Nhân tố quyết định quy mô, nhịp độ xuất khẩu hàng hoá là cơ cấu hàng xuất khẩu, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu chủ lực. Xác định cơ cấu hàng hoá có hiệu quả là một nội dung quan trọng của chính sách chuyển dịch cơ
cấu hàng xuất khẩu chủ lực.
Trong nền kinh tế thị trường, việc đổi mới chính sách cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực phải căn cứ vào: thị trường xuất khẩu, điều kiện và khả năng sản xuất trong nước, hiệu quả. Trong ba yếu tố trên, hiệu quả là yếu tố quan trọng nhất trong sự lựa chọn cơ cấu và mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu chủ lực cần có chính sách xây dựng cơ cấu mặt hàng theo hướng giảm tỷ trọng hàng thô
và sơ chế đi đôi với tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Giảm tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu truyền thống đi đôi với tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu mới, tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Nếu như trong nghị quyết đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ
VI(1986) mới chỉ đề cập đến vai trò của xuất khẩu nói chung và đưa xuất khẩu cùng với lương thực- thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng thành 3 chương trình kinh tế lớn của cả nước, mà chưa đề cập một cách cụ thể đến việc xây dựng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thì kể từ đại hội Đảng lần thứ VII trở đi, vấn đề này đã chính thức được nêu ra và ngày càng thể hiện rõ qua các văn kiện VIII, IX. Nghị quyết đại hội lần thứ VII chỉ rõ: “Cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến, giảm tỉ
trọng xuất khẩu nguyên liệu, tạo ra các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như
dầu mỏ, nông sản, thuỷ sản”(6).
Sang đến nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VIII, quan điểm của Đảng không chỉ dừng lại ở chỗ : “tạo ra các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu mỏ, nông sản, thuỷ sản” mà đã nâng lên thành“tạo thêm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nâng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường, giảm tỷ trọng sản phẩm thô và sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu và tinh trong hàng xuất khẩu, tăng nhanh xuất khẩu dịch vụ”(7).
Đặc biệt đến đại hội IX của Đảng, quan điểm về vấn đề này càng cụ thể
hơn, chi tiết hơn và việc xây dựng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tính chiều sâu hơn. Trong phần kế hoạch kinh tế - xã hội 2001- 2005, Đảng ta đã khẳng định rõ “tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, gạo, cà
phê, cao su, hàng thuỷ sản, dệt may, da giầy, hàng thủ công mỹ nghệ, điện tử và linh kiện điện tử, phần mềm máy tính...”(8).
Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải cải tiến cơ cấu hàng xuất khẩu theo những hướng cơ bản sau:
- Giảm tỷ trọng xuất khẩu thô và sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến ngày càng sâu và tinh, giảm tỷ trọng xuất khẩu nông sản, thuỷ sản thô. Tiếp tục cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, giảm dần xuất khẩu dầu thô, quặng thô, tài nguyên chưa qua chế biến. Chuyển từ xuất khẩu gạo, cà phê hạt, hạt điều, rau quả sang thực phẩm chế biến như cà phê hoà tan...có bao bì hiện đại, mẫu mã đẹp, thuận lợi cho bảo quản và sử dụng.
- Tăng cường đầu tư cho công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu để một mặt nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, mặt khác tận dụng được lao động trong nước. Kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào những ngành sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều vốn để một phần thay thế hàng nhập khẩu.
- Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nói chung và hàng chủ lực nói riêng
để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Tạo ra những ngành hàng xuất khẩu mới có giá trị cao, mạnh dạn đào thải những mặt hàng xuất khẩu không mang lại hiệu quả kinh tế hoặc hiệu quả giảm sút dần. Tiến hành phát triển quy hoạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.