CHƯƠNG 7 PHẦN CÒN LẠI CỦA HỒN MA

Một phần của tài liệu Chanrithy him unknown (Trang 72 - 90)

PHẦN CÒN LẠI CỦA HỒN MA

The Economist

Ngày 16 tháng Tư năm 1996 “Số người chết thật sự”

Có một ghi chú viết tay ghi nguệch ngoạc ở cuối một tài liệu ký tên hai người của Pol Pot ở Toul Sleng, trước kia là trường trung học ở Phnom Penh sau trở nên nhà tù nổi tiếng nhất của Khmer Đỏ. Ghi chú viết “Ngày hôm nay cũng đã giết 168 trẻ em trong tổng số 178 kẻ thù bị huỷ diệt”

Đó là năm 1976. Đói khát thường xuyên ám ảnh tâm trí chúng tôi, tiếng nói bên trong không làm chúng tôi dịu đi được. Nhưng Khmer Đỏ lại giảng giải cho chúng tôi nghe về sự hy sinh. Trong những cuộc mít tinh cưỡng bức, họ bảo chúng tôi rằng chúng tôi cần hy sinh cho những lữ đoàn cơ động đang chiến đấu trên “mặt trận”, họ nhấn mạnh rằng những lữ đoàn cơ động đó đang xây dựng padewat (cuộc cách mạng). Chúng tôi, tại làng này, chúng tôi không có giá trị mấy bởi vì chúng tôi không làm việc trên mặt trận. Chúng tôi đã trồng lúa, khoai, cây ngọc quả nhưng chúng tôi nhận lại rất ít hoặc hầu như không nhận được gì từ mùa gặt. Phần lớn các lương thực đó đều được gởi cho lữ đoàn. Về sau, tôi biết chính xác “mặt trận” nghĩa là gì – đó là nơi cuộc chiến đấu duy nhất là để chính cuộc cách mạng sống sót được.

Thân thể sưng phù của Mak chẳng biết sao đã bớt đi, bà đã có thể đi lại được một quãng ngắn. Giống như một con kên kên đánh hơi thấy được thây ma ở gần, một tên chỉ đỉểm bắt đầu lượn quanh lều chúng tôi. Hắn ra lệnh cho Mak đi dự một cuộc mít tinh. Mak van nài rằng bà chưa được khoẻ. Nhưng hắn chụp lấy điểm rằng bà có khá hơn trước. Hắn ra lệnh là chừng nào còn đi được thì bà phải đi. Giận dữ, Mak lẩm bẩm một mình “Khi mình bị bệnh và đói không đi nổi, sao chẳng thấy hắn thò đầu vào đây? Ar’kmhaoch your! (Quỷ tha ma bắt mày đi)”

Nhưng lạ thay, đi họp về trông thần thái Mak có vẻ khá hẳn. Thì ra lãnh đạo làng sẽ đưa trẻ em đi xây dựng một kênh dẫn nước gần Daakpo, nơi đó có nhiều thức ăn. Cá, khoai, gạo, đủ thứ. Mak không cần kể lại với tôi, đã nghĩ chắc rằng mấy đứa con nhỏ của mình cuối cùng cũng có thể sống sót được.

“Athy, con phải đi dự mít tinh. Họ sẽ gởi con đi làm việc, nhưng nơi đó ở gần đây và ở đó có nhiều thức ăn. Khi nào có nhiều, con cứ ăn cho kềnh bụng”. Đó là một cơ hội để chụp lấy và bà sẽ không để vuột mất. Mak mơ màng “Có lẽ con còn có thể đem về cho mẹ một ít thức ăn nữa”.

“Nhưng như thế con phải xa mẹ, Mak ạ. Con không muốn đi đâu, con sẽ nhớ mẹ, con sẽ khóc”. Chưa chi nước mắt tôi đã ứa ra.

