- Đặc điểm hình thái lá cây Trắc
4.5.2. Đặc điểm về cấu trúc tầng thứ của lâm phần có cây Trắc
Cấu trúc tầng thứ là sự sắp xếp không gian phân bố của các thành phần thực vật theo chiều thẳng đứng và chiều nằm ngang, cả trên mặt đất và dưới mặt đất. Đó là kết quả của sự cạnh tranh sinh tồn giữa các cây trong quần xã với nhau và với hoàn cảnh xung quanh trong quá trình tiến hóa của quần xã. Cấu trúc rừng tạo ra tiền đề cho nhiều loài cây khác nhau về mặt sinh thái cùng chung sống với nhau.
Nghiên cứu cấu trúc rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và cải tạo rừng. Khi sử dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động vào rừng, bằng cách này hay cách khác nó cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc của lâm phần. Từ đó kéo theo sự biến các nhân tố sinh thái trong nội bộ và bên ngoài hệ sinh thái rừng.
Thông qua trắc đồ đứng của lâm phần điều tra ta có thể tạm thời chia lâm phần thành 2 tầng:
- Tầng cây nhỡ và cây tái sinh bao gồm: Trắc ; Thẩu Tấu ;Lành Ngạnh...: Đây đều là những loài cây ưa sáng, tái sinh chồi sau khi bị người dân khai thác cạn kiệt. Sự sinh trưởng và phát triển của chúng tương đối đồng đều.
- Tầng cây bụi, thảm tươi bao gồm: Sa nhân (Amomum villosumvar.
xanthioides(Wall.) Hu & Chen.), Thừng Mức (Wrightia annamensis), Lấu (Psychotria montana BL)…
Do thời gian điều tra đang trong giai đoạn mùa mưa nên sự sinh trưởng của tầng cây bụi thảm tươi là khá cao,chúng phát triển tốt dưới tán tầng cây nhỡ và cây tái sinh, đặc biệt loài Sa nhân sinh trưởng và phát triển rất tốt thành những bụi lớn.
Nhận xét: Rừng ở đây mang tính chất của rừng nhiệt đới ẩm thường thành phần cây rất đa dạng. Các loài thông thường chỉ sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa khi mà điều kiện về độ ẩm đáp ứng được nhu cầu về sinh trưởng, vào mùa khô do thời tiết khô hạn các loài cây gần như không sinh trưởng hoặc có sinh trưởng nhưng tốc độ sinh trưởng rất chậm.
Khu vực có cây Trắc phân bố mới tái sinh sau khai thác do đó kết cấu tầng thứ của lâm phần rất đơn giản, việc xác định này cũng chỉ là tạm thời do những loài trong lâm phần điều tra đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Sự biến động về tầng thứ của lâm phần còn tiếp diễn do những loài này đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển mạnh, tán của chúng đang được hình thành vẫn chưa ổn định ta chưa thể kết luận chúng thuộc tầng tán nào. Việc xác định tầng thứ chỉ có thể thực hiện được khi các loài trong lâm phần đã sinh trưởng và phát triển một cách ổn định, có thể nói việc xác định lâm phần điều tra có 2 tầng chính chỉ là tạm thời, bởi vì các loài: Trắc, Lành Ngạnh, Thẩu Tấu, Ngũ Gia Bì, Bí Bai... Còn sinh trưởng và phát triển trong thời gian tới. Cấu trúc hiện nay của lâm phần sẽ được thay thế bởi một cấu trúc khác ổn định hơn.