1. Cơ cấu nguồn vốn
Xây dựng cơ cấu nguồn vốn tối ưu là mục tiêu phấn đấu của các doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả sử dụng vốn là cao nhất cũng như chi phí sử dụng vốn bình quân là thấp nhất.
Thông qua việc phân tích số liệu trên bảng 2.15 rút ra một số nhận định:
* Hệ số nợ:
Cuối năm 2007 hệ số nợ là 67%, tức là giảm 15% so với năm 2006. Nguyên nhân là do trong năm 2007, doanh nghiệp giảm được khoản vay nợ ngắn hạn, đồng thời doanh nghiệp thanh toán một số các khoản nợ dài hạn đến hạn thanh toán, chính vì thế làm cho nợ phải trả giảm nhiều so với năm 2006 và nhanh hơn tốc độ giảm của tổng nguồn vốn. Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm là dấu hiệu tốt cho tình hình tài chính của doanh nghiệp đang sử dụng quá nhiều nợ.
Ngược lại đến năm 2008 hệ số nợ của doanh nghiệp là 74% tức là tăng 7% so với năm 2007. Nguyên nhân của việc tăng hệ số nợ này là vì trong năm doanh nghiệp đã sử dụng quá nhiều nợ vay. Cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đều tăng lên, đặc biệt nợ ngắn hạn tăng với tỉ lệ lớn ( năm 2008 so với 2007 nợ ngắn hạn tăng 31.22% còn nợ dài hạn tăng 28.91%). Trong khi đó tổng nguồn vốn chỉ tăng lên có 18.12% thì hệ số nợ tăng lên là điều tất nhiên .
Nhìn chung qua 3 năm, hệ số nợ của doanh nghiệp cao, điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã sử dụng đòn bẩy tài chính để góp phần tăng lợi nhuận. Tuy nhiên nếu sử dụng đòn bẩy tài chính có hiệu quả thì sẽ làm khuếch đại vốn chủ, nhưng mặt khác nó cũng làm tăng mức độ rủi ro trong hoạt động kinh doanh, nếu vay nhiều quá doanh nghiệp có thể mất khả năng chi trả. Thực vậy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp năm 2008 không tốt, cùng với việc sử dụng quá nhiều nợ vay, chi phí đi vay cao làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm thấp rõ rệt. Do đó trong những năm tới doanh nghiệp cần phải cân nhắc hơn nữa trong việc có nên tiếp tục gia tăng nợ vay?
* Hệ số tự tài trợ:
Năm 2007 tỷ suất tự tài trợ là 33%, so với năm 2006 thì đã tăng 15%. Nguyên nhân tăng là do tốc độ tăng của nguồn vốn chủ sở hữu cao hơn tốc độ tăng của tổng nguồn vốn. Năm 2006 là năm đầu tiên doanh nghiệp cổ phần
hóa với vốn đầu tư chủ sở hữu ban đầu là trên 80 tỉ nhưng sang năm 2007 doanh nghiệp đã hai lần phát hành thêm cổ phần để huy động thêm vốn do đó vốn đầu tư chủ sở hữu tăng lên đến 108 tỉ.
Sang đến năm 2008 tỷ suất tự tài trợ giảm xuống còn 26% mặc dù thấp hơn năm 2008 là 7% nhưng vẫn cao hơn năm 2006 8%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vốn đầu tư của chủ sở hữu không tăng thêm, nguồn vốn chủ sở hữu giảm xuống (giảm 7.46%) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm nhiều, trong khi đó nợ phải trả tăng lên quá nhanh(tăng 30.78%) đã đẩy tổng nguồn vốn tăng lên đến 18.12%
Với kết quả xem xét ở trên có thể thấy rằng trong năm 2008 công ty có xu hướng tăng vốn cho sản xuất kinh doanh bằng nguồn vốn đi vay và giảm tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, hệ số nợ khá cao như vậy sẽ làm cho khả năng độc lập mặt tài chính của công ty thấp, các nhà đầu tư, người cho vay không đánh giá cao khả năng thanh toán của công ty. Do đó sẽ gặp khó khăn cho việc huy động vốn ở các năm tới.
Vì vậy trong những năm tới công ty cần tìm cách gia tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời giảm tỷ trọng nợ vay xuống thấp hơn, vì hệ số nợ cao đồng nghĩa với rủi ro tài chính cao.
2. Cơ cấu tài sản
Thông qua số liệu bảng 2.16 ta thấy, trong cơ cấu tài sản của công ty ở cả 2 năm 2007-2008, tỉ trọng đầu tư vào tài sản ngắn hạn có cao hơn tài sản dài hạn. Cụ thể, năm 2007 trong 100đ vốn kinh doanh công ty giành ra 52.17 đồng đầu tư vào TSLĐ còn 47.83 đồng đầu tư vào TSCĐ, còn trong năm 2008 trong 100 đồng vốn kinh doanh công ty giành 52.13 đồng đầu tư vào TSLĐ còn lại là đầu tư cho TSCĐ. Tỉ suất đầu tư vào các loại tài sản trong cả 2 năm nhìn chung là không có sự biến động đáng kể. TSNH vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn chút ít.
Để đánh giá tình hình đầu tư của công ty là tốt hay không ta phải xem xét chi tiết khoản mục TSCĐ và ĐTDH
Qua xem xét tình hình thực tế của công ty ta thấy tỷ trọng TSCĐ và ĐTDH tăng lên 0,04. Mức độ đầu tư có ưu tiên hơn chút ít cho TSCĐ. Nhưng chủ yếu chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng thêm. Lý do là trong năm, doanh nghiệp thực hiện xây dựng thêm nhiều công trình lớn. Mặt khác, tài sản cố định thuê tài chính tăng nhanh với tỷ lệ 42,84% là do trong năm công ty đã thuê thêm nhiều máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại. Điều này cho thấy công ty vẫn chú trọng đầu tư vào TSCĐ nhằm tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong tương lai.
Như vậy về cơ bản cơ cấu tài sản của công ty trong năm 2008 là hợp lý tuy nhiên chúng ta cần xem xét đến nguồn vốn tài trợ cho các tài sản đó như thế nào mới đưa ra kết luận chính xác được. Theo như đã phân tích ở phần mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn, ta thấy được chính sách tài trợ của doanh nghiệp là bất hợp lý, vi phạm nguyên tắc cân bằng tài chính bởi doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn ngắn để đầu tư cho tài sản dài. Đây không phải là chiến lược kinh doanh lâu dài, công ty không thể lấy ngắn nuôi dài mãi được bởi vì rủi ro của nó là rất lớn.
Thông qua phân tích hệ số về cơ cấu nguồn vốn và tài sản chúng ta thấy việc sử dụng quá nhiều nợ vay làm cho tình hình tài chính của công ty bị phụ thuộc rất lớn vào các chủ nợ. Mặc dù cơ cấu tài sản có hợp lý song chính sách đầu tư chưa phù hợp. Việc công ty dùng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho TSCĐ là không nên. Công ty cần xem xét lại chính sách tài trợ của mình.