “Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, góp vốn cổ phần, liên doanh vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Việc quy định trong Luật ngân sách nhà nước như trên đã đảm bảo một cơ sở pháp lý ở mức cao nhất - mức độ luật do Quốc hội phê chuẩn - đối với việc cấp vốn của ngân sách Trung ương trong hệ thống phân cấp của ngân sách nhà nước, xét cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng, ngân sách Trung ương có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn ở mức độ hỗ trợ cho các tổng công ty nhà nước - đặc biệt là các tổng công ty được thành lập theo quyết định 91/Ttg theo mô hình tập đoàn kinh doanh vì các tổng công ty này đều do Trung ương trực tiếp quản lý.

Ngoài cấp ngân sách Trung ương, cơ chế cung cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước còn được quy định rõ đối với cả cấp ngân sách tỉnh. Điều 24 luật Ngân sách nhà nước quy định về nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước cấp tỉnh, trong đó có ghi rõ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế có khoản chi đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Nhà nước.

Xét dưới góc độ quản lý ngân sách nhà nước, việc quy định cụ thể như trên thể hiện rõ chính sách và cơ chế sử dụng một phần nguồn tài chính nhà nước vào mục đích hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong cơ chế chung đó, do vị trí đặc biệt của các tổng công ty nhà nước nên các tổng công ty này nhận được sự ưu tiên trong việc được tài trợ bằng vốn ngân sách nhà nước.

b) Đầu tư vốn nhà nước trong quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước.

Hiện nay, theo Nghị định 199/2004/CP: “Vốn do nhà nước đầu tư là vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho công ty nhà nước khi thành lập, trong quá trình hoạt động kinh doanh; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; giá trị các khoản viện trợ, quà biếu,

quà tặng; tài sản vô chủ, tài sản dôi thừa khi kiểm kê công ty nhà nước được hạch toán tăng vốn nhà nước tại công ty nhà nước; vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế; giá trị quyền sử dụng đất và các khoản khác được tính vào vốn nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Về quy chế đầu tư vốn của công ty nhà nước: Quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu phải đầu tư đủ vốn điều lệ cho các công ty nhà nước trong thời hạn 2 năm kể từ khi có quyết định thành lập. Nếu công ty nhà nước mới thành lập phải thực hiện đầu tư và xây dựng thì đại diện chủ sở hữu phải đảm bảo cấp đủ vốn điều lệ khi công ty nhà nước đi vào hoạt động kinh doanh. Quá thời hạn trên, nếu đại diện chủ sở hữu không đầu tư đủ vốn thì phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ hoặc không được điều chỉnh giảm vốn diều lệ do vốn điều lệ đã bằng mức vốn pháp định thì tuỳ tình hình cụ thể phải sắp xếp lại công ty nhà nước theo các hình thức: sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Với ba loại tổng công ty là Tổng công ty do nhà nước đầu tư thành lập, Tổng công ty do các công ty tự đầu tư thành lập và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, thì vốn nhà nước đầu tư thành lập tại mỗi tổng công ty là khác nhau:

- Vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập là số vốn nhà nước do tổng công ty trực tiếp quản lý và vốn nhà nước tổng công ty đầu tư cho công ty thành viên hạch toán độc lập.

- Vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty do các công ty tự đầu tư thành lập (hoạt động theo mô hình công ty ‘mẹ’ - công ty ‘con’) là số vốn nhà nước đầu tư cho công ty nắm quyền chi phối doanh nghiệp khác (gọi là công ty 'mẹ'). Công ty 'mẹ' là công ty nhà nước hoạt động theo luật Doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định 153/2004/CP. Vốn hình thành công ty ‘mẹ’ là vốn góp của các công ty ‘con’.Công ty ‘mẹ’ có tư cách pháp nhân nhưng tổ hợp công ty ‘mẹ’ - công ty ‘con’ không có tư cách pháp nhân.

- Vốn nhà nước đầu tư cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước gồm vốn nhà nước do tổng công ty trực tiếp quản lý dử dụng và vốn nhà nước do tổng công ty đầu tư vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên kết, công ty liên doanh và các tổ chức kinh tế khác.

Nhà nước chỉ đầu tư vốn cho tổng công ty, công ty ‘mẹ’.Việc đầu tư vốn vào các công ty ‘con’, công ty thành viên hạch toán độc lập và các doanh nghiệp khác là do tổng công ty, công ty ‘mẹ’ quyết định.

So với các quy định trước đây, quy chế quản lý vốn nhà nước đầu tư có một số thay đổi căn bản. Những thay đổi này là theo xu hướng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay:

Một là: Bỏ các khoản hỗ trợ về vốn đối với doanh nghiệp nhà nước

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, trong tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức WTO, các khoản hỗ trợ về vốn như hỗ trợ vốn đầu tư, hỗ trợ vốn trả nợ, lãi suất ưu đãi .v.v..của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước đã được xoá bỏ. Việc xoá bỏ những hỗ trợ này nhằm mục đích tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên việc ngân sách nhà nước cấp vốn bổ sung cho các doanh nghiệp nhà nước là một điều kiện cần thiết để duy trì và phát triển một số doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tạm thời về tài chính. Vì vậy vốn cấp bổ sung được thực hiện thông qua thủ tục tăng giảm vốn điều lệ. Tại điều 6 của Nghị định 199/2004/CP có quy định: “Trong quá trình kinh doanh, đại diện chủ sở hữu có quyền quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn điều lệ của công ty nhà nước. Đại diện chủ sở hữu chỉ được rút vốn đã đầu tư tại công ty nhà nước khi tổ chức lại công ty nhà nước hoặc điều chỉnh giảm vốn điều lệ của công ty nhà nước. Việc rút vốn chỉ được thực hiện nếu vẫn đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả của công ty nhà nước.Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục tăng giảm vốn điều lệ của công ty nhà nước”.

Hai là: Bỏ thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước và áp dụng quy định mới trong phân phối lợi nhuận

Nghị định 199/2004/CP đã bỏ thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thay vào đó là việc phân phối lợi nhuận sau thuế thực hiện theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước đầu tư tại tổng công ty và vốn tổng công ty tự huy động. Điều này cũng cần được nghiên cứu thêm trên giác độ chi phí vốn và hiệu quả sử dụng vốn, bởi vì: bỏ thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước là đúng vì Nhà nước cũng là một chủ sở hữu bình đẳng như các chủ sở hữu khác trong khi các doanh nghiệp khác không có khoản thu này; tuy nhiên, phân phối lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư và vốn công ty, tổng công ty tự huy động thì sẽ khuyến khích sử dụng nợ, điều này không phải bao giờ cũng tốt và sẽ là không công bằng giữa các công ty, tổng công ty khác nhau về điều kiện kinh doanh đặc thù từng ngành và chính sách vay vốn.

Phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước được chia dùng để tái đầu tư cũng cần được sử dụng linh hoạt hơn trong việc để lại bổ sung vốn điều lệ hay rút về Quỹ tập trung để đầu tư vào Tổng công ty, công ty khác.

Thông qua kênh cấp phát vốn của ngân sách, Nhà nước cung cấp toàn bộ hoặc một phần vốn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước. Với tư cách là chủ sở hữu của các doanh nghiệp, Nhà nước cấp vốn ban đầu khi thành lập mới doanh nghiệp và có thể cấp bổ sung vốn cho doanh nghiệp trong những trường hợp nhất định.

Một phần của tài liệu Đổi mới phương thức huy động vốn (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w