Khái quát chung về các hình thức cư trú (quần cư)

Một phần của tài liệu Địa lý kinh tế xã hội việt nam (các nguồn lực) (Trang 104 - 108)

- Di dân tự do nông thô n nông thôn.

b. Kết cấu dân số theo trình độ văn hoá

2.6.1. Khái quát chung về các hình thức cư trú (quần cư)

▪ Quần cư là sự phân bố các điểm dân cư (các đô thị, làng, bản...) có qui mô và chức năng khác nhau, đồng thời cũng là sự phân bố dân cư trong phạm vi lãnh thổ của các điểm dân cư ấy. Quần cư còn được hiểu là sự tổng hòa của các điểm dân cư và các hình thức của sự cư trú của con người trong phạm vi nhất định. Sự phân bố dân cư phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên; sự phân bố tài

nguyên thiên nhiên; điều kiện kinh tế - xã hội; kết cấu hạ tầng; các tập quán cư trú của các dân tộc...

▪ Có 2 kiểu quần cư (nông thôn và thành thị). Cơ sở cho việc phân chia 2 kiểu quần cư trên là căn cứ vào một số dấu hiệu quan trọng như chức năng (sản xuất và phi sản xuất); mức độ tập trung dân cư; qui mô (diện tích, dân số); phong cách kiến trúc, qui hoạch, vị trí địa lý kinh tế ... Hai kiểu quần cư trên thường có sự khác biệt lớn về chức năng và mức độ tập trung dân cư. Các hình thức quần cư có tính năng động, nó phát triển và thay đổi phụ thuộc vào việc phát triển kinh tế - xã hội; Các điểm dân cư đô thị gắn với hoạt động phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ); Các điểm dân cư nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp. Mật độ dân số ở thành thị cao hơn nông thôn.

2.6.2. Các mẫu hình quần cư ở nông thôn

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, đại đa số dân cư sống ở các vùng nông thôn và tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, loại hình quần cư nông thôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống quần cư của cả nước, gắn liền với môi trường tự nhiên, đặc điểm sản xuất và phản ánh đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư tại địa phương. Do truyền thống trồng lúa nước và những tập quán riêng cùng với điều kiện tự nhiên thích hợp mà dân cư nước ta thường tập trung đông ở các vùng đồng bằng châu thổ, ven biển hoặc dọc các trục giao thông. Cơ sở của các điểm quần cư nông thôn là các làng xã. Mỗi làng của Việt Nam (trước đây) là một đơn vị kinh tế tự cấp, có các hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp tương đối độc lập với các làng khác. Mỗi làng là một đơn vị hành chính và cũng là một cộng đồng thống nhất trong việc bảo vệ an ninh, đấu tranh chống thiên tai để bảo vệ thành quả lao động của họ. Mỗi làng còn là một cộng đồng văn hóa với đặc trưng là ngôi chùa, mái đình.

Nhìn chung, hệ thống làng xã của nước ta thường co cụm thành khối với qui mô khác nhau, có làng tập trung tới vài ba ngàn dân như ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ, số hộ trung bình 300-500 hộ (với số dân 1.500 - 2.000 người); nhiều làng xóm kế tiếp nhau, tạo nên một chuỗi điểm dân cư dài đến vài cây số. Tuy nhiên, ở đồng bằng Nam Bộ các làng xã cũng có hướng co cụm, nhưng qui mô nhỏ hơn và phân bố cách xa nhau hơn so với Đồng bằng sông Hồng; còn ở những vùng đồi, núi thấp (Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung) các điểm dân cư thường là các xóm nhỏ vài chục hộ (< 1.000 dân) nằm ở ven đồi; ở phần lớn các tỉnh thuộc miền núi (phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên) các điểm dân cư rất

thưa thớt, số lượng ít, phân bố tại các thung lũng dọc sông suối, nơi có nguồn nước và đất canh tác.

