2. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.2.3. Thực tiễn bồi thường giải phóng mặt bằng ở Việt Nam
Xuất phát từ điều kiện lịch sử của nước ta, quy luật của sự phát triển và yêu cầu của thực tiễn cho nên giải phóng mặt bằng ở nước ta có từ rất sớm. Bản Hiến pháp năm 1959 là văn bản luật đầu tiên đánh dấu cho bước khởi đầu của công tác bồi thường, GPMB.
Trong giai đoạn thời chiến và những năm đầu của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh thì việc “bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” luôn đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trước, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Do vậy mà việc bồi thường cho những người có đất bị trưng dụng, thu hồi không có những quy định cụ thể về định mức bồi thường, quyền lợi mà họ sẽ được hưởng mà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể để đưa ra mức bồi thường một cách tương đối. Bên cạnh đó thì việc quản lý công tác bồi thường cũng rất đơn giản, Nhà nước luôn vận động người dân tự điều chỉnh lại ruộng đất hoặc nhường lại một phần ruộng đất cho những người bị thu hồi đất để họ tiếp tục sản xuất.
Theo quy luật vận động của sự phát triển, mọi mặt về chính trị - kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước thay đổi, tạo ra bộ mặt mới cho đất nước trên trường quốc tế. Công tác giải phóng mặt bằng, lấy địa điểm để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, các dự án vì an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đang là điểm nóng và có nhiều vấn đề nảy sinh khi thực hiện công tác này. Trong bối cảnh mới như vậy, thì các chính sách của nước ta luôn luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư cũng như người chịu ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất. Trên thực tế của việc áp dụng các chính sách về thu hồi, GPMB đã tạo ra những phản ứng không giống nhau về hiệu quả của nó:
Trong những năm qua, chính sách bồi thường GPMB đã đi vào cuộc sống, tạo mặt bằng cho các dự án xây dựng ở Việt Nam, thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo nguồn lực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, phát triển đô thị và đổi mới diện mạo đô thị, nông thôn. Có những dự án thu hồi đất, GPMB thành công đã làm cho đời sống của người dân có đất bị thu hồi tốt hơn trước do họ nhận được khoản tiền bồi thường cao, nhận được sự quan tâm hỗ trợ lớn đểổn định đời sống. Đồng thời, chủ đầu tư cũng nhanh chóng có được mặt bằng để tiến
hành xây dựng, sản xuất, thu hồi vốn nhanh chóng, góp phần phát triển nền kinh tế chung của cả nước và sự tiến bộ xã hội.
Nhưng bên cạnh đó, những chính sách về công tác bồi thường GPMB đã tạo ra không ít những tiêu cực và bất cập. Một điều cho thất rằng việc áp dụng chính sách này đối với đất nông nghiệp ở các vùng nông thôn khi Nhà nước thu hồi đất ít xảy ra tình trạng khiếu kiện, còn đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh đặc biệt ở những đô thị lớn thì vấn đề áp dụng chính sách gây nhiều bất cập. Sự bất cập này thể hiện trên nhiều phương diện [2]:
Qua báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 757 dự án giải tỏa “treo” với tổng diện tích 19.009 ha. Các địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải tỏa “treo” gồm: Bình Thuận 133 dự án, Đồng nai 88 dự án, Quảng Ninh 56 dự án, Vĩnh Phúc 33 dự án, Bắc Ninh 32 dự án, Cao Bằng 35 dự án, Hưng Yên 26 dự án, Quảng Nam 21 dự án, Kiên Giang 30 dự án và An Giang 26 dự án.
Thống kê có 16.924 hộ dân khiếu nại, tố cáo về GPMB, trong đó kết quả đã giải quyết được 12.838 hộ (đạt 75,86%), riêng tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số đơn thư là 13.203 hộ, đã giải quyết được 10.974 hộ (đạt 83,12%). Nhiều địa phương đã tập trung giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo như: Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Long, Tiền Giang đều đạt 100%, Bình Phước 92%, Đăk Nông 82%. Bên cạnh đó cũng có một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân về GPMB như Điện Biên 9,04%, Phú Thọ 12%, Nam Định gần 25%, An Giang 11%, Cà Mau 23%.
Kết quả giải quyết bồi thường, hỗ trợ: cả nước có 192 dự án (25,30%) với tổng diện tích đã giải quyết là 4.339 ha (22,82%). Bên cạnh đó còn có 148 dự án (19,55%) đang làm thủ tục giải quyết với tổng diện tích 1.720 ha.
