3.1. Kết luận
Đề tài đã điều tra 90 phiếu CTCP Tràng An, nguồn số liệu sơ cấp này được xử lý trên phần mềm SPSS. Mức độ hài lòng của nhân viên trong doanh nghiệp được đánh giá theo thang điểm Likert theo cấp độ giảm dần từ 5 là rất hài lòng đến 1 là rất không hài lòng. Trên cơ sở đó, đề tài đã giải quyết các vấn đề sau:
1. Đề tài đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về sự hài lòng của công nhân viên đối với doanh nghiệp.
2. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ hài lòng của công nhân viên đối với công ty là chưa cao, trong đó đáng chú ý nhất là yếu tố lương bổng và phúc lợi. Kết quả cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt về mức độ hài lòng của công nhân viên đối với doanh nghiệp tại CTCP Tràng An nhất là khi xét theo Giới tính, Vị trí, Thu nhập và Nơi làm việc. Yếu tố Trình độ hoàn toàn không ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của công nhân viên đối với doanh nghiệp.
3. Đề tài cũng đã sử dụng mô hình hồi quy để đánh giá về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của công nhân viên đối với doanh nghiệp, yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sự thoả mãn của công nhân viên là yếu tố Hình ảnh và uy tín của công ty, tiếp theo đó là yếu tố Lương bổng và phúc lợi, sau đó tới Chính sách đảm bảo an toàn và sức khỏe lao
động.
4. Dựa trên những kết quả đã đúc rút được qua quá trình điều tra và phân tích số liệu; trên cơ sở định hướng của CTCP Tràng An trong thời gian tới, khóa luận đã đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giúp Ban lãnh đạo công ty có những điều chỉnh kịp thời nhằm khai thác nâng cao mức độ hài lòng của công nhân viên đối với doanh nghiệp. Các giải pháp đã nêu ra, có những giải pháp tình thế, có những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Các giải pháp này có thể chưa được đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng cũng phần nào chỉ ra được những vấn đề cần thiết để làm gia tăng sự hài lòng của công nhân viên đối với công ty.
3.2. Kiến nghị
Để những giải pháp được đưa ra ở trên có ý nghĩa thực tiễn, tôi xin đề xuất một số kiến nghị đối với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cũng như công ty những vấn đề sau:
3.2.1. Đối với cơ quan nhà nước
- Trước hết, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở các trường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để các công ty có cơ hội tiếp xúc và học hỏi được kinh nghiệm và những kiến thức quý báu cần thiết để có cơ hội phát triển kỹ năng, kiến thức.
3.2.2. Đối với chính quyền địa phương
- Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần có những chính sách quan tâm đến hoạt động của các công ty trên địa bàn như: tạo điều kiện thuận lợi cho công ty về các thủ tục pháp lý khi giao dịch, thực hiện hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ, tạo điều kiện để công ty tiếp xúc với nguồn vốn, các cơ hội kinh doanh.
3.2.3. Đối với công ty
Hội đồng Quản trị cần tạo điều kiện tốt nhất để Ban Giám đốc thực hiện những chính sách động viên công nhân viên giúp làm tăng cường sự hài lòng của họ đối với công ty.
Ban Giám đốc cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ công nhân viên của mình, nhanh chóng tìm ra những thiếu sót trong quy trình quản trị nhân sự để có giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao sự hài lòng cho công nhân viên.
Cần xem xét những giải pháp mà đề tài đã đề xuất vì những giải pháp này đều có những căn cứ thực tiễn.