CHƯƠNG 19 TRẠI SAKEO
TRUNG TÂM NGƯỜI TỊ NẠ NỞ PHILIPPINES
Đêm 20 tháng Sáu năm 1981, chúng tôi đến sân bay Philippines. Chuyến đi từ Thái Lan đến đây tưởng dài như vô tận. bây giờ thì cái ý tưởng được nằm dài trên giường là một điều xa xỉ, chúng tôi cần đáp xe buýt về trại.
Sáng hôm sau khi tôi mở mắt, ánh nắng chiếu vào phòng nơi chị Ry, anh Than, Map và tôi đang nằm ngủ. Tôi ngồi dậy. Chị Ra, anh Vantha, Sytha và Savorng đâu rồi? Mất một lúc sau tôi mới nhớ họ ngủ ở dưới lầu.
Tôi ngồi dậy rồi rón rén đi xuống thang lầu cố không làm ai thức giấc. Tôi chạy dọc theo con đường trải nhựa và nhìn xung quanh. Tôi ngắm nhìn những toà nhà gỗ hai tầng bên tay trái và tay phải. Đó là những khôi nhà rộng dài, chia thành những gian riêng biệt. Có vẻ mỗi gia đình được chia cho một gian, như gia đình chúng tôi, được gian trên lầu và dưới lầu. Ngắm các toà nhà xong, tôi nhìn sang bên phải và nơi kia, ở đàng xa, một ngọn đồi uy nghi với cây cỏ mọc xanh ngắt và một cây thánh giá khổng lồ màu trắng. Mọi thứ đều mê hoặc tôi. Các toà nhà, ngọn đồi xanh ngắt. Những con đường nhựa uốn lượn quanh các khu nhà. Cảnh đẹp của cỏ, cây, bụi hoa ven đường, dọc theo các lối đi rải đá. Tôi mê cái khoảng sân rộng mát trước mỗi toà nhà. Tôi bàng hoàng đón lấy cái đẹp của toàn trại, lòng vô cùng biết ơn.
Chị Ry và tôi đang rửa bát đĩa sau nhà thì đột nhiên một giọng nói ngọt ngào, dịu dàng cắt ngang cuộc đối thoại giữa chúng tôi "Chào các bạn, các bạn khoẻ chứ?" giọng nói có một trọng âm rõ rệt.
Chúng tôi quay người, thấy một phụ nữ người Phi nhỏ nhắn, da sậm, đứng sau lưng mỉm cười "Các bạn có muốn mua gạo hay mua rau gì không?" Bà đưa cho chúng tôi xem một cái rổ đựng chanh và các thứ rau tươi. Tôi nhìn qua rổ rau, rồi nhìn vào cặp mắt màu nâu sáng và thân thiện của bà. Giọng nói và tinh thần cởi mở của bà làm cho tôi ngạc nhiên. Chúng tôi chưa hề gặp nhau, vậy mà bà đã gọi chúng tôi là "các bạn"! Lời nói và thái độ của bà tỏ ra rất nồng nhiệt. Tôi nhớ lại các trại tị nạn ở Thái Lan nơi chúng tôi đã từng ở và bị đối xử như thế nào. Tôi thấy thích thú trước người phụ nữ Phi này. Bà làm cho tôi có cảm tưởng như mình đang ở nhà.
Sau khi chúng tôi đến, người ta bảo chúng tôi rằng những người tuổi từ 16 đến 55 phải học tiếng Anh như là một sinh ngữ thứ hai (ESL) và học Định hướng văn hoá (CO) trong ba tháng trước khi rời khỏi nơi đây để đi Mỹ. Trong lớp học ESL tập trung, chúng tôi sẽ học về quần áo, nhà cửa, việc làm, bưu điện và vận chuyển. Còn ở lớp CO, chúng tôi sẽ học các chủ đề tổng quát như bảo trợ, truyền thông, lối sống và vệ sinh. Dù tôi trông mong được học các chủ đề này, tôi cũng thấy học về chừng đó chủ đề trong một thời gian ngắn như vậy thật quá sức. Nhưng dù sao học ở đây miễn phí, và tôi cần được nắm vững trước khi vào Mỹ. Vì thế tôi rất mong được theo các lớp học này.