Trong quá trình xây dựng và phát triển nhất là từ sau đổi mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ (cả về qui mô, chức năng và cấu trúc); các làng xã cũng thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ hộ thuần nông, tăng dần tỉ lệ hộ kiêm ngành nghề, tái xuất hiện các làng nghề thủ công; một số khu vực nông thôn đã hình thành những chức năng mới như công nghiệp-dịch vụ; làng xã cũng được ghép lại làng (thôn) thành xã lớn (mỗi xã gồm một vài làng). Năm 2002, nước ta có 8.970 xã thuộc 518 huyện nhà cửa được xây cất khang trang hơn, mạng lưới đường xá được cải tạo lại, nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội được xây dựng mới.

● Một số loại hình quần cư nông thôn ở nước ta hiện nay:

▪ Loại hình quần cư ở đồng bằng, ven biển. Căn cứ vào chức năng sản xuất;

đặc điểm phân hoá tự nhiên và các đặc điểm khác, mà ở đồng bằng lại có một số loại quần cư sau:

- Làng thuần nông, đặc trưng cho vùng trồng lúa (2-3 vụ); hoặc lúa kết hợp rau, màu, cây công nghiệp và chăn nuôi. Các làng này thường tương đối lớn cả về số dân và diện tích, phong phú về cơ sở vật chất, gần nhau về khoảng cách, chiếm ưu thế về số lượng trong các vùng nông thôn đồng bằng cả nước ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long

- Làng phi nông nghiệp, thường là làng tiểu thủ công nghiệp; hay làng nghề. Ở nước ta có khoảng 300 làng nghề chuyên sản xuất những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Trong các làng thủ công chuyên nghiệp, công việc được làm tại gia đình, số luợng nghệ nhân và thợ không thua kém những xí nghiệp có qui mô trung bình ở các đô thị. Một số làng nghề tiêu biểu là làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm-Hà Nội), làng chạm bạc Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình), làng dệt Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), làng gốm sứ Tân Phước Khánh, làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), làng gốm ven sông Đồng Nai (Đồng Nai), làng nón Phú Cam, làng thêu Thuận Lộc, làng chạm gỗ Mỹ Xuyên (Thừa Thiên-Huế)...

- Làng kết hợp nông nghiệp – thủ công nghiệp phổ biến ở đồng bằng, khu vực ven đô thị. Hoạt động thủ công nghiệp thường đan xen với sản xuất nông nghiệp. Qui mô làng thường lớn, điểm cư trú dày đặc, nhà cửa khang trang.

- Làng nông nghiệp kết hợp ngư nghiệp phổ biến dọc duyên hải. Các điểm dân cư thường nhỏ chạy dọc theo tuyến, trên các cồn cát duyên hải hay các cửa sông để thuận lợi cho hoạt động biển và canh tác trên đồng ruộng.

- Ngoài ra, ở đồng bằng còn có một số loại hình cư trú khác, tuy không phổ biến như các kiểu trên, như làng ngư nghiệp, làng vườn (miệt vườn)...

▪ Loại hình quần cư nông thôn ở vùng Trung du – miền núi và cao nguyên.

Đây là loại hình đặc trưng cho sản xuất nông - lâm kết hợp của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại vùng này. Tùy theo từng dân tộc mà các điểm dân cư có tên gọi khác nhau như Làng (người Kinh); Bản (Tày, Nùng, Thái, H’Mông, Mường...); Buôn, plây (của các dân tộc ở Trường Sơn và Tây Nguyên); Sóc (của dân tộc Khơ Me, Nam Bộ).

