1. Quản trị tiền mặt:
Hiện nay, lượng tiền mặt tồn quỹ của doanh nghiệp là không cao, điều này gây ra khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi phải thanh toán các khoản nợ. Tăng tốc độ thu hồi tiền mặt bằng cách tăng tốc độ thu hồi séc và chậm chi trả séc; đem lại cho khách hàng những khoản lợi để khuyến khích họ sớm trả nợ; áp dụng những chính sách chiết khấu đối với những khoản thanh toán trước hay đúng hạn vì khi nợ được thanh toán tốt thì tiền đưa vào luân chuyển càng nhanh.
Việc quản trị và sử dụng hợp lý các loại tài sản lưu động có ảnh hưởng rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chung của công ty. Có sự khác biệt khá quan trọng giữa phân tích và đầu tư vào các loại tài sản lưu động và tài sản cố định.
Tài sản lưu động có thể chuyển đổi nhanh hơn so với tài sản cố định, vì thế nhà quản trị tài chính phải biết đầu tư bao nhiêu là hợp lý với đặc điểm tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình. Hiện nay tài sản lưu động trong công ty chiếm 52.13% đã hợp lý với mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa?
Tài sản lưu động duy trì cho doanh nghiệp khả năng thanh toán cần thiết trong những giai đoạn suy thoái kinh tế. Mức độ và thành phần của tài sản lưu động và nợ ngắn hạn chi phối bởi tình trạng khó khăn (có thể xảy ra) và mức độ khắc nghiệt do môi trường kinh doanh đem lại. Hơn thế nữa quản trị tài sản lưu động và nợ ngắn hạn gắn liền nhau. Thời gian đáo hạn trung bình của các khoản nợ ngắn hạn dài hơn thì nhu cầu đối với những tài sản có tính thanh khoản cao thường ít hơn. Khi số ngày trung bình của khoản tín dụng nhiều hơn thì nhu cầu cân đối tiền mặt đòi hỏi phải lớn hơn.
Đối với công ty cổ phần cao su Sao Vàng, hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản lưu động. Chiếm 74.56% trong tổng tài sản lưu động về cuối năm 2008. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả sử dụng VLĐ, để khắc phục điều này công ty nên có biện pháp nhằm giải phóng nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể:
- Xác định đúng đắn lượng nguyên vật liệu, hàng hoá cần mua trong kỳ và lượng tồn kho dữ trữ thường xuyên.
- Xác định lựa chọn người cung cấp thích hợp.
- Lựa chọn các phương tiện vận chuyển một cách thích hợp, tìm biện pháp giảm bớt chi phí vận chuyển, bốc xếp.
- Lập kế hoạch sản xuất từng mặt hàng năm kế hoạch, trên cơ sở tình hình năm báo cáo và nhu cầu thị trường, chi tiết khối lượng sản xuất cho từng tháng, quý. Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu nhập về. Nếu có hàng kém phẩm chất thì phải có đề nghị với người bán để đền bù tránh thiệt hại cho Công ty.
- Bảo quản tốt việc dự trữ thành phẩm, nguyên vật liệu trong kho. Tính toán để xác định số lượng vật tư mỗi lần cung cấp để chi phí lưu kho nhỏ nhất. Hàng tháng, kế toán vất tư hàng hoá đối chiếu sổ sách, phát hiện số thành phẩm tồn đọng để có phương án xử lý nhằm nhanh chóng thu hồi vốn.
- Thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường vật tư hàng hoá. Giá cao su liên tục biến động trong mấy tháng đầu năm nay. Vì thế, Công ty cần dự đoán và điều chỉnh kịp thời lượng dự trữ. Để quản lý tốt nguyên vật liệu tồn kho thì nên phân loại nguyên vật liệu ra từng nhóm theo đặc điểm và tầm quan trọng khác nhau: nhóm nguyên vật liệu chính, nhóm nguyên vật liệu phụ; nhóm nguyên vật liệu cung cấp từ trong nước và nhóm nhập khẩu từ nước ngoài. Mỗi nhóm sẽ có lượng dự trữ và phương pháp bảo quản khác nhau và khác với các loại hàng tồn kho khác; như các loại cao su sẽ có phương pháp bảo quản khác với phương pháp bảo quản các loại hoá chất hay các loại công cụ dụng cụ.
- Căn cứ vào giá cả các loại vật tư, hàng hoá trên thị trường và giá gốc của các loại đó để lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngoài ra công ty cũng nên mua bảo hiểm hàng hoá đối với những hàng hoá đang đi trên đường và hàng hoá nằm trong kho.
- Cuối kỳ, Công ty cần kiểm tra, đánh giá lại vật tư hàng hoá, vốn bằng tiền và đối chiếu sổ sách kế toán để xử lý chênh lệch.