B. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.1. Tình hình huy động vốn tại NHCSXH Thiệu Hóa
Huy động vốn là một nghiệp vụ quan trọng và nó là tiền đề của nghiệp vụ cho vay. Hoạt động với mục đích xã hội là chính nên nguồn vốn của Ngân hàng chủ yếu là ngân sách của TU. Căn cứ vào bảng 6 ta thấy, tổng nguồn vốn huy động được của NHCSXH Thiệu Hóa tăng nhanh qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2007, tổng nguồn vốn Ngân hàng huy động được là 62.109 triệu đồng, sang năm 2008 đạt 106.128 triệu đồng tăng 44.019 triệu đồng hay tăng 70,87% so với năm 2007. Đến năm 2009 tiếp tục tăng lên, đạt 145.566 triệu đồng, tăng 40.438 triệu đồng hay tăng 38,10% so với năm 2008. Sở dĩ có sự tăng mạnh về nguồn vốn huy động ở Ngân hàng là do những năm qua Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm ưu ái của Đảng và Nhà nước, của các cấp chính quyền, đầu tư cho phát triển toàn diện tỉnh Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa nói riêng.
Mặt khác, từ khi thành lập cho tới nay NHCSXH huyện đã thực sự lớn mạnh về cách thức tổ chức quản lý, từ đó Ngân hàng đã mạnh dạn triển khai công tác huy động tiết kiệm, đổi mới phong cách giao dịch, tập trung huy động tiết kiệm thông qua tổ TK&VV. Cụ thể, năm 2007 nguồn vốn huy động được từ tổ TK&VV là 1.027 triệu đồng (chiếm 1,65% tổng số nguồn vốn huy động trong năm). Đến năm 2008 đạt 1.899 triệu đồng, tăng 872 triệu đồng hay tăng 84,91% so với năm 2007. Sang đến năm 2009, đạt 2.941 triệu đồng tăng 1.042 triệu đồng hay tăng 54,87% so với năm 2008. Đây là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng đã thực sự tạo cho mình một chỗ đứng trong lòng người dân địa phương, đặc biệt là các hộ nghèo vay vốn. Mặc dù tỷ lệ này không cao trong tổng nguồn vốn huy động được của Ngân hàng nhưng đã bước đầu khẳng định sự lớn mạnh của Ngân hàng cả về quy mô cũng như chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng đã tích cực triển khai công tác huy động vốn từ nguồn NSĐP, đặc biệt coi trọng nguồn vốn từ khu vực dân cư, nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo kế hoạch, từng bước nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo sự tăng trưởng vững chắc và lâu dài.
BẢNG 6: TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN THIỆU HÓA GIAI ĐOẠN 2007 – 2009
Chỉ tiêu Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 2008/2007 2009/2008
Tr.đ % Tr.đ % Tr.đ % +/- % +/- %
Tổng số 62.109 100,00 106.128 100,00 146.566 100,00 44.019 70,87 40.438 38,10 1. Từ NHCSXHVN 56.490 90,95 95.428 89,92 130.670 89,15 38.938 68,93 35.242 36,93 2. Từ NSĐP 4.592 7,39 8.801 8,29 12.955 8,84 4.209 91,66 4.154 47,20 3. Từ tổ TK&VV 1.027 1,65 1.899 1,79 2.941 2,01 872 84,91 1.042 54,87
Trong những năm gần đây, nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương chiếm một tỷ lệ không cao lắm khoảng 8% trong tổng nguồn vốn huy động. Thiệu Hóa là một huyện nghèo ngân sách còn hạn chế, nguồn vốn huy động được như vậy đã là rất thành công cho Ngân hàng. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đến công tác XĐGN, xem đây thực sự là chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Trong 3 năm qua thì nguồn vốn huy động được từ NSNN chiếm tỷ trọng lớn nhất và liên tục tăng nhanh qua các năm, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, luôn chiếm khoảng 90% tổng nguồn vốn huy động được. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề XĐGN của một huyện còn nhiều khó khăn như huyện Thiệu Hóa.
Nhìn chung, vốn từ dân cư là một nguồn huy động đầy tiềm năng của Ngân hàng, vì vậy trong những năm tới NHCSXH huyện cần tích cực hơn nữa trong công tác huy động vốn tại địa phương, cần có những chính sách lãi suất thích hợp nhằm khuyến khích, thu hút được lượng vốn nhàn rỗi trong dân bên cạnh nguồn vốn huy động từ tổ TK&VV để từ đó tạo điều kiện cho công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng ngày càng lớn mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn của người nghèo trên địa bàn huyện.