Có 2 kiểu quần cư nổi bật:

- Các bản, làng định canh, định cư: Thường tập trung ở ven suối, dọc thung lũng, giữa các cánh đồng miền núi; phần lớn các điểm dân cư ở đây phân tán, qui mô nhỏ; dân trong vùng hầu hết là làm ruộng, khai thác rừng cùng các sản phẩm dưới tán rừng và trồng rừng; một số bản làng nằm gần các đầu mối giao thông, thuận lợi cho trao đổi, hình thành các chợ, các thị tứ, các "phố núi"; kinh tế nông nghiệp mang nặng tính tự túc, tự cấp, sản phẩm hàng hóa ít; các buổi chợ phiên thường là để trao đổi hàng hóa và là nơi để sinh hoạt văn hóa, giao lưu của thanh niên (nam, nữ) giữa các bản làng. Ví dụ, chợ phiên ở Lạng Sơn ta được nghe các điệu “sli” của trai gái Nùng. Hay “hát lượn, hát then” của thanh niên Tày, còn Sa Pa nổi tiếng có “chợ tình”

- Loại hình du canh, du cư: Cư trú không ổn định gắn liền với lối canh tác nương rẫy của các dân tộc H’Mông, Dao và một số dân tộc ở Tây Nguyên; các bản này phân bố rải rác trên các vùng núi cao. Do lối canh tác lạc hậu, nên họ còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa, chúng ta đang vận động họ định canh, định cư, hướng dẫn họ phương thức sản xuất mới (trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, khai thác lâm sản) dần hình thành các bản định canh, định cư.

Ngoài ra, ở vùng núi, trung du và cao nguyên còn có các điểm dân cư là nông trường, các làng công nhân, thị trấn công nhân.

▪ Có thể tóm tắt một vài nét riêng trong việc tổ chức các bản, làng ở trung du – miền núi:

- Ở rẻo thấp thì người Mường, Thái, Tày, Nùng thường ở nhà sàn, nhưng cấu trúc, bài trí nhà sàn của người Thái khác người Mường. Nhà của người Thái Đen có

"Khau cút" ở đầu hồi nhà với những dáng vẻ khác nhau (Khau cút cũng có ở các dân tộc Ba Na, Xinh Mun, Bru). "Khau cút" là thể hiện niềm ước muốn hạnh phúc gia đình, phồn vinh no đủ. Người Tày, Nùng có nhà sàn truyền thống, nhưng ở vùng biên giới họ lại ở nhà trệt, tường trình bằng đất.

- Các dân tộc ở rẻo giữa và rẻo cao thường ở nhà trệt (cũng có những dân tộc ở nhà sàn). Người Dao, người Mông ở nhà trệt, tường bưng bằng ván gỗ, mái lợp tranh. Tuy nhiên, do rừng cạn kiệt dần, nên một số dân tộc đã thay nhà sàn bằng nhà trệt, xây bằng gạch, lợp ngói.

- Các buôn làng ở Tây Nguyên lại có những nét rất độc đáo. Buôn của người Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng..., đều có nhà “Rông” giữa làng, nhà rông có vai trò như đình làng của người Việt ở đồng bằng; nhà rông tượng trưng cho sức mạnh của buôn, nên được xây dựng rất cẩn thận; nhà rông là nơi thờ thần làng, là nơi dân làng tổ chức tế lễ, hội làng; là nơi các già làng hội họp quyết định những công việc quan trọng của làng, dùng để tiếp khách từ các làng láng giềng; nhà rông là nơi tập trung trai tráng chưa vợ - các lực lượng dân binh để bảo vệ làng.

Các buôn làng của người Ê Đê, Mạ, Tà Ôi... còn tồn tại các nhà dài (có trường hợp cả làng là một ngôi nhà duy nhất). Nhà của người M’Nông thường là nhà trệt, dài từ 20 – 30 m có khi tới 40 m. Nhà của người Mạ là nhà sàn dài (trước đây còn những ngôi nhà dài hàng trăm mét, nay phổ biến là 20 - 30 m). Người Ê Đê, nhà dài từ vài ba chục mét đến hàng trăm mét, là nơi cư ngụ của gia đình lớn (chỉ có những gia đình nhỏ có quan hệ chị - em, cô - cháu mới được tách ra).

Một phần của tài liệu Địa lý kinh tế xã hội việt nam (các nguồn lực) (Trang 104 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w