Trong lớp ESL, chúng tôi có cả học sinh Cambodia lẫn học sinh Việt Nam. Giáo viên của chúng tôi là một bà người Phi. Khi bước vào lớp, bà liếc nhìn chúng tôi và hơi nhíu mày. Tôi tự hỏi không biết bà ta có hẹp hòi như một số giáo viên của tôi thời tôi còn học ở Phnom Penh không. Những người này hay kéo tóc mai của bọn con trai và dùng thanh tre đập lên lòng bàn tay chúng tôi. Bà giáo đặt chiếc xắc tay xuống bàn và nhìn cả lớp. Đôi môi đỏ chói của bà nở ra thành một nụ cười. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Bây giờ tôi sẵn sàng học bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho tôi đi vào nước Mỹ.
Bài học đầu tiên của chúng tôi là chào hỏi bằng tiếng Anh như thế nào, cách bắt tay như thế nào. Khi đến giờ thực hành, bà giáo yêu cầu cô gái ngồi bên cạnh tôi đứng dậy. Cô phải bắt tay với một người con trai Cambodia trong lớp. Cô gái lắc đầu, mặt đỏ bừng. Bà giáo hỏi một cô gái khác và cô này cũng lắc đầu. Bà bối rối đành phải gọi cánh con trai bắt tay với nhau.
Bà gọi một anh người Cambodia và một anh người Việt Nam lên đứng trước lớp. Họ tự giới thiệu và bắt tay nhau. Bà quay ra nói với cả lớp "Các bạn thấy đó, lên đây và bắt tay nhau có gì khó khăn đâu. Xem tôi đây này. Tên tôi là Marie, bạn có khoẻ không?" Bà bắt tay với một học sinh người Việt Nam. "Đấy, tôi bắt tay với cậu ấy mà tôi có sợ bị mang thai gì đâu. Đừng lo, bạn không có con vì bắt tay đâu. Nào, tiếp tục thực hành đi".
Tôi thấy bực mình vì lời bình luận của bà. Đáng ra bà phải được biết về nền văn hóa của chúng tôi, và biết rằng cách chào hỏi của chúng tôi là ép lòng bàn tay vào với nhau và đưa lên ngang cằm.Ngay tôi đây, người gan dạ trong bất cứ tình huống nào, cũng thấy bối rối trước chuyện bắt tay. Chúng tôi cần có thời gian để thích nghi với lối sống mới.
Khi bà Marie thúc giục đám con gái chúng tôi tình nguyện, tôi bắt đầu lấy lại can đảm.
Bà gọi một nam học sinh Việt Nam tên là Minh lên đứng trước lớp. Vừa bà vừa nói: "Ai muốn lên đây bắt tay với Minh nào? Cậu ấy đẹp trai đấy chứ". Cả lớp cười ồ. Cả Minh cũng cười, mắt anh ta nheo lại nhìn về phía đám con gái.
Tôi đứng lên, bà giáo mỉm cười dỗ nhẹ "Nào lên đây, Chanrithy. Bạn làm được mà. Giới thiệu tên bạn rồi bắt tay".
Không có vấn đề gì, tôi nghĩ, mỉm cười rồi bước đến chỗ Minh đang đứng và nói "Tên mình là Chanrithy, bạn có khoẻ không?"
Phía dưới bọn con gái khúc khích khiến Minh cũng mỉm cười.
"Chào bạn, tên mình là Minh", anh nói, đưa mắt nhìn bọn con gái "Bạn có khoẻ không?" Anh lại nhìn bọn họ. Tôi đưa tay ra bắt, anh bước đến định nắm tay tôi nhưng tay anh vừa gần chạm vào tay tôi, tôi rụt lại. Tôi vội quay về chỗ ngồi. Tếng cười vang lên khắp lớp.
