II. Rừng phòng hộ
3.2. Phân tích hiệu quả về môi trường
Thứ nhất, phát triển cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng tất yếu đóng góp lớn vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ chế quản lý rừng từ trước
đến nay của Nhà nước chủ yếu là theo cơ chế khoán và bao cấp, vì thế mức tiền người dân được hưởng quá thấp nên họ không có trách nhiệm với việc bảo vệ rừng. Với sự có mặt của PES, người là rừng là những người cung cấp hàng hoá dịch vụ môi trường, nếu dịch vụ môi trường càng tốt thì càng được trả giá cao, điều này đưa đến hệ quả là người làm rừng có trách nhiệm bảo vệ và phát triển chính hàng hoá của mình. Chính điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không có kế hoạch, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng. Người làm rừng sẽ phải tính toán và lên kế hoạch khai thác sao cho vẫn đảm bảo cung cấp được dịch vụ môi trường và vẫn thu được nguồn lợi trực tiếp từ rừng sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng làm nương rẫy sẽ được hạn chế, góp phần giảm diện tích đất rừng bị hoang hoá, không thể sử dụng được tiếp trong tương lai. Thay vào đó là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm phát triển rừng với diện tích ngày càng lớn.
Thứ hai, do rừng phát triển, động thực vật có nơi để cư trú nên PES cũng góp phần duy trì và bảo vệ đa dạng sinh học. Như đã biết, Sơn La có một diện tích rừng tương đối lớn và nhiều loại động thực vật quý hiếm, việc giữ gìn và bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn các loài hoang dã và duy trì hệ sinh thái hiện có. Rừng bị huỷ hoại tất yếu có nhiều loài động vật bị chết do thiếu nơi cư trú hay mất nguồn thức ăn, từ đó dẫn đến việc suy giảm về số lượng loài, chất lượng loài làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Trong bối cảnh hiện nay, khi đa dạng sinh học đang là vấn đề rất được quan tâm, nhất là sắp tới sẽ có Luật Đa dạng sinh học thì phát triển PES là một trong những cách để duy trì và bảo vệ các hệ sinh thái trong tự nhiên.
Thứ ba, ngoài việc đem lại các giá trị lợi ích về giữ nước, chống bồi lắng lòng hồ thuỷ điện, chống xói mòn đất, rừng còn có giá trị quan trọng trong việc giảm thiểu cac-bon, một trong những nhân tố gây ra biến đổi khí hậu
toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang có những giải phảp khuyến khích trồng rừng nhằm giảm phát thải cac-bon thông qua một cơ chế phát triển sạch (CDM) thì PES là một cơ chế tương đối hiệu quả trong giảm thải cac-bon. Trong phạm vi dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa tính đến việc bán các chứng chỉ về giảm thải CO2 nhưng không ai có thể phủ nhận khả năng hấp thụ CO2 của rừng là rất lớn. Một phần trong cơ chế hoạt động của PES là người chủ rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng đầu nguồn và những dịch vụ môi trường đã được mua, như vậy, diện tích rừng không hề bị suy giảm mà còn có khả năng tăng lên. Lượng cac-bon được hấp thụ nhiều hơn sẽ góp phần ngăn chặn bớt tác hại của hiện tượng ấm lên toàn cầu, không chỉ bảo vệ môi trường cho Việt Nam mà còn góp phần cho hoạt động bảo vệ môi trường toàn cầu. Một nghiên cứu gần đây của Anh đã tính toán được rằng những cánh rừng nhiệt đới đang giúp hấp thụ 20% lượng CO2 từ khí quyển, giúp con người tiết kiệm được 13 tỷ USD mỗi năm. Thêm vào đó, một điều dễ nhận thấy, với diện tích rừng ngày càng tăng lên, đương nhiên môi trường sẽ trong sạch hơn, giảm bớt các tác hại của ô nhiễm không khí và đem lại cho con người môi trường sống tốt hơn, trong lành hơn.
Rừng nhiệt đới chỉ chiếm 7-10% diện tích đất liền, nhưng góp phần làm giảm 1/5 lượng khí thải CO2 trong khí quyển. Ảnh:
globalcarbonproject.org.
Hình 3.3: Rừng nhiệt đới làm giảm lượng thải CO2
Thứ tư, dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng đã xây dựng được quỹ cho các hoạt động quản lý và phát triển rừng, góp phần tăng thêm vốn cho các hoạt động môi trường. Theo Quyết định 380/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, 10% số tiền thu được từ chi trả dịch vụ môi trường của các nhà máy thuỷ điện sẽ được dùng để thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ này có nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn có trong chương trình hoạt động của dự án. Khoản hỗ trợ này được dùng cho công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện dự án, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ và phát triển rừng…Nhờ có quỹ này, các hoạt động bảo vệ môi trường được nâng cao hơn, phát triển đa dạng hơn và có hiệu quả hơn.