BỐN QUI TẮC CỦA DESCARTES

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 58 - 61)

Đọc loại sách nghị luận, khảo cứu cần nhất có óc suy nghĩ, phê bình chỉ để tin những điều đáng tin.

Thuật tư tưởng là một thuật khó nhất và cả những nhà bác học cũng tự nhận rằng 10 lần thì nghĩ sai đến 6-7 hoặc 8-9.

Muốn tư tưởng cho đúng, phải nghe nhiều tiếng chuông, thu thập đủ những khảo cứu nhất là phải có tinh thần khoa học, biết bỏ hết thành kiến; mà tinh thần này rất khó có, nhiều người được đào luyện trong lò khoa học cả chục năm cũng còn thiếu nó (1).

59

Xét kỹ thuật tư tưởng phải mất 5-6 trăm trang, sẽ ra ngoài phạm vi cuốn sách này nên ở đây tôi chỉ nhắc bạn vài qui tắc quan trọng mà người tự học nào cũng cần nhớ.

Trước hết là 4 qui tắc của Descartes, ông thủy tổ của khoa học thực nghiệm.

Qui tắc thứ nhất: Phải chứng minh một sự thực nào rồi mới nhận nó là sự thực.

Qui tắc thứ nhì: Phải chia sự khó khăn ra làm nhiều phần nhỏ, càng nhiều càng hay, nghĩa là phải phân tích nó ra để giải quyết. Có óc phân tích thì mới xét được đủ phương diện của một vấn đề.

Qui tắc thứ ba:Thu thập những phần tử đó lại theo từng loại, theo sự quan trọng của chúng. Qui tắc này ngƣợc lại qui tắc trên gọi là qui tắc tổng hợp.

Qui tắc thứ tƣ: Kiểm điểm lại cho đủ, xét cho khắp để đừng bỏ sót một chút gì.

Trong bốn qui tắc ấy, qui tắc thứ nhất khó theo vô cùng. Hết thảy chúng ta ai cũng mắc tật dễ tin, dễ bị uy tín của các học giả thôi miên. Ta không hề tự hỏi:

- Những chứng cứ họ đưa ra có đúng không?

- Họ có thay đổi những chứng cứ đó để bắt nó biện hộ cho thuyết của họ không?

- Họ có thành kiến không?

- Họ có xét hết phương diện của vấn đề không? ……… ---

(1) Xin coi chuyện các vị bác sĩ nhà thương Phủ Doãn trong chương III cuốn Hiệu Năng: “Châm ngôn của các nhà doanh nghiệp” của tác giả.

---

Từ trước, nhiều người tin rằng Khổng Tử chủ trương sự tôn quân. Gần đây Trần Văn Sóc, trong cuốn “Lƣợc khảo học thuyết Khổng Tử”, lại bảo Khổng Tử có tư tưởng dân chủ. Ông đưa 3-5 chứng cứ. Ta phải xét từng chứng cứ một xem có đúng không rồi mới tin thuyết của ông được. Chẳng hạn ông bảo: Có một lần Khổng Tử đến đất nhà Đông Chu để hỏi Lão Tử về Lễ mà không đến yết kiến vua nhà Chu. Đọc câu đó tôi tự hỏi:

- Có thật lần đó Khổng Tử không đến yết kiến vua nhà Chu không.

- Nếu đúng, thì có chắc chắn rằng vì lẽ không tôn thiên tử nhà Chu không, hay còn lẽ gì khác … (2)

60

Ngay trong khu vực của khoa học thực nghiệm mà ta cũng thường gặp nhiều thuyết trái hẳn nhau. Vì mỗi học giả thường chỉ đứng về một phương diện mà xét rồi vội vàng lập thuyết. Kẻ nói ăn xong nên nằm nghỉ cho máu dồn về bao tử và dễ tiêu hóa. Người lại bảo ăn xong nên vận động ngay vì thí nghiệm đã chứng minh rằng một đàn chó ăn no rồi phải đi săn liền thì vài giờ sau, mổ bụng ra thấy thức ăn tiêu hết, còn một đàn khác ăn no rồi nằm thì thức ăn tiêu rất chậm.