Kết quả giải quyết những vướng mắc trong công tác TĐC: theo thống kê thì có 61 dự án vướng mắc với tổng số 6.243 hộ dân cần được TĐC, trong đó các địa phương đã tập trung giải quyết TĐC cho 3.661 hộ (58,54%).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua các địa phương đã tiến hành rà soát và có quyết định hủy bỏ 87 dự án đã thu hồi đất với tổng diện tích 1.087 ha, trong đó: Đồng Nai hủy bỏ 10 dự án (373,98 ha), Hưng Yên hủy bỏ 7 dự án (66,64 ha), Hải Phòng hủy bỏ 10 dự án (50,30 ha), Bắc Ninh hủy bỏ 8 dự án (23,56%)...
Tuy nhiên vẫn còn tồn đọng tổng số 433 dự án giải tỏa “treo” với tổng diện tích 12.645 ha chưa có hướng giải quyết...
Nguyên nhân chính của thực tế nhiều bất cập này là: 1/ Công tác quy hoạch sử dụng đất.
Chất lượng của các phương án quy hoạch sử dụng đất thấp, chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, mang nặng tính chủ quan, áp đặt, chạy theo thành tích đã dẫn đến nhiều khu vực quy hoạch đã được công bố là sẽ thu hồi đất nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện.
Có những quy hoạch đúng đắn, phù hợp, cần thiết song lại không có lộ trình thực hiện, không có phân kỳ quy hoạch phù hợp, lại làm một cách nóng vội, ngăn cản việc thực hiện các quyền hợp pháp của người sử dụng đất. Có trường hợp lại do ngân sách hạn hẹp không chủ động giải quyết thực hiện dự án
2/ Phương án bồi thường TĐC
Việc điều tra, khảo sát lập phương án bồi thường GPMB chưa tốt, không sát với thực tế, phải làm đi làm lại, kéo dài thời gian thực hiện. Quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC tại một số dự án chưa thật công khai dân chủ (nhiều trường hợp không lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng phương án bồi thường), trong thành phần của Hội đồng bồi thường GPMB không có sự tham gia của đại diện những người có đất bị thu hồi.
Giá đất bồi thường trong nhiều trường hợp thấp hơn nhiều so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị. Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển sang nghành nghề khác. Tiền bồi thường đất ở thường không đủ để mua lại chỗ ở mới có điều kiện tương tự như chỗ ở cũ. Tại vùng giáp ranh giữa các tỉnh, vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn còn có sự chênh lệch quá lớn về giá bồi thường, hỗ trợ gây khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường GPMB.
Công tác TĐC chưa tốt và thiếu đồng bộ với công tác GPMB, chưa có khu TĐC đã thực hiện thu hồi đất ở. Một số khu TĐC không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng với nơi ở cũ.
Việc chăm lo cho cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất chưa được quan tâm đầy đủ. Nhất là đối với trường hợp đời sống của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào diện tích đất thu hồi, người dân không quan tâm khi đến nơi ở mới.
3/ Công tác tổ chức, quản lý của cơ quan có thẩm quyền và đội ngũ cán bộ chuyên trách.
Việc quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt kém, tình trạng dân tự lấn chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không bị xử lý nên khi triển khai quy hoạch thì chi phí bồi thường vượt quá dự kiến ban đầu, không hợp lý về mặt kinh tế trong đầu tư phương án hoặc không đủ khả năng triển khai quy hoạch.
Chính quyền một số địa phương chưa tổ chức tốt sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường GPMB gồm nhiều thành viên được trung tập từ các ngành khác nhau, thiếu kinh nghiệm, chưa am hiểu sâu chính sách của pháp luật về đất đai, lúng túng trong công việc giải thích chính sách pháp luật cho nhân dân, thậm chí còn làm trái quy định của pháp luật dẫn đến khiếu nại và phải tạm dừng GPMB
Không ít cán bộ hiểu sai hoặc cố tình vận dụng sai chế độ sở hữu về đất đai, viện dẫn quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, dẫn đến áp đặt, tùy tiện coi thường lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhân khi tiến hành công tác bồi thường TĐC.
4/ Người dân có đất bị thu hồi
Người sử dụng đất hoặc do không hiểu pháp luật hoặc do bị kích động hoặc do cố ý chì hoãn để được bồi thường, hỗ trợ thêm nên không chấp hành quyết định thu hồi đất. Thậm chí liên kết khiếu nại đông người cho cơ quan nhà nước.
2.3. TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THU HỒI ĐẤT TỚI ĐỜI SỐNG, MÔI TRƯỜNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN