KHI MẢNH CHAI BẮT ĐẦU NỔI
The New York Times Ngày 6 tháng 5, 1975
“Hoa Kỳ giờ đây tin rằng những kẻ chiến thắng đã lùa dân ra khỏi những thành phố ở Cambodia”.
Washington, 5 tháng Năm – Các viên chức Bộ Ngoại giao ngày hôm nay nói họ tin rằng những người Cộng sản Cambodia đã ngầm bắt buộc toàn bộ dân ở Phnom Penh di tản ra khỏi thành phố ngay khi họ nắm quyền ở thủ đô đầu tháng qua.
Hai ngày sau năm mới, ngày 15 tháng Tư năm 1975, chú Seng về nhà, xô bật cổng mở rộng. Không nói một lời, chú chạy vội vào nhà. Chú ùa đến phòng ngủ của mình, ném túi xách quân đội xuống giường, rồi vội vã nhét quần áo vào. Thấy thế, tôi ben phóng sang tìm Mak ở nhà bếp.
“Mak ơi! Poo (chú) Seng làm rất lạ. Chú chạy ùa vào và tống quần áo vô túi xách. Mak, sang mà xem”. Mak nhíu mày. Im lặng một lát, bà cúi xuống tôi, nói “Con đi nói với ba con đi. Đi nhanh đi, koon!”
Tôi bảo Pa đúng những gì tôi vừa bảo với Mak, nhưng lần này bằng một tốc độ nhanh gấp đôi lần trước. Pa vùng ngay dậy và rảo bước đi xuyên qua nhà để tìm chú Seng. Khi đó chú đã xong việc và đi ra khỏi nhà. Pa và tôi chận chú ngay gần cổng.
“Seng! Em đi đâu vậy?” Pa hỏi.
“Em sắp rời Cambodia đây”, chú Seng trả lời. Chú tránh cặp mắt Pa, chăm chăm nhìn xuống đất như thể không còn cần phải bàn cãi gì nữa.
“Nhưng em không đi đến gặp Yom [1]sao? “ Pa lắp bắp, ông tức giận vì chú ấy quyết định ra đi mà không hỏi ý kiến người lớn hơn.
Chú Seng buồn bã trả lời “Lok bang![2], bọn Khmer Đỏ là kẻ thù thứ nhất của em. Em không thể ở lại để nhìn mặt chúng” Lời chú rơi ra từ miệng như những viên đá dẹt. Chú nói một cách cương quyết “Em sẽ bay đến Kampong Chharng để gặp các bạn em, rồi từ đó bay sang Thái Lan. Lok bang, em đi đây”.
Chú Seng bước ra khỏi cổng. Pa không nói một lời. Ông nhìn tôi, tôi thấy Pa đầy nước mắt. Thường thì người anh cả hiếm khi mất nghị lực tự kiềm chế, thế nhưng trước khuôn mặt của chiến tranh, ông không còn khả năng ấy nữa.
*
Giống như nhiều gia đình khác có nhà cửa xây liền nhau, chúng tôi cũng không có khoảng trống nào để làm hầm tránh bom. Chúng tôi phải nhờ đến dì Nakry, em gái của mẹ tôi, dì có hầm tránh bom ở cách chúng tôi chừng hai căn nhà. Trong cái khoảng khắc kinh hoàng sau khi bom rơi xuống một nơi nào đó trong thành phố, cả trẻ con, đàn ông, đàn bà đều ua ra khỏi nhà, ngửng cổ lên nhìn xem nguy hiểm đến từ đâu. Chúng tôi cũng làm như vậy, gồm anh chị em chúng tôi, cha mẹ tôi và chú Surg, em của ba tôi (chú này lớn hơn chú Seng) mà gia đình đã đến ở với chúng tôi từ vài tháng nay. Nguy hiểm từ đâu? Chúng tôi đưa mắt thăm dò vùng chung quanh. Ít nói lên được điều gì. Liếc nhìn qua hàng xóm, chúng tôi tự hỏi bom sẽ đánh vào đâu. Sẽ có nhiều quả thả xuống nữa không? Khmer Đỏ sẽ dội bom xuống phần nào của thành phố? Chẳng ai biết cả. Còn bây giờ, tôi thấy nhẹ nhõm vì bom đã đánh trượt chúng tôi.
