Đặc điểm về tự nhiên, lịch sử và cư dân

Một phần của tài liệu Bài giảng: Các vùng văn hóa Việt Nam (Trang 33)

Về phạm vi, vùng văn hoá này bao gồm địa bàn 19 tỉnh thành: Đồng Nai, Bình Dương, ̣Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Về địa hình, đây là một vùng đồng bằng sông nước rất đặc trưng, có diện tích và độ phì nhiêu cao nhất trong tất cả các đồng bằng nước ta. Toàn vùng có đến 4.000 kênh rạch, dài tổng cộng 5.700km.

Hai hệ thống sông lớn nhất của vùng là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long.

Về khí hậu, Nam Bộ là vùng tương đối điều hoà, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4.

Nam Bộ là vùng văn hóa trẻ, khoảng 5.000 - 4.000 năm trước, người Indonesian đã đến đây khai phá, tạo nên văn hoá Đồng Nai. Từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ thứ VIII, người Indonesian và nhiều lớp người ngoại nhập (Thiên Trúc, Nguyệt Thi, Nam Dương...) tạo lập nền văn hoá Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ và Đông Campuchia, dựng nên vương quốc Phù Nam hùng mạnh.

Ngoài trung tâm Óc Eo, nhà nước Phù Nam còn có một trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo nữa trên vùng đất Long An, nơi có tới 100 di tích văn hoá Óc Eo với 12.000 hiện vật, đặc biệt là quần thể di tích Bình Tả, gồm ba cụm di tích: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước, có niên đại từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ thứ VII. Vào khoảng năm 550, vương quốc Chân Lạp tiêu diệt Phù Nam. Nền văn hoá Óc Eo vẫn còn tiếp diễn ở một số nơi trên đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến cuối thế kỉ VIII thì tàn lụi hẳn.

Hiện nay, Nam Bộ là nơi cư trú của người Việt và các tộc người thiểu số là cư dân bản địa: Xtiêng, Chơ Ro, Mạ, hoặc di dân: Khơ me, Hoa, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thổ…

Một phần của tài liệu Bài giảng: Các vùng văn hóa Việt Nam (Trang 33)