Hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Ninh có khoảng 6500 nhân khẩu với hơn 3000 lao động, đây là một nguồn lao động khá dồi dào của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết lao động ở địa phương có trình độ tay nghề thấp, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật không cao. Một trong những biện pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề giúp lao động dễ dàng tìm được việc làm hơn. Cụ thể, chính quyền địa phương cần đề ra các kế hoạch để tổ chức cho lao động đi đào tạo nghề tại các trung tâm dạy nghề, đào tạo việc làm, bên cạnh đó phát triển các dự án kinh tế xã hội để mở thêm nhiều lớp và bổ túc nghề. Trong tương lai, khi cơ cấu kinh tế của xã thay đổi, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp thì việc đào tạo nâng cao chất lượng, trình độ cho lao động là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế.
Ngoài việc nâng cao các kiến thức về công nghiệp, thì cũng cần phải đào tạo cho người lao động các kiến thức về nông nghiệp bằng cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cây trồng, vật nuôi cho người nông dân, giúp họ vận dụng các kiến thức ấy vào thực tiễn nhằm đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
Tư vấn cho lao động chọn nghề học và nơi học, tư vấn đào tạo việc làm mới hoặc tạo thêm việc làm.
Giải pháp nhu cầu tài chính cho đào tạo nghề bằng hình thức hỗ trợ cho người học nghề thông qua việc trả chi phí cho nơi dạy nghề trong điều kiện phải giảm bớt học phí cho người học với mức tương đương.
Chính quyền địa phương cần có các chính sách khuyến khích việc tuyển dụng con em địa phương đã được đào tạo.
Giải quyết việc làm không chỉ là vấn đề của xã hội mà còn là vấn đề của chính người lao động, mỗi lao động cần phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự phát triển chung của đất nước, tự mỗi người phải hướng cho mình một nghề nghiệp riêng trong tương lai nhằm có thu nhập ổn định góp phần nuôi sống bản thân và gia đình.