lao động trong ngành sản xuất quế
Quế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô chưa qua chế biến do đó giá trị xuất khẩu rất thấp. Một số các sản phẩm có thể tạo ra từ quế như tinh dầu, dược liệu, mĩ phẩm… hiện nay Việt Nam hầu như chưa sản xuất được do vậy lợi ích mà chúng ta thu được từ cây quế chưa thể đạt mức tối đa. Mặt khác giống quế trồng ở các vùng quế hiện nay còn khá cũ, chất lượng cũng như năng xuất chưa được cao, chưa hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Chính vì vậy, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình trồng quế và sản xuất các sản phẩm từ quế là một yêu cầu cấp bách. Một số biện pháp Nhà nước có thể thực hiện trong thời gian tới:
- Đầu tư vào công tác nghiên cứu, chọn giống để có được những giống quế tốt, năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những quy hoạch rõ ràng mỗi khu vực nhất định trồng một loại quế nhất định để chúng ta có thể chủ động về nguồn hàng cho xuất khẩu.
- Phổ biến kiến thức về lựa chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc quế, kỹ thuật chế biến bảo quản tiên tiến cho bà con, tránh tình trạng bà con tự đóng gói quế vào bao đay, cất trữ trong nhà gây nên tình trạng quế mất mùi, bị mốc.
- Đưa ra các chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là các kĩ sư lâm nghiệp để tăng cường đội ngũ cán bộ với kiến thức chuyên môn cao tới làm việc tại các vùng trồng quế.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm từ quế thay vì chỉ trú trọng vào xuất khẩu quế thô. Cụ thể là Nhà nước có thể đưa ra các khoản hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp có thể nhập khẩu các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài như công nghệ chưng cất tinh dầu quế để tạo ra những sản phẩm quế có giá trị cao hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn so với xuất khẩu quế thô. Mặt khác, Nhà nước có thể trực tiếp đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học, tạo ra những máy móc, công nghệ mới về sản xuất các mặt hàng từ quế, rồi sau đó chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất.