Bỉm Sơn với vị trí chiến lược trọng yếu, đã chứng kiến biết bao sự kiện oai hùng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Nơi đây,
năm 1789, Nguyễn Huệ đã cùng Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở đã dừng chân để tập kết quân lương, chiêu mộ binh lính trước khi tiến quân ra bắc đánh bại 29 vạn quân Thanh và đã nhiều lần được chọn là địa bàn chiến lược ngăn chặn và tiến công quân xâm lược. Mảnh đất huyền thoại với truyền thuyết Liễu Hạnh tiên nữ giáng trần lần thứ ba cùng với hai thị nữ là Quế Nương và Thị Nương vào thời vua Lê Hiển Tông (1663-1671) và hiển thánh tại Sùng Sơn.
Trên vùng đất có bề dầy lịch sử và huyền thoại văn hoá này còn chứa đựng những tiềm năng to lớn, đặc biệt là nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phục vụ sản xuất công nghiệp và xây dựng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của khu vực và đảm bảo cho công tác quản lý hành chính của khu công nghiệp phía Bắc Thanh Hoá; ngày 18 tháng 12 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 157/HĐBT thành lập Thị xã Bỉm Sơn. Đây là mốc son đánh dấu bước trưởng thành của Bỉm Sơn trên chặng đường phát triển thành đô thị công nghiệp trong tương lai, gắn liền với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và của đất nước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ngay sau khi thành lập, Bỉm Sơn đã nhanh chóng hình thành, ổn định và đi vào hoạt động của cả hệ thống chính trị với cơ cấu hoàn thiện và hợp lý, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được
giao. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho một Thị xã công nghiệp.