“Athy, trại đó không xa đây lắm. Con có thể về thăm mẹ ban đêm sau khi làm việc xong, con sẽ có thức ăn, koon. Nếu con ở lại trong làng này, chắc tất cả chúng ta sẽ chết đói hết. Hãy đi cùng với các đứa trẻ khác. Đến đêm con lại về thăm mẹ, nếu con nhớ mẹ, nhưng con đừng ở lại đây, con sẽ chết đói mất”. Mak nhìn vào mắt tôi, muốn tôi nghe lời, mắt bà van xin tôi hãy hiểu ý định của bà.

“Con vẫn không muốn đi, Mak! Con không muốn xa mẹ. Ở đây con vẫn có thể tìm lá và các thức khác để ăn, không có sao đâu”. Thật ra tôi biết chẳng thể là không sao đâu được.

“Koon ạ, con phải đi, họ cũng không cho con ở lại trong làng đâu. Nếu con không đi, họ sẽ mang con đến Angka Leu. Con không biết họ sẽ làm gì con đâu. Mẹ không muốn họ tra tấn con, koon à. Con phải đi, con sẽ có thức ăn để sống. Đi đi, con của mẹ, hãy nghe lời mẹ đi”. Giọng bà gắng hết sức nhưng hơi thở của bà đã hụt. Bà bất bình một cách khốn khổ. Tôi chỉ còn có thể khóc.

Đây là một lựa chọn khắc nghiệt, thực phẩm hoặc ở bên Mak. Trong thời buổi khó khăn này, tôi không thể chọn lựa. Sự thiếu ăn làm cho tôi rối loạn, đầu óc nhẹ tênh, không còn suy nghĩ gì được. Chẳng có cái gì tôi có thể dựa vào được nữa. Cuối cùng tôi không còn chọn lựa nào. Tôi mới mười tuổi và tôi rất cần mẹ tôi. Thế nhưng việc nhắc đến thức ăn đã kéo tôi lại, những kỷ niệm về thực phẩm tôi đã từng có ở Phnom Penh sống lại trong ký ức tôi. Các ký ức này làm tôi lưỡng lự. Và cả sợ hãi. Cả một mớ câu hỏi không ai có thể trả lời – Cái gì sẽ xảy ra nếu họ nói dối, như họ đã từng làm trước đây? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không bao giờ gặp lại Mak, chị Chea, chị Ra, những người đã đi xa hàng tháng trời? Không có một lời hay thư từ gì của họ cả. Nếu Mak chết đói trước khi tôi trở lại thì sao?

Tối đến, tôi đi dự cuộc mít tinh. Khi đến gần Sahakar [1] tôi đưa tay quệt nước mắt, xoá đi mọi vết tích của sự yếu đuối. Trước sahakar có chừng năm mươi trẻ em. Trời tối, tôi không nhìn rõ mặt của những người lãnh đạo. Tôi đến ngồi vào phía sau, một vài cái đầu quay lại nhìn tôi. Tôi không phải là người duy nhất tuyệt vọng. Phía trước tôi, bọn trẻ cũng đang chìm sâu trong nỗi buồn của chúng. Chúng tôi chỉ là những pho tượng nhỏ bé, ngoan ngoãn, vâng lời. Mùi nồng nặc của phân bò và nước tiểu bốc lên từ mặt đất. Trăng soi sáng đêm lạnh và gió. Tôi đưa mắt ngắm cái bóng đen của người lãnh đạo, và tôi bị hút hồn khi nghe ông ta nói về thức ăn. Ông ta làm như cuộc sống trong lữ đoàn thiếu niên giống một tiệm ăn hoặc một buổi tiệc ngoài trời vậy. Ông tung ra đủ các câu thần chú.

Tôi trở về nhà và chìm ngay vào giấc ngủ sâu. Một giọng nóii trầm trầm vang từ xa rồi lớn dần lên. “Kó ma…(trẻ em).. đi đến Sahakar…đến Sahakar..”

Tôi mở mắt và thấy trời còn tối. Tim tôi đập mạnh. Tôi bò lại gần Mak. Tiếng nói lanh lảnh tiến lại gần. Tôi sợ họ mang tôi khỏi Mak và không bao giờ tôi có thể trở về với bà được nữa. Nằm cạnh Mak, tôi thấy dễ chịu vì sự hiện diện ấm áp của bà, nghe tiếng thở nhè nhẹ của bà khi đang ngủ. Tôi không muốn đi, tôi biết rằng tôi sẽ rất nhớ bà bắt đầu từ bây giờ. Tôi hiểu rằng tôi cần mẹ hơn là thức ăn.