Sáng hôm sau, ngày 16 tháng tư năm 1975, Pa đến sở làm. Đó là một cố gắng tuyệt vọng để cố tỏ ra mọi việc bình thường. Mặc dù ông biết rằng chẳng có nhân viên dưới quyền ông đến làm việc, và cũng chẳng có tàu nào đến cảng ngày hôm đó, ông vẫn cảm thấy mình phải có mặt để coi sóc các thiết bị. Trong khi Pa đến sở, mọi người đều ở nhà. Từ một tháng nay, các trường học đều đóng cửa.
Cho đến khi bóng đêm phủ xuống nhà và trải xuống đường phố, Pa vẫn chưa về nhà. Đột nhiên có một tiếng nổ lớn phía sau nhà chúng tôi. Một quả đạn pháo làm rung chuyển nền nhà, gần như cùng một lúc bắn tung những mảnh đạn pháo rào rào lên mái ngói, như thể đất đá đang tuôn một trận mưa rào xuống đầu chúng tôi vậy. Từ trong bếp, Mak đang chạy ùa ra với hai đứa em trai nhỏ tuổi của tôi. “Koon, nấp vào nơi nào đó đi! Nấp đi! Dưới giường chú con đấy. Nắm lấy em này!” Mak gào lên với chị Ry và anh Than. Chúng tôi nhanh chóng chui vào dưới tấm nệm giường chú Seng. Một tiếng nổ khác làm tôi giật nảy người, trán húc vào lò xo giường. Lại một tiếng nổ khác, nó khiến cho tôi văng thành một đống co quắp với chị Ry, anh Than, Avy, Vin và Map. Âm thanh lớn đến điếc tai. Tôi quá sợ đến nỗi không còn đủ sức để niệm kinh Phật nữa.
Cuộc pháo kích ngừng. Một lát sau Mak bảo có thể chui ra được rồi. tôi thấy nhẹ cả người và có cảm giác mình thở được bình thường trở lại. Mak, chị Chea và anh Ra chui đầu nhìn chúng tôi và đưa tay vào giúp
chúng tôi duỗi thân thể ra, vì chúng tôi co quắp lại như những trái banh nhỏ xíu.
Sáng hôm sau, 17 tháng tư năm 1975, tôi thức giấc vì một tiếng nói. Tiếng radio nổ ra vang tai. Chân tôi đạp vào tấm nệm. Trong một giây tôi có cảm giác như mình được đánh thức ra khỏi cái chết, vì thân thể tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt lả đến như vậy.
Một giọng nam khác thường vang lên trong không trung. Không phải là tiếng nói mà là tiếng hét “Đầu hàng đi! Phnom Penh đã bị chiếm!” Tôi nhảy ra khỏi giường chạy đi tìm mọi người. Mak, Chea, Ra, Ry và Than đang tập trung quanh chiếc trường kỷ lắng tai nghe đài phát thanh. Tiếng nói đe doạ tuôn ra từ radio: “Nếu ai không buông vũ khí và treo cờ trắng, các đồng chí của chúng tôi sẽ xem đó là hành động nổi loạn chống lại chúng tôi!” giọng nói thật trang trọng.
“Chea, tất cả các con, Ra nữa, đi làm lá cờ! Nhanh lên!”
Các chị Chea, Ra và Ry chạy đi ngay khi những lời đó rời miệng Mak. Chị Ra đến tìm trong một chiếc tủ nhỏ trong khi ch. Chea cùng chị Ry chạy đến một tủ khác. Trong một giây tôi kinh hoảng, nóng lòng muốn làm một điều gì đó. Nhưng rồi tôi thấy chị Ra đang lục lọi tủ. Mak thì phóng vào phòng ngủ. Anh Than thì mở cửa trước, tôi bèn theo. Than hé cổng và tôi lách ra ngoài đường.
