MỘT LÁ THƯ
Mặt trời chiếu sáng, bầu trời xanh ngắt. Khmer Đỏ đã chạy rồi. Trên con đường đất, các gia đình lũ lượt kéo đi như một dòng sông. Người ta bỏ lại cái nơi đã từng xiềng xích họ. Đi theo dòng người đó là gia đình chúng tôi. Chúng tôi là những đồ thừa mà "con ma" không muốn nên vất lại, như Mak trước đây thường nói. Vào ngày này, mọi người từ lớn đến nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà đều có vẻ nhẹ nhõm hơn. Trên khuôn mặt vàng bủng, lõm sâu và cháy nắng mặt trời của họ, tôi thấy niềm hy vọng. Mắt họ loé sáng. Một vài nụ cười xuất hiện từ phía sau những khuôn mặt mệt nhọc. Tôi liếc nhìn những người đang cười. Tôi tự hỏi họ có trải qua cái cảm giác lớn lao của tự do mà tôi cảm thấy, cũng như cái xúc cảm không thể diễn tả đang bùng lên trong tôi không. Quả là một niềm vui phấn chấn vừa mới được phát hiện.
Một người đàn bà thấp, chắc nịch, nhăn răng cười mặc dù bà mang chiếc đòn gánh cong vòng xuống vì chất đồ quá nặng. Đôi chân trần của bà bước đi như gió, như thể được đẩy đi bằng chính tình cảm bên trong của bà. Cũng giống như nhiều người chúng tôi, mấy đứa con gái của bà đội soong, nồi, thức ăn trên đầu, còn vai thì mang đòn gánh. Khi chúng tôi rời Phnom Penh bốn năm trước, quang cảnh khác hẳn. Lúc đó có xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, trên đó chúng tôi cẩn thận xếp áo quần và thực phẩm, và trẻ em cũng
ngồi trên đó. Còn bây giờ thì mọi người đều đi bộ, chân trần, lòng bàn chân chai cứng, nứt nẻ. "Tất cả mấy cháu đi đâu?" người đàn bà hỏi, mỉm cười với chúng tôi.
"Cháu cũng không biết, thưa ming (dì)" tôi trả lời, cười lại với bà, rồi đưa mắt nhìn chị Ra tìm câu trả lời. Nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng vọng của tôi mà thôi.
"Cháu cũng không biết, thưa dì" chị Ra nói, môi thoáng nụ cười mơ hồ với người đàn bà "Chúng cháu đi theo mọi người".
"Thế là chúng ta cứ đi theo người khác. Đi đến chỗ nào có thức ăn", bà nở nụ cười rạng rỡ.
*
Chiều muộn, chúng tôi dừng chân ở một ngôi làng để ăn và nghỉ ngơi, rồi sau đó đi kiếm thêm thức ăn dự trữ. Trong cánh đồng bên cạnh đường lộ, chúng tôi mót lúa, những hạt lúa rơi vãi mà thợ gặt bỏ lại. Chúng tôi theo đám người đã có mặt sẵn tại đó, bao và xô của họ đã được một nửa lúa hoặc gần đầy. Còn chúng tôi thì chỉ vừa mới bắt đầu.
Khi đi xuyên qua ruộng lúa để mót lúa, chúng tôi chợt thấy mấy người cô của mình cũng đang mót lúa, họ đang đưa tay tuốt các hạt lúa khỏi thân cây. Họ là em gái của Pa, cô Chin và cô Leng. Mặc dù bây giờ không làm việc dưới sự kiểm sóat của Khmer Đỏ nữa, các cô cũng không có thời gian để nói chuyện. Họ đều bận rộn. Bộ mặt trũng sâu của họ chăm chú điều khiển đôi bàn tay. Trông họ như những người lạ đôi với chúng tôi. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra được họ là bà con thân thích. Ảnh hưởng của việc Khmer Đỏ xoá bỏ tình cảm gia đình dần dần mới trôi khỏi trí óc tôi và rồi ý thức về liên hệ gia đình mới dần dần trở lại thay thế vào chỗ đó.