“Trẻ em, hãy đến Sahakar ngay…” tiếng nói chỉ còn cách chúng tôi hai căn lều.

Mak giật mình tỉnh dậy. Tôi sợ hãi, bồn chồn, cố nằm yên giả vờ đang ngủ say. Mak ngồi lên và lay cánh tay tôi “ Athy, dậy đi, dậy đi koon! Đã đến giờ đi rồi. Dậy đi con!”

Tôi khóc “Mak, con không muốn đi xa mẹ. Con không muốn đi, Mak ơi!” Tôi van nài, nhìn vào cái bóng đen của mẹ trong nền tối mờ của bầu trời chưa sáng.

“Koon, Mak đã giải thích cho con rõ ngày hôm quá rồi là con không thể ở lại được. Bây giờ Mak không có thời giờ để nhắc lại nữa. Con phải đi, con ạ. Tên chhlop kia đang đến gần đấy”.

“Các đồng chí,” tên chỉ điểm gào lên, hắn đang đứng cạnh lều của chúng tôi “ Đi đến trước Sahakar, nhanh , nhanh lên!”

“Athy, đây, mang theo muỗng đĩa này con” Mẹ nói nhỏ, đưa cho tôi gói đồ dùng cần thiết.

Tôi lấy đĩa và muỗng gói vào khăn, ước chi Mak nói thêm gì nữa. Nhưng Mak chỉ im lặng. Tôi không thể thấy bộ mặt hay nước mắt của bà, cũng như không thể thấy mặt Avy và Map, mà chỉ thấy những cái bóng của họ, giờ đã thức dậy và đứng bên cạnh Mak. Lặng lẽ, tôi giã biệt gia đình tôi trong bóng đêm.

Lần lượt, các trẻ em đến tụ tập trước Sahakar. Mỗi người mang theo đĩa muỗng và áo quần được gói vào một chéo khăn. Một số tên chỉ điểm đi ngược về các túp lều, đi hết từ cái này sang cái khác để chắc chắn rằng các “đồng chí lao động được” đều có mặt. Khmer Đỏ tập trung thiếu niên từ tuổi lên tám. Điều này giống như họ đi gặt lúa non vậy.

Chung quanh tôi là đội quân thiếu nhi mới – những tấm thân nhỏ bé chân trần mặc những tấm giẻ rách, hoặc các bộ đồng phục bạc màu, tơi tả. Tất cả áo quần đều có một màu xám xịt do dùng quá nhiều và thường xuyên ngâm trong nước bùn. Một vài đứa còn không có nổi một chiếc khăn ,là món đồ cần thiết nhất, vừa dùng như áo quần vừa là một túi xách. Chúng cầm đĩa và muỗng trong tay, hay là nhét vào ngực. Thỉnh thoảng tôi liếc trộm chúng, tự hỏi chúng có nhớ mẹ như tôi đang nhớ mẹ tôi không.

“Ahh! Sắp theo hàng một! Các đồng chí, đi theo hàng một!” một tên chhlop vị thành niên gào lên dữ tợn “Sắp hàng! Sắp hàng! Thẳng! Không nói chuyện! Bất cứ đồng chí nào bị bắt gặp đang nói chuyện sẽ bị đem đi cải tạo ngay!”

Mắt hắn nhìn khắp mọi người, chờ bắt gặp một lỗi lầm nhỏ nhất. Như những nô lệ nhỏ bé, chúng tôi bị các tên chỉ điểm kiểm soát sát sàn sạt và đoàn người chậm chạp di chuyển dưới sự hướng dẫn của chúng. Và tôi thì thầm lời giã biệt với Mak.

