Đặc điểm về văn hóa 1 Tính cách Nam Bộ

Một phần của tài liệu Bài giảng: Các vùng văn hóa Việt Nam (Trang 33 - 36)

2.7.2.1. Tính cách Nam Bộ

34

Cũng từ đặc điểm của mảnh đất phương Nam đã tạo cho con người nơi đây có tính giản dị trong cuộc sống, do họ phải lặn lội giữa đồng nước, nắng gió, nay đây mai đó trên sông rạch, bưng biền nên họ có thói quen không thích ăn diện hay xây dựng nhà kiên cố.

Người dân nơi đây nổi tiếng về tinh thần lao động hăng hái, có kỹ năng nghề, luôn biết sáng tạo cải tiến phương tiện cho phù hợp với điều kiện làm việc.

Những người khai phá đất mới là những người coi nghĩa khí làm đầu. Người Nam Bộ thích kết thân bạn bè cùng nhau chè chén, ăn chơi xả láng ồn ào, nhưng sẵn trong họ một cái gì đó mang nặng âm điệu sầu tư, nên trong cuộc vui họ ham mê ca xướng, hát bội, cải lương, nhất là các âm điệu vọng cổ chứa chất sầu vọng. Đó là hai mặt của tâm lý con người Nam Bộ.

Họ là những người sẵn sàng tiếp nhận và hướng về cái mới, nhạy cảm với cái mới trong cả việc làm ăn, vui chơi giải trí.

2.7.2.2. Ẩm thực

Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất “làm chơi ăn thiệt”, con người dù nghèo hèn, cơ cực nhưng vẫn không thiếu thức ăn, gặp gì ăn nấy, từ những cây cỏ trên bờ, con cá dưới sông, con chim trên trời, cho đến các loài sinh vật khác. Tính hoang dã trong văn hóa ẩm thực của người Nam Bộ đã được định hình từ đây. Điều dễ nhận thấy nhất ở tính hoang dã này là người Nam Bộ ăn rất nhiều rau, đây là loại thức ăn có sẵn ở vùng sông nước, ao hồ, ruộng vườn rất dễ tìm không cần nhiều thời gian chế biến, có loại chỉ cần hái vào rửa sạch là ăn được. Người ta có thể ăn các loại rau từ rau đắng, rau dền, rau răm, cải xanh, tía tô, hành, hẹ, ngò gai… đến các loại cây bông như: bông điên điển, thiên lí, bông kim châm…

Nhưng nổi bật hơn trong tính hoang dã này chính là môi trường của việc ăn uống, người Nam Bộ thường có thói quen chế biến món ăn và ăn ngay tại chỗ. Món cá lóc nướng trui là một minh chứng cho điều này, hoặc một nồi canh chua cá lóc được nấu ngay sau buổi tát đìa cũng thể hiện điều đó.

2.7.2.3. Trang phục

Về trang phục, do sống trong môi trường sông nước, nông dân Nam Bộ, cả nam và nữ, rất thích chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn.

Phụ nữ Nam Bộ chải tóc kẹp hay búi tóc sau ót, tùy theo lứa tuổi, tuy nhiên kiểu tóc búi vẫn là nét riêng. Để giữ cho búi tóc chặt, đẹp, các bà các cô cài thêm trâm vàng hay lược cong để giữ cho búi tóc khỏi xổ. Cũng như phụ nữ Huế, phụ nữ Nam Bộ thích đeo kiềng vàng, cũng có người giữ nếp đeo chuỗi hột vàng quanh cổ như phụ nữ miền Bắc.

35

Nam Bộ là vùng đất mở, năng động nên nhanh chóng tiếp thu những yếu tố văn hóa mới, đặc biệt ở lĩnh vực tìm kiếm sự đổi mới trong cái đẹp nữ phục thành thị miền Nam. Hàng loạt biểu hiện của phong trào Âu hóa như sự xuất hiện của váy cưới, áo sơ mi, quần Âu, quần jeans, quần ống loe, ống bé, thậm chí cả các kiểu cách mặc hippy…

2.7.2.4. Nhà ở

Vùng đất Nam Bộ là vùng đất trũng có hơn phân nửa diện tích ven biển là vùng đất lợ, điều kiện môi trường rất thích hợp cho các loại cây sú, vẹt, đước, bần, tràm, dừa nước…sinh sống. Người dân ở đây đã tận dụng các sản vật tự nhiên này làm vật liệu xây dựng cho ngôi nhà của mình.