Tôi cười nhìn bà giáo, bà đang lấy tay che mặt và cười rung cả người. Cánh con trai phía bên phải tôi cười ha hả. Mặt Minh đỏ như một con gà mái đang cố rặn trứng. Một học sinh nam người Cambodia nói nhỏ gì đó phía sau lưng anh, và anh mỉm cười bẽn lẽn.
Bà giáo hỏi tôi, giọng thiện cảm "Chanrithy, tại sao không bắt tay Minh?"
Tôi cười trả lời "Lần sau em sẽ bắt", đáng đời anh ta, chưa chi đã cười điệu với bọn con gái. Tôi nhìn Minh, mặt anh ta vẫn còn đỏ bừng.
*
Sau khi chúng tôi đến đây được một tuần, người ta bảo chúng tôi đến gặp các viên chức di trú. Anh Vantha cũng đến, nhưng bước qua phía đối diện với văn phòng. Chúng tôi thì ngồi trong văn phòng di trú cùng các gia đình khác, chờ anh đến. Chị Ry và anh Than trách chị Ra đã không bảo anh Vantha vì cách xử sự của anh. Chị Ra bảo anh ấy sẽ đến đây liền, chị còn nói thêm, anh ấy là một tên khùng, gặp việc như ngày hôm nay mà còn đi chơi loanh quanh. Chúng tôi chong mắt ra cửa, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Đến khi người ta gọi tên anh, tất cả chúng tôi đều đứng dậy, nhăn mặt nhìn nhau. Rồi đột nhiên khuôn mặt nhơn nhơn của anh xuất hiện ở cửa. Đây không phải là lần đầu tiên anh đùa với sự lo lắng của chúng tôi. Hình như anh rất vui thú khi làm cho chúng tôi tức điên lên.
Sau khi gặp các nhân viên di trú, anh Vantha nói rằng anh đã thay đổi ý định. Anh không muốn chúng tôi đến với chú Seng nữa. Thay vì đến Portland Oregon, anh rất sung sướng được di cư đến nơi khác. Anh nói anh sẽ đến bất cứ nơi nào sở di trú chỉ định và chúng tôi phải đi theo anh.
Anh cười tự mãn. Chị Ra không chú ý đến anh mà chỉ lo bế ẵm Syla trên tay. Chị Ry tức giận, mặt đỏ bừng lên. Anh Than thì im lặng, giữ nguyên suy nghĩ của mình, Savorng và Map thì chau mày nhìn anh Vantha. Nhiều người tị nạn Cambodia mong muốn một cách tuyệt vọng gởi thư và đơn xin nhập cư đến các toà lãnh sự của Mỹ, Úc, Canada hay bất cứ quốc gia nào khác vui lòng đón nhận họ. Họ lo lắng cho số phận của họ và cầu nguyện đêm ngày cho người ta nhớ đến họ, thế mà ông anh rể của tôi thì chẳng hề biết ơn cái vận may của mình chút nào.
*
Bạn tôi, Sothea, dẫn tôi đến Phase I, một bệnh viện lo chăm sóc y tế cho người tị nạn. Trông giống hệt một bệnh viện ở Phnom Penh, chung quanh trồng hoa đủ màu và cây cối. Đường đi trải nhựa, đường vườn hoa lát đá. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại được một nơi khang trang như thế này.
Sothea dẫn tôi đi dạo một vòng trong toà nhà, chỉ cho tôi xem phòng kiểm tra sức khoẻ với những ghế ngồi, bích chương và thiết bị tôi chưa từng thấy bao giờ. Tại bàn phía trước, nơi người ta nhận bệnh nhân, có một quầy gỗ dài, nhẵn bóng với một vài chiếc ghế xinh xinh phía sau. Có cả điện thoại. Chưa bao giờ tôi thấy một nơi dành cho người tị nạn mà lại đẹp đẽ, hiện đại như thế này. Và tiệm thuốc cũng rất đẹp. Trên kệ, chai, hộp thuốc sắp xếp ngăn nắp. Nhãn, tên thuốc đập vào mắt tôi. Đột nhiên bóng tối của một kỷ niệm vụt đến với tôi. Nó mang tôi lại thời còn ở Phnom Penh, đến bàn đựng thuốc của Pa. Đó là thời mà ông săn sóc tôi khi tôi bị bệnh suyễn.
Sothea giới thiệu tôi với một số nhân biên bệnh viện, Bác sĩ Sophon, một người Cambodia gốc ở Canada, Mary Bliss, một y tá Mỹ tình nguyện và bác sĩ Trần, trước đây là bác sĩ y khoa ở Việt Nam. Lạ thay, tôi bắt tay họ một cách hết sức tự nhiên. Đột nhiên tôi thấy mình là người lớn, đã trưởng thành rồi.
Sothea sắp đi Mỹ và cần một người thay thế cô làm thông dịch viên y tế. Nó hỏi tôi có thích việc này không. Tôi trả lời còn hơn là thích nữa! Nó cũng cười vì sự phấn khích của tôi.
Bây giờ thì một trong những giấc mơ của tôi sắp sửa được thực hiện. Tại Khao I Dang, tôi rất muốn học tiếng Anh. Tôi cũng vô cùng muốn làm thông dịch viên y tế. Đôi khi tôi mơ khi đang học tiếng Anh. Tôi sẽ dịch cho bệnh nhân và làm việc với các y tá và bác sĩ. Đó là một phần thưởng khi được giúp những người tị nạn bạn của tôi, những người đã trải qua nhiều thống khổ đến như vậy. Bây giờ giấc mơ đó đang trở thành sự thật. Có lẽ rồi giấc mơ kia rồi cũng sẽ thành sự thật khi tôi đến Mỹ. Tôi nhớ điều mình đã hưá khi chôn cất chị Chea: "Chị Chea ơi, nếu em còn sống sót, em sẽ học ngành y. Em muốn giúp đỡ người khác vì em đã không giúp được chị. Nếu em chết ở đây, em sẽ học ngành y ở kiếp sau".
*
Anh Than phàn nàn rằng không có ai chịu dạy tiếng Cambodia cho Map. Anh nghĩ rằng, Map, đã bảy tuổi, phải học tiếng Cambodia bởi vì đó là ngôn ngữ chính của nó. Anh nói rằng anh sẽ dạy Map, vì chúng tôi
không còn Pa hay Mak đảm trách vai trò đó nữa. Tôi hãnh diện vì anh đã nghĩ đến Map. Tôi lắng nghe anh nói và liếc nhìn anh dạy Map trong khi tôi đang học các thuật ngữ y khoa trong cuốn Cẩm nang y khoa Cambodia mà Sothea đã cho tôi. Tôi chú ý anh Than hý hoáy viết vội vào sổ tay. Thật sung sướng khi thấy anh tôi tự nắm lấy trách nhiệm của mình.
Anh Than đọc lại bảng mẫu tự Cambodia, rồi anh bảo Map lập theo anh. Sau vài lần, anh bảo Map lặp lại một mình. Map có vẻ chán, không chú ý. Nó bảo anh Than nó muốn ra ngoài chơi. Anh than bảo nó phải học tiếng Cambodia và yêu cầu nó phải lập lại theo anh. Map lắp bắp đọc theo anh. Sau đó anh bảo Map đọc lại các mẫu tự một mình. Map chỉ có thể nhớ được vài ba chữ. Điều này khiến anh Than giận điên lên, anh nện một cú xuống vai Map.
Map bật khóc. Anh Than đưa tay lên doạ đánh nữa. Map sợ co rúm người lại. Nó nhìn tôi cầu cứu, nhưng tôi không muốn nói gì vì anh Than đã 18 tuổi rồi, lớn hơn tôi. Với lại anh sẽ chẳng thèm nghe tôi vì tôi đã không nghĩ đến việc dạy Map như anh đã làm.