Trời buổi sớm vẫn tối sầm khi tôi đi ra đường. Tôi chưa thấy có lá cờ nào, nhưng tôi chú ý một vài người phụ nữ cuống quýt chạy qua nhà hàng xóm. Trông họ cũng hoảng hốt như mẹ tôi. Bằng giọng the thé, họ báo động cho các người khác lo treo cờ trắng, và nhắc nhau lắng nghe tin tức trên đài.
Càng lúc người ta ra khỏi nhà nhiều hơn, rồi đường đầy người. Người ta hỏi nhau về tin tức những người khác, và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Không ai biết được sự thay đổi đột ngột này rồi sẽ tác động lên họ như thế nào. Ơn trời, tôi thấy Pa đang tiến lại trên chiếc xe gắn máy màu xanh nhạt. Ông đột ngột dừng ngay giữa đường, chống chân xuống đất gần một vài người. Pa nói điều gì đó trong khi tay vẫn nắm chặt ghi đông xe. Một trong mấy người đó nói gì lại với ông và ông gật đầu. rồi mấy người này tản đi, cũng nhanh như khi họ tụ tập lại. Nhưng khi Pa sắp đi tiếp thì nhiều khác tiến lại, họ nóng lòng hỏi thăm tin tức. “Pa!” vừa kêu tôi vừa chạy, mừng quá đỗi khi thấy ông bình yên.
Khi tôi chạy đến đám đông vây quanh Pa, tôi kêu lớn thêm một lần nữa. Pa ngừng nói, quay lại và ngạc nhiên thấy tôi. Ông nói nhanh “Athy, tại sao con không ở nhà? Trở về nhà ngay đi, koon. Đi!”
Tôi vâng lời. Tôi không thể không chú ý đến vẻ rã rời, nhàu nát của Pa. Mắt ông đỏ ngầu, đầy gân máu, và trông sưng hơn thường ngày. Tôi cũng chú ý thấy ông không mặc bộ đồng phục thanh tra thường mang. Thay vào đó, ông mặc một chiếc sơ mi màu ngà và quần nâu đậm.
Khi tôi chạy về nhà, tôi nghe tiếng Pa gào lớn “Treo lá cờ trắng trước nhà! Họ thắng, chúng ta thua rồi!” Một người đàn bà cũng la lớn từ trên ban công “Lok! Chúng tôi không có cờ! Kiếm đâu cho ra lá cờ trắng?”
Rời chú ý vào đám đông, Pa ngước nhìn lên “Không cần phải là cờ trắng gì cho đẹp đâu. Một bao gối màu trắng hoặc một tấm vải trải giường màu trắng là được rồi. Bất cứ cái gì màu trắng để cho họ thấy chúng ta đầu hàng!”
Tôi lo lắng báo tin cho Mak biết Pa đã về. Tôi như bay xuyên qua cánh cổng đang mở, la to “Mak! Pa về nhà rồi! Con thấy Pa đang bảo mọi người treo cờ trắng. Pa về kia kìa!”
Mọi người lo âu ùa ra khỏi nhà. Chúng tôi vây quanh Pa như một bầy ong quanh tổ mật khi ông vừa bước qua cổng. Ông thở một hơi dài, nói “Phe Khmer Đỏ đã chiếm đất nước này. Chúng ta đang gặp khó khăn đây”.
Đó là một lời thừa nhận không ai có thể chối cãi. Pa lắc đầu và chậm chạp bước vào nhà. Mọi người nôn nao muốn nghe ông nói về Khmer Đỏ. Ông ngồi xuống đi văng và thở dài. Không nói một lời, chúng tôi ngồi xuống quanh ông.