---

(2) Tôi cũng nghĩ như ông Trần Văn Sóc rằng thâm ý của Khổng Tử là muốn trở lại chế độ thời đại tiểu khang thời Hạ, Thương, nhưng có lẽ Ngài thấy không thể như vây được nữa, nên tùy thời mà phải biểu dương nhà Chu, để cứu cảnh loạn lạc lúc ấy. Đó chỉ là một ý kiến chưa chắc đã đúng vì nghiên cứu về đạo Khổng là một việc rất khó. Dù sao Khổng Tử cũng không dân chủ theo nghĩa ngày nay, ông chỉ quí dân thôi. ---

Sự thực ở đâu? Thí nghiệm vào chó và kết luận về người có được không? Vả lại còn bộ tiêu hóa và thói quen của mỗi người nữa, nên không thể tin ngay thuyết trên hoặc thuyết dưới được.

Chế độ cộng sản được ca tụng bao nhiêu thì cũng bị chỉ trích bấy nhiêu.

Những sự mâu thuẫn như vậy nhiều lắm. Thái độ của ta là phải ngờ hết thảy và tự tìm lấy sự thực cho mình.

Ở trường, ta được học phép phân tích trong những môn tác văn, toán…, nhưng ít khi giáo sư dạy ta cách tổng hợp. Năm 1930, ông R. F. Reynaud đã phàn nàn: “Không bao giờ ngƣời ta dùng phƣơng pháp tổng hợp để học sinh thấy sự liên lạc các điều đã dạy”.

Không có óc tổng hợp thì không thấy được sự toàn diện một vấn đề, và sự hiểu biết của ta rời rạc, vô ích.

Ông Thái Phỉ, một nhà giáo kiêm văn sĩ, trong cuốn “Một nền giáo dục Việt Nam mới” đã chịu khó nhận thấy thanh niên thời tiền chiến có trên 20 tính xấu.

Ông chê họ:

- Về thể chất thì xanh bủng, gầy yếu, con mắt thâm quầng, dáng mệt nhọc có tật ngại việc, ngại đi bộ, ngại đứng, thích được ngồi tựa lưng.

- Về tinh thần, họ nhu nhược và nhát sợ, thiếu tinh thần độc lập, thiếu tinh thần phương pháp, kém óc thực tế và tháo vát, giàu óc trối kệ, không biết trọng kỷ luật và trật tự, hỗn láo, sỗ sàng và thô tục, hung hăng xằng, thích xa hoa và đàng điếm, không ưa hoạt động và lười biếng, kém tinh thần thích nghi, không có tín ngưỡng và không thờ một lý tưởng nào, không có ý thức quốc gia và chỉ thờ một thứ là ái tình và hiện thân của ái tình là người đàn bà.

61

Bảng kê khai đó đầy đủ lắm, nhưng thực lộn xộn, vì ông không biết tổng hợp thành thử người đọc không nhớ được nhiều; còn ông, khi tìm phương pháp để trị những tật ấy, thì kiếm không được cách nào có hiệu quả.

Nếu ông tổng hợp lại thì tất thảy hơn 20 tật có thể sắp xếp thành 3 loại:

Tật cố hữu của tuổi trẻ, chung cho thành niên của bất kỳ dân tộc nào, bất kỳ thời đại nào, như:

- Hung hăng xằng, không bền chí, tự đắc.

Tật do chế độ đại gia đình nhƣ:

- Ỷ lại, thiếu tinh thần độc lập, giàu óc khối kệ, - Không tháo vát,

- Kém tinh thần thích nghi, - Sỗ sàng, tàn nhẫn với kẻ dưới,

Tật do nền giáo dục sinh ra, nhƣ:

- Không có tín ngưỡng, cũng không có ý thức quốc gia, - Nhu nhược, nhút nhát,

- Không ưa hoạt động và lười biếng, - Thiếu óc phê bình,

- Thiếu tinh thần phương pháp, - Kém óc thực tế.

Những tật trong loại thứ nhất không cần quá lưu tâm vì nếu khéo hướng dẫn thanh niên thì những tật đó sẽ biến thành đức tốt.

Những tật do chế độ đại gia đình thì chẳng cần phải diệt, nó cũng lần lần mất theo chế độ ấy.

Vậy chỉ còn những tật trong loại thứ 3 và nếu ta cải tạo nền giáo dục luyên cho thanh niên có một lý tưởng, một tinh thần khoa học thì tự nhiên giải quyết được vấn đề.

Trong sự học ta nên luôn luôn áp dụng phương pháp phân tích và tổng hợp để dễ nhớ, dễ suy xét và có một khái niệm rõ ràng, chắc chắn về một vấn đề.

Còn phương pháp thứ 4 của Descartes là kiểm điểm cho đủ thì bạn nào cũng hiểu rồi, tôi xin miễn bàn thêm.

Một phần của tài liệu Tự học một nhu cầu của thời đại (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)