Nếu như trước kia, quế hầu như chỉ được tiêu thụ ở các nước Châu Á thì ngày nay, quế đã trờ thành một mặt hàng phổ biến trên toàn thế giới. Quế và các sản phẩm từ quế đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người từ gia vị cho các bữa ăn đến nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hoá chất. Vì cây quế chỉ thích nghi với một số điều kiện môi trường tự nhiên nhất định nên số lượng các quốc gia có khả năng cung cấp mặt hàng này là khá hạn chế, Việt Nam may mắn là một trong các quốc gia đó. Do đó, nhu cầu quế trên thị trường thế giới luôn có xu hướng cao hơn lượng cung mặt hàng này. Các nước nhập khẩu quế lớn trên thế giới đó là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản với nhu cầu hàng năm trên 2000 tấn, trong đó Mỹ là nước có nhu cầu nhập khẩu quế lớn nhất trên thế giới với lượng nhập khẩu trung bình trên 16000 tấn/năm (theo World Trade Centre).
Quế là mặt hàng khá ổn định về giá. Dường như không có một sự biến động giá lớn nào trong các năm qua. Một số sản phẩm từ cây quế có giá trị rất cao như tinh dầu quế nguyên chất có giá xấp xỉ 500000 đồng/ lít. Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào xuất khẩu vỏ quế thô mà chưa chú trọng đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ cây quế như tinh dầu hay các dược liệu. Các quốc gia phát triển, sử dụng công nghệ hiện đại biến quế thô nhập khẩu thành các sản phẩm có giá trị cao rồi sau đó xuất khẩu sang các nước khác thu lợi gấp hàng chục lần.
Trên thế giới, một số nước có tiềm năng phát triển mặt hàng quế là Trung Quốc, Srilanca, Inđônêxia, Việt Nam và Madagasca…trong đó quế Việt Nam được đánh giá là có chất lượng tốt hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại ở các nước khác. Nhưng do yếu kém trong quản lý, khai thác cũng như lạc hậu về kỹ thuật công nghệ mà thị phần quế Việt Nam cho đến nay vẫn khá là khiêm tốn. Trong những năm tới, nếu giải quyết được những vấn đề khó khăn này, kim ngạch xuất khẩu quế và các sản phẩm từ quế của Việt Nam sẽ có những bước nhảy vọt, đưa quế Việt Nam trở thành một thương hiệu đáng tin cậy trên thế giới.