Pa nói, chọn từng từ một cách chính xác “Srok Khmer (Cambodia) đã rơi vào tay Khmer Đỏ. Đời sống chúng ta sẽ không giống như trước nữa. Họ đã ra lệnh cho lính của Lon Nol hạ vũ khí và đầu hàng. Ai từ chối buông vũ khí sẽ bị bắn ngay”.
Pa thở dài thật mạnh, mặt ông bạc trắng. Ông tiếp, “Họ đã bắt Lon Non [3]và thân quyến của ông ta. Ba không nghĩ rằng họ sẽ cho những người đó sống. Họ cũng không tha cho thường dân. Họ đe doạ những người dân vẫn còn nấp trong hầm tránh bom. Họ thét gọi vài lần bảo người ta chui ra. Rồi họ cũng không cho những người dân đang sợ hãi đó có cơ hội để đi ra nữa. Họ ném lựu đạn vào hầm trú bom. Không ai có thể sống sót, một con kiến cũng không.”
“Tại sao bố nó tối hôm qua không về nhà?” Mak hỏi. “Em cứ tưởng có một chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra cho bố nó. Mấy đứa nhỏ sợ hãi và cứ hỏi bố luôn miệng.”
“Thì tôi đã muốn về ngay khi ở sở người ta nhận định rằng quân Khmer Đỏ vừa vượt qua sông từ Phnom Penh. Nhưng tụi tôi không được phép rời sở. Khmer Đỏ pháo kích khắp nơi trong đường phố. Vì thế người tuyệt đối cấm rời khỏi sở”. Rồi ông giật mình. “Mà chúng ta đã treo cờ trắng trước nhà chưa vậy?”
“Chưa, Pa ạ” chị Chea trả lời. “Con lo chạy ra xem ba và chưa làm xong lá cờ.” Chị có vẻ xin lỗi – điều này khá lạ đôi với người chị lớn bạo gan này. Nhưng trước những tin tức xấu như thế này thì ai cũng thuần đi. “Không cần phải làm cho đẹp đâu, koon. Lấy cái bao gối trắng treo đâu đó cho người ta thấy là được rồi. Nhanh lên! Quan trọng là để cho Khmer Đỏ thấy chúng ta sẵn sàng hợp tác”.
Pa nhỏm dậy khỏi đi văng và mọi người đều làm theo như vậy, gần như đồng loạt. Ông quay sang Mak. “Tôi đi xem hàng xóm đã treo cờ chưa. Nếu mình không giúp nhau, Khmer Đỏ sẽ cho rằng chúng ta không muốn đầu hàng. Họ sẽ làm hại tất cả chúng ta. Tôi sẽ trở lại ngay.”
Tôi chạy theo sau ba tôi. Tôi gọi “Pa, con cũng muốn đi với ba nữa” Tôi chạy đến níu cánh tay phải của ông.
Ông dừng lại và nói “Athy, ở nhà với má con! Ba về ngay mà”. “Nhưng con muốn đi với ba!” Tôi nói mà cúi mặt xuống đất. “Được rồi, thì đi!” ông nắm lấy cánh tay tôi.
Tôi nhẹ nhõm, cảm thấy an toàn chỉ vì có sự hiện diện của ông . Pa và tôi dừng lại trước một ngôi nhà chưa có cờ. Ông nhắc với chủ nhà, nhấn mạnh đến việc cần thiết phải treo cờ. Tôi hãnh diện vì thấy cha tôi là người đầu tiên đã lo lắng cho hàng xóm như thể họ là gia đình của ông vậy.
Sáng hôm sau tôi rời nhà ngay sau khi ăn sáng. Bây giờ Pa bình yên rồi, trong trí tôi nghĩ đến trường học. Tôi bèn chạy sang nhà Thavy bạn tôi, chỉ cách nhà tôi chừng bảy căn nhà. Tôi lo lắng muốn biết trường tôi có bị phá huỷ không kể từ sau khi Khmer Đỏ bỏ bom gần đó nhiều lần.