Map vừa khóc tức tưởi vừa lập lại theo anh. Sau đó anh Than bảo nó đọc lại mẫu tự một mình. Map đọc được vài chữ, rồi ngưng lại, mắt nhìn có vẻ chuẩn bị chờ đợi bị đánh thêm. Anh Than lại nện vào vai nó và nói "Chừng đó chữ mà mày không nhớ được à? Có khó gì đâu. Mày ngu lắm!" Anh trừng mắt nhìn Map. "Nó không có ngu", tôi bảo anh Than, giọng tôi phát ra lớn hơn tôi muốn "Nó mới bắt đầu học, thế mà anh lại muốn nó biết hết mọi chuyện. Thầy giáo gì mà như anh vậy?"
"Mày đừng có bảo tao phải làm gì!" Anh nạt lớn "Tao muốn dạy nó. Nếu không có ai dạy nó cả, làm sao nó đi học được?"
"Anh đâu có dạy nó, anh chỉ hành hạ nó thôi". Tôi không biết từ đâu những lời lẽ đó vọt ra khỏi miệng tôi. chị Ry hiện ra trên cầu thang và tôi không ngần ngại kể cho chị nghe chuyện đã xảy ra. Tôi cũng bảo chị tôi nghĩ gì về anh Than, về cách anh dạy và phạt Map. Map đứng dậy và chạy đến chỗ chị Ry. Anh Than nhìn tôi, anh bảo tôi chỉ giỏi chỉ trích mà không chịu giúp anh dạy Map. Lúc đó tôi không biết nói sao vì quả thực tôi chưa bao giờ dạy Map cái gì hết.
Rồi tôi nhớ ra điều người lớn thường nói "Một người thầy giáo tốt là một người phải kiên nhẫn mới dạy học sinh được". Quan sát anh Than, tôi thấy anh không phải là người kiên nhẫn, vì thế anh không phải là thầy giáo tốt được. Trái lại, anh chỉ là một ông anh độc đóan. Khiếp sợ vì những gì anh Than đã làm, chị Ry, hai mươi tuổi, bảo anh không cần phải lo âu về Map nữa, nó mới có bảy tuổi. Từ đó anh Than thôi không dạy Map nữa.
Anh Than giận tôi vì tôi đã cao giọng với anh. Nhưng làm sao tôi không cao giọng khi anh đối xử với Map theo kiểu đó? Anh Than muốn tôi xử sự như một cô gái Cambodia đúng cách, nhưng tôi không còn có cách xử sự nào khác được nếu tôi cảm thấy một ai đó bị tổn thương.
Tối hôm sau, nằm ngửa học với cuốn cẩm nang y tế dựng trên ngực, tôi không thể nén cười khúc khích. Tôi vừa buồn cười vừa bối rối . Bụng tôi bắt đầu đau, gò má mệt vì cười. Nước mắt cũng bắt đầu chảy ra trên khoé mắt.
"Em cười cái gì vậy?" chị Ry hỏi và nhăn răng ra cười theo. "Ồ, có gì đâu", tôi trả lời nhưng vẫn không thể ngưng cười.
"Nếu không có gì, sao em cứ cười mãi vậy?"
Tôi vừa cười như nắc nẻ vừa lắc đầu. Chị Ry đi đến bên tôi, mỉm cười, cố hỏi để cho biết chuyện gì. Cuối cùng tôi bảo "Được rồi". Tôi kể cho chị lâu nay tôi học các thuật ngữ y tế cho công việc của tôi ở Phase I. Chị nhìn tôi như muốn hỏi, như vậy có gì đâu mà buồn cười. Tôi bảo chị học và nhớ các từ ấy thì không có gì đáng cười hết, nhưng điều khiến tôi buồn cười là tôi sẽ bối rối khi tôi phải dịch cho các ông các bà