Nơi đây không có đường xá, và chúng tôi đi xuyên qua vùng nông thôn bị chia cắt bởi những cánh đồng lúa xanh xa xa. Tôi lách qua những bụi cỏ cứng hình dáng kỳ lạ, một phong cảnh khác hoàn toàn với khu rừng nơi chúng tôi sống. Khi chúng tôi đến một đồng cỏ bát ngát, sương buổi sáng sớm rơi xuống những ngọn cỏ cứng, rửa sạch bụi trên lá và tôi cảm thấy lạnh. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi cứ tiếp tục đi xa mãi. Họ chẳng bảo là chúng tôi sẽ lao động gần nhà sao? Còn xa bao nhiêu nữa? Tôi kinh hoàng khi nhận ra rằng họ lùa chúng tôi đến đây bằng lời nói dối, nhưng chúng tôi vẫn lê bước đi theo hàng.

Khi chúng tôi đi xa khỏi các xóm làng, hàng cây trông nhỏ lại. Khắp nơi là các cánh đồng mạ nay bỏ hoang, khô cằn và cỏ dại mọc đầy. Mỗi cánh đồng mạ có một đường đất nhỏ viền quanh, đó là những bờ ruộng giữ nước để cấy mạ. chúng tôi bước lên những bờ ruộng nhô cao, rồi lại bước xuống, đi vào các đồng ruộng trống rỗng, trơ trụi và khắc nghiệt.

Chúng tôi đi nhiều tiếng đồng hồ và các chhlop bắt đầu dừng lại nghỉ. Dường như họ đã bỏ rơi chúng tôi thật xa, khuất hắn phía trước mặt biết rằng chúng tôi vẫn theo sau. Mặc dù tôi rất sợ họ nhưng tôi càng lo lắng hơn nếu lạc mất họ. Mất dấu họ là có nguy cơ lạc đường, bị đói đến chết. Vì vậy, mọi người vội vã bước theo họ, nhưng tôi vì mệt quá vẫn bị tụt lại phía sau. Bàn chân tôi, vốn đã bị bầm dập và yếu ớt, bỗng

đạp phải một cái gì sắc nhọn. Tôi đau đớn đến tận óc. Tôi cắn răng không kêu thét lên, và buông mình ngồi bệt xuống đất. Tôi thấy dưới đất có một cành cây đầy gai nhọn, một trong những chiếc gai đó gẫy ra và đâm vào chân tôi. Gai có màu đen và nằm thật sâu trong thịt của tôi, chỉ có một đầu thòi ra khỏi gan bàn chân. Tôi cố nhổ ra nhưng nó vẫn bám chặt. Tôi gắng một lần nữa nhưng nó vẫn ngoan cố không chịu ra. Tôi nhìn lên và thấy mọi người phía trước đã đi khuất. Sợ hãi, tôi bật khóc, nghĩ rằng mình tiến thoái lưỡng nan ở đây mà không có thức ăn, không có nước uống.

Tôi cố nhớ lại xem bọn chhlop dẫn đầu đã đi về phía nào, nhưng không cách chi nhớ được. Cái gai càng đâm sâu thêm vào chân tôi. Nỗi sợ hãi không đến được trại lao động tăng lên. Ý tưởng đó làm tôi khóc thét. “Athy, Athy, tại sao bạn khóc vậy?” một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên.

Tôi quay lại và thấy Cheng, một đứa bé trạc tuổi tôi mà tôi quen biết ở làng Daakpo.

“Cheng,” tôi kêu lớn. “Những người đó đi đâu mất rồi. Chỉ còn hai đứa mình ở đây. Mình giẫm phải một cái gai và không lấy nó ra được”. Tôi nhẹ nhõm vì ở đây với Cheng, một “dân mới” giống như tôi.

Cheng lấy ra một củ khoai bằng nắm tay và chìa nó ra cho tôi. Đây là thức ăn tôi thấy suốt ngày hôm nay. Nó nhẹ nhàng bảo tôi “Athy, đừng có khóc nữa. Chân mình cũng rất đau, mình cũng mệt và đói như bạn vậy”.

“Cheng, lấy giùm mình cái gai ra được không? Mình đau lắm, không đi nổi.”

