19/03/2009 0:25
Hội thảo tầm cỡ quốc gia đầu tiên về tranh chấp biển Đông tại Hà Nội ngày 17.3.2009 đã mở ra một giai đoạn mới cho các nhà nghiên cứu Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.
Nghiên cứu khoa học về vấn đề trên không còn là việc nhạy cảm bị các nhà khoa học Việt Nam né tránh nữa! Tất cả những ai ham mê khoa học từ già đến trẻ, muốn đi tìm chân lý, đi tìm sự thật, đều có thể tham gia và đi tới cùng. Hội thảo này không phải là cuộc hội thảo đơn lẻ mà còn hứa hẹn nhiều cuộc hội thảo kế tiếp, không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước, để sự thật lịch sử đến với mọi người.
Có một du học sinh Việt Nam vốn là cử nhân tiếng Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội đi xuất khẩu lao động, rồi được Đài Loan cho học bổng làm thạc sĩ về lịch sử, đã xin phép được dịch một vài chương trong luận án tiến sĩ của tôi "Quá trình xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam”. Đọc xong thì vị giáo sư đại học Đài Loan nói: không ngờ sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam rõ ràng đến như thế!
Sau hội thảo này, tôi hy vọng sự thật lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam sẽ phổ biến đến từng người Việt Nam, nhất là giới trẻ tại các trường học, sau đó đến tận các học giả, đến người dân toàn thế giới. Sau hội thảo, chúng ta hy vọng sẽ không còn hiện tượng "thiếu cân sức” về nghiên cứu biển Đông cũng như chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa giữa các bên liên quan. Những công trình nghiên cứu quốc gia đã nghiệm thu sẽ được công bố công khai. Hy vọng những nghiên cứu khoa học ấy sẽ được hỗ trợ dịch ra mọi thứ tiếng. Và tất cả các nhà khoa học, từ lịch sử, địa lý, môi trường, nhất là kinh tế biển, sẽ nhập cuộc, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài. Dĩ nhiên cần phát huy sự đồng thuận, đồng cảm, hỗ trợ từ mọi phía, từ các lực lượng xã hội, các tổ chức nghiên cứu hay các mạnh thường quân, không kể trong hay ngoài nước, sự nghiệp này mới đem lại hiệu quả thực tiễn... Ngay trong hội thảo, người ta thấy một học giả rất trẻ, trưởng thành và học tập nghiên cứu tại một trường đại học nổi tiếng tại nước ngoài, lấy sở học của mình để tiếp cận, giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông một cách khách quan, làm mọi người rất thích thú. Học giả này, và nhiều nhà nghiên cứu khác, cũng nhấn mạnh yêu cầu bức thiết về đồng thuận, đoàn kết dân tộc, để bảo vệ hiệu quả chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.
Đó chính là tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trước những thách thức to lớn về chủ quyền của toàn dân tộc.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học