Thavy còn mang theo đứa em trai sáu tuổi của nó như thể chúng tôi đi ra tiệm thực phẩm mua bánh kẹo vậy. Chúng tôi đi, mỗi người nắm một tay cậu bé. Chúng tôi kể cho nhau nghe những nỗi sợ hãi của cái đêm bị ném bom. Cứ như kể chuyện ma vậy. Trước khi chúng tôi nhận ra, chúng tôi đã đứng trên con đường của trường học, hay đúng hơn, những gì còn lại của nó.
Chúng tôi cứng người, lặng lẽ bước đi như những pho tượng nhỏ, mặt bạc trắng như phấn nụ vì kinh hoàng. Mắt chúng tôi chăm chăm nhìn vào cái hố sâu như miệng núi lửa do một trong mấy quả bom mới đào, chỗ hàng rào phía trái của trường học trước đây. Chúng tôi chầm chậm bước qua hàng rào bị xé nát. Mảnh hàng rào vỡ, cành cây gãy vụn tạo thành một đống hỗn độn. Cơn gió nhẹ quạt vào mặt tôi, mang theo mùi nồng khó chịu. Tôi nói “Có mùi gì hôi thối ở đây”
Sự huỷ diệt của một cái gì đó rất quen thuộc đã kéo chúng tôi lại gần hơn. Chúng tôi chạy về phía các toà nhà đổ nát, mùi hôi thối càng gắt hơn. Trên mặt đất dọc theo lối đi, chúng tôi thấy chiếc mũ rằn ri của một người lính và những mảnh gỗ cháy đen từ các phòng học bị vất ra. Đến gần hơn nữa, mùi hôi bốc nồng nặc, ruồi nhặng bay vù vù.
Trước mắt chúng tôi những xác lính chết chồng lên nhau trong một căn hầm tránh bom đã bị bom phá nát, căn hầm trước đây đã được xây nơi mỗi góc vuông dùng để trồng các luống hoa, giữa các bậc cấp dẫn lên mỗi phòng học. Lũ ruồi lớn với đầu và mắt xanh lè bu lúc nhúc lên các vết thương sâu hoắm nơi xác các người lính đang thối rữa. Một cái chân đứt lìa khỏi thân thể nằm bên cạnh bậc cấp của lớp học đầu tiên, nằm lạc lõng một cách đơn độc và bệnh hoạn. Xác quặt quẹo của một người lính nằm chồng lên phía trên các xác khác, cái miệng cứng đờ há rộng ra trong một cơn đau khủng khiếp.
Tôi mới được chín tuổi.
Trong đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều cái chết đến như vậy. Trong một lúc tôi như bị thôi miên, ngây người trước những người lính bị giết. Tôi quên mất cả Thavy và tay của đứa em nó mà bàn tay tôi vẫn còn nắm chặt. Tôi che miệng và nhìn trừng trừng vào đống thây người: những lớp máu đông đặc, những phần thân thể thối rữa, bầy ruồi nhặng xanh lè đói khát đang rút tỉa các vết thương mở lớn trên thi thể. Bao tử tôi bắt đầu chuyển động, bữa ăn sáng mới nuốt vào bụng đang tìm đường vọt lên trên họng, tiếp theo đó là một cơn choáng váng cả người. Chỉ lúc đó tôi mới cố kìm giữ mình lại và cảm thấy được cái kéo, giựt liên tục từ bàn tay của em Thavy.
“Thy, mình đi đi!” Thavy kêu lên, tiếng nó vo ve như một tiếng vang chậm chạp. Tiếng nó đến tai tôi như từ một nơi rất xa vọng lại. Thavy và em nó đã kéo tôi ra khỏi cơn hôn mê.
Chúng tôi chạy về phía lỗ hổng trên hàng rào nơi chúng tôi chui vào. Tôi đang chạy bỗng nghe tiếng kêu thét bật ra từ lồng ngực cậu bé. Cậu em của Thavy vấp chân và té khi hai chị em đến hàng rào. Thì ra tôi