Tay vẫn bận rộn, cô Chin nhăn mày, hất đầu ra dấu cho chúng tôi biết con cái cô đang ở cánh đồng kế bên. Rồi sau đó cô và cô Leng hỏi chúng tôi sau khi tạm trú ở làng này rồi sẽ đi đâu. Chị Ra trả lời chị không biết. Các cô bèn giục chúng tôi trở về Phnom Penh cùng với họ. Chị Ra đồng ý, trông có vẻ nhẹ nhõm. Nhưng trước khi chúng tôi kịp xay xát đám lúa mót xong, cô Leng đã quyết định rằng cô, gia đình cô Chin, cô Cheng, Kong Houng và đứa con duy nhất còn sống sót của chú Surg phải đi và rời nơi đây trước. Cô dự định là chúng tôi sẽ đi theo họ khi nào xây xát lúa xong. Chị Ra yêu cầu họ đợi còn chúng tôi sẽ làm nhanh lên cho kịp nhưng cô Leng chỉ nói rằng họ sẽ đi chậm, như thế chúng tôi sẽ bắt kịp ở dọc đường. Chị Ra không nói gì nữa, mặt chị đỏ bừng lên khi tay vẫn mạnh mẽ tuốt lúa.
Chúng tôi khởi hành, không thấy dấu tích gì của các cô, các anh em họ hay Kong Houng cả. Tôi ao ước chúng tôi bằng cách nào đó gặp được các anh chị em còn lại của Mak, nhưng cũng không có dấu vết nào của họ. có vẻ như cả đại gia đình của chúng tôi đã bỏ lều chạy đi ngay khi bọn Khmer Đỏ biến mất. Thế là chúng tôi chỉ còn lại gia đình rêing của mình, năm anh chị em ở trên đường không có điểm đến. Chúng tôi chỉ còn biết trôi theo đoàn người, đi đến bất cứ nơi đâu có thể kiếm được thức ăn. Khi đêm xuống, chúng tôi quyết định nghỉ lại trong một ngôi làng gọi là Korkpongro, ngụ tại căn phòng trống của một căn nhà bằng gỗ bỏ hoang, như nhiều gia đình khác cùng đi với chúng tôi.
Sau đó trong đêm khuya, chúng tôi nằm ngủ cạnh nhau. Tôi nhanh chóng trôi vào giấc ngủ như thể có ai bỏ bùa mê vào người tôi, và chỉ thức giấc khi nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại, âm thanh quen thuộc chúng
tôi đã từng biết quá rõ. Tiếng nổ rỗng, đục của trọng pháo cùng với tiếng khàn khàn của súng trường. Tiếng trầm trầm của một người đàn ông vang lên trong đêm yên lặng "Cái gì thế?"
Tôi nhỏm dậy, cả anh chị tôi cũng thế.
"Cái gì, cái gì xảy ra vậy?" Chị Ra bật lên, hoảng hốt.
Những người nằm gần đó cũng thức giấc. một người đàn bà hỏi câu hỏi mà chúng tôi đều muốn biết câu trả lời. Ai đang đánh nhau? Khmer Đỏ? Người đàn ông lúc nãy nói, họ không ngạc nhiên nếu tiếng súng đó thuộc về Khmer Đỏ. Chỉ lúc đó tôi mới nhận thức được rằng chúng tôi chưa an toàn chút nào.
