Tăng cường hàng hóa chất lượng cao niêm yết trên thị trường

Một phần của tài liệu 321 Giải pháp thu hút các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 70 - 73)

Một trong những vấn đề gây băn khoăn cho các nhà đầu tư là TTCK Việt Nam còn quá nhỏ và thiếu những hàng hóa chất lượng cao.

Đối với cổ phiếu, toàn thị trường mới có chưa được 30 doanh nghiệp tham gia, trong đó chỉ có vài ba doanh nghiệp lớn, giá trị giao dịch hàng phiên chỉ 3-4 tỷ đồng. Nếu TTCK không sớm thu hút được các doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu

quả vào cuộc thì không thể thu hút thêm được các định chế tài chính lớn. Vì thế, sự tăng mạnh về quy mô bằng cách đưa các doanh nghiệp lớn họat động có hiệu quả như Vinamilk, Vietcombank… vào niêm yết thì quy mô vốn trung bình của các công ty niêm yết sẽ có sự tăng đột biến, giúp tổng giá trị TTCK Việt Nam năm 2010 có thể đạt khoảng 12%GDP. Như vậy, việc đưa các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK không cần phải tăng quá mạnh, chỉ cần khoảng 200 doanh nghiệp.

Song song với việc thực hiện niêm yết các công ty cổ phần lớn, hoạt động có hiệu quả cao, chúng ta có thể cho phép những công ty cổ phần tốt nhất của các quốc gia đang phát triển trong khu vực thực hiện việc niêm yết trên TTCK Việt Nam. Điều này tưởng chừng có vẻ không tốt cho TTCK Việt Nam khi một lượng vốn của thị trường bị san sẻ cho những công ty của các quốc gia khác. Tuy nhiên, chính việc niêm yết các công ty nước ngoài có uy tín trên TTCK Việt Nam một cách có giới hạn sẽ thu hút sự chú ý của cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong thực tế, TTCK Việt Nam chưa thu hút được các nhà đầu tư do đa số các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm, cuốn hút vào các công ty niêm yết. Hơn nữa, trên thực tế, các công ty niêm yết trên TTCK hiện nay cũng chưa phải là những công ty hàng đầu trong nền kinh tế. Sử dụng những nhân tố mới như thế này để kích thích sự hứng thú và tin tưởng của nhà đầu tư.

Đối với trái phiếu, chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định quyết tâm mở rộng qui mô TTCK tập trung, theo đó, thị trường trái phiếu sẽ được ưu tiên tập trung phát triển, trước hết là trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư.

Thực tiễn và kế hoạch đều cho thấy, nguồn cung trái phiếu dồi dào sẽ liên tục được đưa ra TTCK, nhưng mặt hàng này lại chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các tổ chức tài chính không thật mặn mà với trái phiếu, do cơ chế

xác định lãi suất đấu thầu không mang tính thị trường, áp dụng lãi suất chỉ đạo, khiến cho lãi suất trúng thầu có phần khiên cưỡng. Trong khi đó, các loại trái phiếu mới liên tục được phát hành lại có lãi suất cao hơn, hấp dẫn hơn loại cũ, làm giảm khả năng giao dịch các loại đã phát hành. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của trái phiếu thấp đã làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và càng ít nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu thì lại càng làm giảm tính thanh khoản của thị trường này.

Vì vậy, để xây dựng một thị trường trái phiếu lành mạnh và phát triển, bước cải tiến đầu tiên là cơ chế xác định lãi suất trúng thầu. Thay vì qui định mức lãi suất chỉ đạo như hiện nay, Bộ Tài chính nên đưa ra khung lãi suất cho từng thời kỳ dựa vào mức biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, cần phát hành thêm các loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn khác nhau tạo đường cong lãi suất để tăng thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư, tăng khối lượng phát hành nhằm tăng tính thanh khoản. Tiếp đến, kinh nghiệm của các nước cho thấy, cơ chế giao dịch sử dụng các nhà tạo lập thị trường là rất thích hợp với việc tạo lập tính thanh khoản cho trái phiếu. Các nhà tạo lập sẽ tham gia mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp và đóng vai trò cung cấp thanh khoản cho các loại trái phiếu mà mình tạo lập trên thị trường.

Ngoài trái phiếu Chính phủ vẫn được coi là hàng hóa chính trên thị trường, mục tiêu đặt ra là cần tập trung phát triển các loại công cụ nợ khác như trái phiếu công ty, trái phiếu của NHTM, trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình… thông qua các giải pháp như: xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ để quản lý việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp mang tính hành chính bắt buộc như điều chỉnh chính sách cấp phát vốn ngân sách Nhà nước, hạn chế và tiến tới xóa bỏ các chương trình cho vay ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu,…

Cuối cùng, cần nghiên cứu để có thể đơn giản hóa thủ tục về niêm yết, tăng vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng cung cho thị trường, làm phong phú hàng hóa để các nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn.

Một phần của tài liệu 321 Giải pháp thu hút các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 70 - 73)