Nam Bộ có ít bão tố, nhiều kênh rạch, con người phải dồn sự chăm chút cho ghe xuồng và vườn tược nên nhà của khá tạm bợ. Một ít cây làm cột, làm kèo, một ít lá dừa nước vừa lợp mái, vừa thưng vách là đã có một ngôi nhà ấm cúng.

Nhà ở của người Việt Nam Bộ có ba loại chính: nhà đất cất dọc theo ven lộ, nhà sàn cất dọc theo kinh rạch, và nhà nổi trên sông nước. Nhà nổi trên sông nước là nơi cư trú đồng thời là phương tiện mưu sinh của những gia đình theo nghề nuôi cá bè, vận chuyển đường sông, buôn bán ở các chợ nổi, bán sỉ và bán lẻ trên sông.

2.7.2.5. Đi lại

Người ta vẫn mệnh danh Nam Bộ là xứ sở của văn minh kênh rạch. Kênh rạch tạo thành hệ thống chằng chịt bám chặt vào mọi nẻo của cả vùng, nó quy định nhịp điệu làm ăn, làm gì, đi đâu, thậm chí thờ cúng, vui chơi người ta cũng tùy thuộc vào con nước lên hay ròng. Ở xứ sở kênh rạch như vậy, con thuyền là phương tiện đi lại chuyên chở chính yếu, bởi thế từ lâu dân gian có câu: “sắm xuồng là để làm chân”.

Ở vùng sông nước thì dùng xuồng, ghe, tắc ráng, vỏ lãi, tàu, bè, bắc (phà), cộ... Ở trên đất liền thì các cư dân Nam Bộ dùng xe bò, xe ngựa, xe đạp, xe thồ, xe tải... Trong thời Pháp thuộc, khi giao thông đường bộ bước đầu phát triển, người Nam Bộ đã gọi các chuyến xe khách liên tỉnh, liên vùng là xe đò. Nói chung, cho đến nay ở miền Tây giao thông đường thuỷ vẫn rất thông dụng và thuận lợi, mặc dù giao thông đường bộ đã được cải thiện nhiều.

2.7.2.6. Tôn giáo, tín ngưỡng

Để thích nghi với điều kiện sống mới, người dân Nam Bộ ít khi ràng buộc chính mình bởi những tư tưởng Nho giáo, những lề thói, khuôn phép phong kiến lỗi thời, nhưng cũng chính vì đây là vùng đất mới, cư dân tứ xứ đổ về sinh sống nên tạo điều kiện cho nhiều tôn giáo, tín ngưỡng bén rễ, đâm chồi. Điều này tạo nên diện mạo hết sức đa dạng, phức tạp của đời sống tâm linh. Bên cạnh các tôn giáo lớn từ ngoài

36

du nhập vào như Đạo Phật, Gia Tô Giáo, Tin Lành, Islam, còn có các tôn giáo, tín ngưỡng địa phương như Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa, Đạo Ngồi, Đạo Nằm, Đạo Câm, Đạo Đi Chậm, các tín ngưỡng dân gian như thờ tổ tiên, thổ thần, tứ phủ, Neaktà, Arăk… Tính ra, số tín đồ các đạo đã hình thành các tổ chức thì ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm số lượng khoảng 1/3 cả nước.

Tôn giáo, tín ngưỡng Nam Bộ cũng nhạy cảm hơn với các vấn đề đời sống chính trị, xã hội, nói cách khác, các thế lực dễ lợi dụng và kích động tôn giáo, tín ngưỡng để phục vụ cho các mục đích của họ. Thực tế lịch sử ở đây, từ Phật giáo, Gia Tô giáo, các đạo Cao Đài, Hòa Hảo, các hội kín mang tính chất tôn giáo đều đã từng nhập cuộc trong các trào lưu chính trị và xã hội. Tính phức tạp, đa dạng của tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ còn thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa chúng với các quá trình văn hóa và quá trình dân tộc.

2.7.2.7. Lễ hội

Lễ hội của người Việt Nam Bộ cũng rất đa dạng, bao gồm bốn loại: lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo (bao gồm các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, hội đền Linh Sơn Thánh mẫu ở núi Bà Đen, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc…), lễ hội nông nghiệp, lễ hội ngư nghiệp (lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân), lễ hội văn hoá - lịch sử (Ở các đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành hoàng Bổn cảnh, thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp), lễ tết cổ truyền như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ..., các lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Hữu Kính, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Ngô Tán Đước, Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng, Trần Công Thận.

Một phần của tài liệu Bài giảng: Các vùng văn hóa Việt Nam (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(39 trang)