Sáng ngày hôm sau, mọi người trong gia đình tôi tiếp tục đi mót lúa, kể cả Map mới bốn tuổi, cũng đi giúp chị nó tìm các đám lúa còn sót dưới ánh nắng mặt trời nóng bỏng. Đi kiếm thức ăn thừa trên những cánh đồng vừa mới gặt xong, tôi không nghĩ đến gì ngoại trừ đến những khóm lúa vàng. Khi đêm đến, tiếng súng lại gầm lên từ xa xa. Tiếng nổ nghe lớn hơn đêm trước, như thể cuộc chiến chỉ cách đây một ngôi làng. Ba ngày kế tiếp nó vẫn tiếp tục, khiến chúng tôi thấy mình bị kẹt. Lo sợ, chúng tôi giãi bày với các gia đình khác ở gần chúng tôi. May thay, họ bảo chúng tôi có một lễ cầu kinh gần đó và giục chúng tôi tham dự. Trên một sân khấu giống như boong tàu có mái che bằng gỗ, ánh nến soi sáng sàn gỗ và ảnh Đức Phật ngồi trong rừng. Sau hàng nến là các ông già bà già ngồi, đầu cạo nhẵn. Những người lớn tuổi này hẳn trước đây là ni cô và tăng lữ. Lòng kính sợ, tôi ngạc nhiên và dễ chịu khi thấy lai ánh nến sau chừng ấy năm, nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã ngồi chung quanh nơi này, chân gấp lại gọn gàng trên mặt đât cát. Người lớn trong chúng tôi cất tiếng tụng kinh Phật. Những người biết kinh cất tiếng tụng theo, những lời kinh truyền thống bằng tiếng Pali. Lòng bàn tay họ ép vào nhau, đưa lên ngang cằm. Đúng là một buổi cầu nguyện thích hợp với cái đêm đáng sợ này.
Dầu đi cầu nguyện ban đêm, tâm hồn chúng tôi vẫn không bình yên được. Âm thanh của chiến tranh vẫn mạnh mẽ. Chúng tôi đàng phải rời Korkpongro. Nhiều gia đình cũng ra đi, mặc dù vẫn còn lúa để mót. Đã thu được một ít lương thực, chúng tôi quyết định đặt sự an toàn của mình lên trước hết.
Chúng tôi đến làng kế cận – Chhnoel, trước khi đêm xuống. Tại đây, đã có người đến dựng trại dọc theo ngã ba đường, cạnh các túp lều và các mái nhà tranh tại đó, dưới hàng cây dừa, xoài và cọ. Chỗ trú ẩn của họ thích hợp, làm bằng chăn màn, xà rông, vải dầu. Mọi người đều mệt mỏi, nhất là Map. Tôi biết nó đói, nhưng nó không khóc đòi ăn khi chúng tôi đang tìm chỗ cắm lều trên một ruộng lúa khô.
Ngày hôm sau, được các bà hàng xóm báo cho biết ở đây rất khó mót được lúa, phải đi bộ rất xa, chúng tôi quyết định để Map ở lại trong lều hoặc chơi bên ngoài với mấy đứa trẻ khác. Khi chúng tôi ra đi cùng với các phụ nữ, Map khóc, mắt nhìn theo chúng tôi. Phải sau vài ngày, Map mới làm quen được với sự vắng mặt suốt ngày của chúng tôi, và chịu chơi với những đứa trẻ khác.
Sống cạnh lều chúng tôi là gia đình còn lại của bang Meng. Vốn chị và chị Ra cùng làm việc với nhau ở trại lao động. Chị, cô chị, các em gái và một đứa em trai nhỏ trước đây từng sống ở Daakpo. Chị tuổi chừng hai mươi, tuổi chị Ra, người thấp, mảnh khảnh, tóc đen thẳng dài đến ngang cằm. Cặp mắt và nét mặt nhẹ nhàng của chị cho tôi chị có dòng máu Trung Hoa. Chị có vẻ thông minh với cách xử sự điềm tĩnh của mình. Chị làm cho tôi nhớ đến chị Chea. Chỉ sau vài ngày, hai gia đình chúng tôi đã gần gũi, thân thiết nhau. Cả hai gia đình chúng tôi đều mất cha mẹ và đang học cách để tự bảo vệ mình.