Nó vói tay lấy cái gói buộc trong khăn rồi lấy ra một chiếc kẹp áo lớn. Cheng liếm ngón tay và chùi bùn nơi chân tôi. Nhẹ nhàng, nó lấy đầu chiếc kẹp lần tìm cái gai nằm sâu trong thịt tôi rồi nhổ ra bằng ngón trỏ và ngón cái.

Cheng bây giờ có vẻ thoải mái “Chúng mình sẽ giúp nhau tìm ra đường”.

“Chúng mình cùng đi với nhau nhé? Nhưng bạn có chờ mình nếu chân mình đau không?” “Bạn cũng phải chờ mình nữa nếu mình bị mệt, nghe?” Cheng nhìn tôi và gật đầu.

Cheng và tôi lại khởi hành, ngang qua một rừng cây, rồi đi vào một cánh đồng cỏ vàng, dày, cao hơn cả hai chúng tôi. Những cuống cỏ bị bó chặt vào nhau cào xước mặt tôi. Chúng tôi qua được một bụi cỏ này thì lại chui vào một bụi cỏ khác.

“Cheng này, đám cỏ này cao quá khiến mình không thể biết mình đi đâu nữa” Tôi cố lắng tai nghe tiếng bước chân, tiếng nói chuyện để biết là chúng tôi đi đúng đường. Nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là tiếng rì rào của đám cỏ bị chúng tôi rẽ ra.

Cheng trông rất mệt nhưng cánh tay nó, nhỏ như chiếc thước học trò, cố đẩy đám cỏ sang một bên, thân hình nhỏ bé của nó bước qua, tiếp theo là tôi, tôi cũng mệt lả. Cuối cùng thì cả rừng cỏ dày đặc cũng chấm dứt và phía trước mặt chúng tôi là những hàng trẻ em đi xiêu vẹo. Tôi thầm cám ơn Trời Phật đã đến được nơi đây.

Khi chúng tôi lê bước đến gần một khóm cây, chúng tôi giật mình trước cảnh nhìn thấy. Có đến hàng trăm người lớn, mình cúi thấp, hì hục như nô lệ trên cánh đồng. Bên cạnh nhau, họ đào đất, tạo thành một con mương dài chạy song song với con đường đất đắp cao sườn dốc. Một số người dùng cuốc, cố xẻ đất ra rồi bỏ vào thúng cho người đứng phía sau. Những người kia cầm đòn gánh, đợi thúng đầy đất rồi gánh đi. Một nhóm người khác lấy đất đó đổ lên con đường dài, đắp cao cạnh mương, rồi quay trở lại lấy thêm đất. Ý

tưởng đầu tiên của tôi là về chị Chea và chị Ra.

“Cheng”, tôi nói nhỏ “mấy chị của mình có thể có ở đây. Mình muốn tìm họ”. Hy vọng của tôi lại nổi lên và bay lượn trên cánh đồng.

Tôi quét mắt qua đám đông đang bận rộn làm việc, nhưng khó thấy mặt một ai. Phần lớn họ lấy khăn che mặt để khỏi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào. Hoặc họ cúi xuống khi đào đất hay nhìn ra xa khi gánh các thúng đất đi. Tôi ngắm nghía các khuôn mặt bẩn thỉu, gầy trơ xương, hy vọng tìm thấy chị Chea và chị Ra. Tôi đứng bất động bên cạnh Cheng và cố tìm, cố tìm.

“Athy!” một người gầy nhom vì thiếu ăn đứng trong đám người lao động bỗng la to, đưa tay vẫy tôi liên hồi. Tôi tiến lại gần và sững sờ. Đó là dì Rin, em gái nhỏ của Mak, một người phụ nữ trước đây trẻ trung, đẹp đẽ. Bây giờ thì dì ẩn mình trong chiếc khăn cũ kỹ choàng quanh mặt và một bộ đồ đồng phục nguyên là màu đen, giờ bị bạc đi thành một màu xam xám buồn tẻ. Cặp mắt dì với hai hàng mi dài, và vẻ dịu dàng,

Một phần của tài liệu Chanrithy him unknown (Trang 72 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)