Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của dự án

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La (Trang 69 - 73)

II. Rừng phòng hộ

4.2.Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của dự án

Với những khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện, việc đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả của dự án là hết sức cấp thiết. Các đề xuất giải quyết cần có sự thực hiện đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân để có thể đem lại hiệu quả tốt nhất cho dự án. Một số các kiến nghị được đưa ra như sau:

Cần tăng thêm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người cung cấ dịch vụ môi trường rừng. Theo các tính toán ở chương III, mức chi trả cho người dân trung bình hiện nay là 196.866 đồng/ha/năm. Trong khi đó, số tiền nhà máy thuỷ điện Hoà Bình tiết kiệm được do có rừng đầu nguồn là 515,493 tỷ đồng/năm mà phải chi trả có 180 tỷ đồng/năm; nhà máy thuỷ điện Suối Sập tiết kiệm được 26,25 tỷ đồng/năm và phải chi trả 5,34 tỷ đồng/năm. Có thế thấy rằng mức chi trả của các nhà máy này cho dịch vụ môi trường rừng thấp hơn nhiều so với phần tổn thất mà họ tiết kiệm được. Do đó, mức chi trả cho người dân cần được tăng thêm để tương xứng với công sức và trách nhiệm cung cấp dịch vụ môi trường của người dân. Với mức chi trả thấp như hiện nay, người dân chưa thể sống bằng nghề rừng mà chỉ có thể cải thiện phần nào đời sống của họ hiện nay mà thôi.

Chính phủ nên có thêm những văn bản cụ thể hướng dẫn cách thức tiến hành dự án đồng thời có chính sách khuyến khích nhiều người nghèo tham gia PES. Những quy định có liên quan đến PES hiện nay mới chỉ mang tính định hướng, chưa thực sự cụ thể để địa phương và người dân có thể làm theo.Trong các hướng dẫn này nên giải thích rõ hơn về khái niệm dịch vụ môi trường nói chung và dịch vụ môi trường rừng nói riêng.

Một vấn đề thêm nữa, PES là một cơ chế có nhiều lợi ích cho người nghèo nên cần thêm những chính sách thực sự vì người nghèo. Trong hầu hết các mô hình PES hướng nghèo trên thế giới, chi phí giao dịch giữa các bên khá cao, nguyên nhân do số lượng lớn các hộ nghèo tham gia vào PES một cách nhỏ lẻ. Khi áp dụng tại Việt Nam, các chi phí này có khả năng còn tăng cao hơn do sự tham gia của quá nhiều bên có liên quan. Trách nhiệm các cơ quan chồng chéo, phối hợp thiếu hiệu quả, do đó Nhà nước phải là người đứng ra, mang lại có quyết sách hợp tác hiệu quả giữa các bên.

Chính phủ cần cải thiện điều kiện của hệ thống quyền sử dụng đất. Như ta đã biết, tiền chi trả sẽ được chi trả trực tiếp cho những người cung cấp dịch vụ môi trường. Việc thực hiện PES sẽ dễ dàng hơn khi những người cung cấp dịch vụ môi trường có quyền sở dụng đất, như thế họ sẽ có thể quyết định đầu tư thế nào, hoạt động cung cấp ra sao. Đồng thời, những người mua thường muốn giao dịch với các chủ đất tư nhân hơn là thực hiện các giao dịch với cả cộng đồng hay đất không có nguồn gốc rõ ràng. Trên phương diện vĩ mô, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho người dân. Trong phạm vi địa phương cần có một tổ chức đại diện được địa phương công nhận, sẽ là người thiết lập các hợp tác để tiếp nhận quyền sử dụng và các quyền có liên quan khác đối với đất. Đối với người nghèo tham gia cung cấp dịch vụ môi trường, các hợp đồng cho thuê đất lâu dài với giá ưu đãi cũng là một cách khuyến khích thêm nhiều người tham gia PES.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nên để giải quyết các vấn đề về đất nêu trên, Chính phủ cần phải quy hoạch sử dụng đất, chuyển giao trách nhiệm quản lý cho các cộng đồng địa phương, thừa nhận quyền sử

dụng hợp pháp và quản lý tài nguyên của họ, như vậy mới khuyến khích họ tham gia cung cấp các dịch vụ môi trường (Bracer, 2007).

Chính phủ cần xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các bên tham gia. Thực tế hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế quản lý nào đảm bảo rằng những người tham gia PES phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, những người làm rừng khi tham gia PES cần có hợp đồng cam kết trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ rừng hay các chứng chỉ chứng nhận họ đã duy trì dịch vụ môi trường. Đối với các doanh nghiệp thì cần có quy định chi trả, thời hạn chi trả hợp lý. Có như vậy, mới có thể vừa khuyến khích, vừa ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia.

Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực xây dựng, giám sát, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường. Các cơ quan có liên quan đến PES nên tiến hành nhiều khoá tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ thực hiện dự án. Phần lớn đội ngũ cán bộ hiện nay mới chỉ có những kiến thức rất sơ khai về PES, chưa thực sự hiểu rõ cơ chế hoạt động cũng như các lĩnh vực liên quan đến PES. Việc nâng cao nhận thức cho cán bộ hết sức quan trọng vì họ là những người thực thi dự án tại địa phương, là một bên trung gian quan trọng trong hiệu quả của PES.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân các kiến thức thiết yếu về dịch vụ môi trường, vai trò và trách nhiệm của họ khi tham gia PES. Hoạt động này là một phần quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích thêm nhiều người tham gia cung cấp dịch vụ môi trường. Các hình thức tuyên truyền nên thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và dễ hiểu và gắn với đời sống của nhân dân để họ hiểu được vai trò và những lợi ích mình sẽ nhận được. Các hoạt động này cũng nên được tổ chức thường xuyên chứ không chỉ trong giai đoạn khởi động triển khai dự án.

KẾT LUẬN

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là mô hình quản lý và bảo vệ môi trường đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và đã có những hiệu quả đáng kể. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho người cung cấp và người chi trả các dịch vụ môi trường, mà PES còn mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường và hiệu quả trong giảm bớt các gánh nặng xã hội.

Nhận thức được tiềm năng và hiệu quả của PES tại Việt Nam, dự án thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thực hiện tại Sơn La. Hiện nay dự án mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai nhưng thông qua việc phân tích về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường có thể đánh giá phần nào về khả năng thành công của dự án. Tuy nhiên, PES là một cơ chế còn nhiều mới mẻ cả khi trên thế giới và khi áp dụng ở Việt Nam, vì thế cần thiết có sự đầu tư nghiên cứu để PES phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhà nước cần có các chính sách, quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn nhằm tăng cường khả năng nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nhiều người tham gia PES cũng như có cơ chế tài chính hỗ trợ trong giai đoạn ban đầu còn nhiều khó khăn. Dự án mới thực hiện sẽ có nhiều thách thức phía trước vì thế

cần phải rút kinh nghiệm và hoàn thiện không ngừng để PES trở thành một cơ chế quản lý và bảo vệ môi trường, hơn nữa còn là một cơ chế hướng nghèo, mang lại lợi ich cho xã hội.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La (Trang 69 - 73)