Lúa càng trở nên hiếm hoi. Đã đến một tuần kể từ khi chúng tôi đến đây. Ngày hôm nay chúng tôi chỉ mót được đủ cho một bữa ăn trong ngày. Khi chúng tôi trở về, có tin chờ chúng tôi – một lá thư từ bon Khmer Đỏ bảo chúng tôi phải rời khỏi Chhnoel.
Có một đôi vợ chồng được trao một lá thư và bảo đọc cho mọi người nghe. Trong thư, người phụ nữ bảo, chúng cảnh cáo chúng tôi phải rời khỏi làng này. Nếu chúng tìm thấy chúng tôi ở đây, chúng sẽ không tha cho một ai. Chúng sẽ giết hết mọi người, kể cả đứa bé đang nằm trong nôi.
"Ồ, tôi không nghĩ chúng dám đến đây đâu" một người đàn ông nói, tay vung lên như để gạt đi sự sợ hãi "Chắc chúng nghĩ bộ đội Việt Nam ở đây và sợ không dám đến. Chúng chỉ muốn dọa chúng ta mà thôi. Đừng sợ".
Thế là ngày hôm sau chúng tôi lại đi mót lúa, để Map một mình ở lại lều. vì lúa còn sót lại rất hiếm hoi, nên chúng tôi phải chia ra, chị Ra và tôi đi về hướng bắc cùng với một nhóm phụ nữ trong khi chị Ry và anh Than thì cùng với những người khác đi về phía nam.
Ra và tôi làm việc rất nhanh, cố lấy được nhiều lúa người ta bỏ lại chừng nào hay chừng nấy. Nhưng bỗng từ xa tôi nghe một âm thanh trầm, đục. Tôi ngừng tay.
"Chị Ra, có tiếng súng! Chị có nghe không?" tôi nói lớn.
"Dì ơi, có tiếng súng! Từ phía này nè!" Chị Ra kêu lên, đưa tay chỉ. Chị ra hiệu cho những người phụ nữ gần đó đến chỗ chị.
"Ồ, tiếng súng ở xa mà" một người nói, cố gạt bỏ mọi lo âu của chúng tôi "Tôi còn ở lại một lúc nữa". Bà ta quay lại làm việc. Tôi thì tim đập thình thịch. Tôi muốn bỏ về. Tiếng súng nghe lớn hơn. Tôi quay sang chờ chị Ra quyết định, nhưng chị lại nhìn mấy người đàn bà kia.
"Tôi cũng ở lại thêm một lúc nữa" một người nói, và mấy người kia đồng tình, trong đó có cả chị tôi.
Một tiếng nổ dội lại nghe gần hơn trước. Tôi gào lên "Chị Ra! Đi đi! Chị không nghe thấy sao? Tiếng nổ ngày càng lớn hơn đó!"
"Nhưng mọi người vẫn còn…" Chị chưa nói xong thì người đàn bà bên cạnh chúng tôi đã bỏ chạy. Bà vừa chạy vừa la lớn "Tôi đi đây. Tôi không ở lại đâu, mấy đứa con tôi…"
Chị Ra nắm lấy bao lúa và cái thúng rồi chạy đi. Tôi lại theo sau chị, cùng với những người phụ nữ khác. Những tiếng nổ vang dội càng ngày càng gần hơn về phía làng Chhnoel. Một trái nổ rơi gần bên chúng tôi, mọi người đều la thất thanh. Tôi thầm trách móc những người phụ nữ kia, và rất giận chị Ra vì chị đã không nghe tôi.
Ngang qua cánh đồng lúa gần Chhnoel, trẻ con, đàn bà, đàn ông đều chạy tán loạn, giống như một đàn kiến vỡ tổ. Các bà mẹ tay ẵm con, tay kia kéo sát những đứa còn lại vào bên người trong khi những kẻ khác đội đồ đạc lên đầu mà chạy. Một số người kéo tay trẻ con chạy băng băng. Những người khác mang thức ăn trên đòn gánh. Trẻ con chạy theo sau, lê lết trong đám đông. Trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nhớ đến Map, bèn gào to với chị Ra.
Giữa dòng người cuồn cuộn, chị thoáng lên một cái nhìn tuyệt vọng về phía tôi. Chúng tôi về đến lều, Map không còn ở đó nữa. Cả anh Than và chị Ry cũng không. Phần lớn các lều chung quanh đã được tháo ra, rồi biến mất. Chị Ra kêu lớn bảo tôi tìm Map trong khi chị vội vã gói ghém đồ đạc.
Đám người trôi qua quanh tôi, tôi chăm chăm nhìn từng đứa trẻ tôi gặp. Bọn chúng đều khóc lóc, giống như tôi. Đột nhiên tôi nhìn thấy xa xa một đứa bé đang gào khóc, mắt thì nhìn về hướng mà chị Ra và tôi đang chạy đến. Trên con đường đất nhô cao giữa ruộng lúa, nó bước thình thịch, tay giơ cao huơ lên hoảng loạn trên không trung. Tôi chạy nhanh, hai tay rẽ đám người sang hai bên trong khi mắt cố khỏi mất dấu đứa bé. Đến gần hơn, tôi mới nhận ra được quần áo của nó. Đó chính là Map!
"Map, Map ơi! Chị ở đây, trên này ne!" tôi giơ tay, vẫy loạn.
Map chạy đến tôi, đưa tay chùi nước mắt. Tôi nắm lấy bàn tay kia của nó, Map nhìn tôi. "Em chờ lâu quá" nó càu nhàu "Sao chị không về sớm hơn?" Nó ném cho tôi một cái nhìn giận dữ, hàng lông mi dài nhướng lên rồi hạ xuống.
Tôi nhẹ người và cám ơn Trời Phật đã tìm ra được Map, thấy được khuôn mặt nhỏ xíu giận dữ của nó trách móc tôi, đến nỗi lúc đó tôi quên bẵng cả tiếng súng đang nổ bên tai.
Chị Ra thì đang buồn phiền. Chị gọi lớn bảo tôi mang đống đồ đạc gồm bao lúa, soong, nồi…tất cả đều buộc lại để mang bằng đòn gánh. Chị thì nhấc gói đồ của mình lên vai, rồi lại đặt xuống. Chị lấy bớt ra một cái nệm đan, được cuốn lại, dài gần gấp hai lần Map, và đưa cho nó mang. Rồi chúng tôi chạy, hướng về phía cây cầu tạm bắc qua con mương. Đám đông dồn lại. Một tiếng nổ vang dội như sấm sét. Mọi người kêu rú lên như động kinh. Chị Ra bèn bước xuống mương và lội qua phía bên kia. Tôi theo chị. Map ở phía sau, thở hồng hộc. Sức nặng của tấm nệm làm nó chậm lại, kéo ngước nó ra phía sau. Chị Ra thì ở phía trước rất xa, chỉ còn là một hình dáng nhỏ bé trong đám người. Tôi đứng chờ Map. "Đi nào, nhanh lên", tôi tự bảo mình, lo sợ cho Map và cho chính tôi.
Khi một quả đạn đại bác nổ, tiếp theo là một tràng âm thanh trầm đục của súng trường, mọi người càng dồn nhanh về phía trước. Tôi chạy qua một ruộng lúa khô nứt nẻ, đến ruộng khác, rồi leo lên con đường đất cao. "Map, nhanh lên, nhanh lên!" tôi hét lớn, mong cho Map bước nhanh lên. Khi tôi quay lại tìm nó, nó ở rất xa phía sau, cách cả một thửa ruộng, và đang đứng yên. Nó khóc, hai tay vẫn cố cầm tấm nệm còn cao hơn cả nó. Tôi vẫy tay gọi nó tới. Nó lắc đầu. Tôi bèn bỏ gánh đồ xuống và chạy về phía nó, nhưng Map đã