Những văn bản pháp quy của Nhà nước về đất đai

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của việc thu hồi đất đến đời sồng, môi trường làm việc của người dân huyện kim thành, tỉnh hải dương (Trang 26 - 31)

2. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.2.1. Những văn bản pháp quy của Nhà nước về đất đai

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngay sau đó bản Hiến pháp 1946 đầu tiên ra đời và đã khẳng định: “ Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền

binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” [14]

Năm 1953, Nhà nước ta thực hiện cải cách ruộng đất nhằm phân phối lại ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” và Luật cải cách ruộng đất được ban hành. Thời kỳ này Nhà nước thừa nhận sự tồn tại của 3 hình thức sở hữu đất đai: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Bên cạnh đó Luật cải cách ruộng đất có các quy định về tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất tuỳ từng trường hợp cụ thể [21]. Nhưng thực tế việc trưng thu, trưng thu là chủ yếu còn việc trưng mua ít xảy ra.

Năm 1959 bản Hiến pháp thứ 2 được ban hành và nhiều văn bản khác quy định miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra có 3 hình thức sở hữu về đất đai: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Sự tồn tại của sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân do vậy mà khi thu hồi, lấy đất của tập thể và tư nhân Nhà nước phải thực hiện trưng dụng đất. Điều 20 của Hiến pháp nói rõ: “Khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định.” [15]

Về việc trưng dụng đất, ngày 14/04/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 151-TTg quy định về thể lệ tạm thời về trưng dụng đất. Một trong những nguyên tắc của việc trưng dụng ruộng đất của nhân dân dùng vào việc xác định những công trình do Nhà nước quản lý: “Đảm bảo kịp thời và đủ diện tích cần thiết cho công trình xây dựng, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi và đời sống của người có ruộng. Những người có ruộng đất bị trưng dụng được bồi thường và trong trường hợp cần thiết được giúp giải quyết công việc làm ăn” [23]. Bên cạnh đó Nghị định cũng quy định về việc bồi thường cho người có ruộng đất bị trưng dụng: “Cách bồi thường tốt nhất là vận động nhân dân điều chỉnh hoặc nhường ruộng đất cho những

người có ruộng đất bị trưng dụng để họ có thể tiếp tục sản xuất”. “ Trường hợp không làm được như vậy sẽ bồi thường một số tiền bằng từ 1 đến 4 năm sản lượng thường niên của ruộng đất bị trưng dụng. Mức bồi thường nhiều hay ít phải căn cứ thực tếở mỗi nơi…”.[23]

Ngày 06/07/1959 Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên bộ số 1424/TTLB về việc thi hành Nghị định 151-TTG để làm địa điểm xây dựng các công trình kiến thiết cơ bản với nguyên tắc : “Đảm bảo kịp thời và đủ diện tích cần thiết cho công trình xây dựng, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi và đời sống cho người có ruộng đất. Chỉ được trưng dụng số ruộng đất thật cần thiết, không được trưng dụng thừa. Hết sức tiết kiệm ruộng đất cày cấy, trồng trọt…”. Về bồi thường cho những người có ruộng đất bị trưng dụng thì: “Có hai cách bồi thường: bồi thường bằng ruộng đất, bồi thường bằng tiền. Nhưng bồi thường bằng ruộng đất là tốt nhất và là chủ yếu. Giá bồi thường căn cứ vào sản lượng của ruộng đất đã dùng để tính thuế nông nghiệp…bồi thường chủ yếu nhằm những ruộng đất có sản lượng và hoa lợi…”[1]

Bên cạnh đó còn có các thông tư khác liên quan, cụ thể, chi tiết hơn, phù hợp với tình hình thực tế của những biến động xã hội thời kì này: Thông tư số 47/CP ngày 15/01/1946 do Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành về thể lệ tạm thời về lựa chọn địa điểm công trình và quản lý đất xây dựng. Thông tư số 1792/TTg ngày 11/01/1970 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về bồi thường nhà cửa, đất đai và cây cối lâu năm, hoa màu cho nhân dân xây dựng vùng kinh tế mới.

Năm 1980, Quốc hội đã ban hành bản Hiến pháp thứ 3 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản Hiến pháp lần này đã khẳng định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa…là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân” [16].

Chính vì vậy ngay sau đó, vào ngày 01/07/1980 Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 201/CP về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước: “Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm đảm bảo ruộng đất sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. [12]

Trên tinh thần của Hiến pháp năm 1980 Luật Đất đai năm 1988 được ban hành, tiếp tục khẳng định lại đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Về việc thu hồi đất và bồi thường thiệt hại thì Luật Đất đai 1988 không nêu cụ thể việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, mà chỉ nêu phần nghĩa vụ của người sử dụng đất: “Đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất để giao cho mình bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư đã làm tăng giá trị của đất đó theo quy định của Pháp luật”. [17]

Năm 1992, bản Hiến pháp 1992 được ban hành thay thế chấp cho các bản Hiến pháp trước đây. Điều 17 Hiến pháp quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển thềm lục địa và vùng trời… đều thuộc sở hữu toàn dân”. Điều 23: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia mà Nhà nước trưng mua hay trưng dụng, có bồi thường tài sản của cá nhân hay tổ chức theo giá trị thị trường”. [18]

Năm 1993, Luật Đất đai 1993 được ban hành, thay thế cho Luật Đất đai 1988, dựa trên tinh thần mới của bản Hiến pháp 1992 đã có những đổi mới quan trọng, đặc biệt đối với việc thu hồi đất phục vụ cho công cộng và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai năm 1993 đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992. Điều 12: “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi Nhà nước giao đất

hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi đất. Chính phủ quy định khung giá các loại đất đối với từng vùng và theo từng thời gian”. Điều 27: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích Quốc phòng, An ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”[19]

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29/06/2001 quy định cụ thể hơn về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất đai đang sử dụng của người sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nhà nước có chính sách để ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.

Cùng với mục đích là tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai, tạo nên khung pháp lý chặt chẽ thuận tiện cho việc quản lý và sử dụng đất ở Việt Nam. Ngày 26/11/2003 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI kỳ họp thứ tư đã thông qua Luật Đất đai 2003 và ngày 10/12/2003 lệnh của Chủ tịch nước đã công bố Luật Đất đai quy định việc quản lý và sử dụng đất. Sự ra đời của Luật Đất đai 2003 đã thay thế cho tất cả các Luật Đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung trước đó nhằm phù hợp với tình hình xã hội hiện nay, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, những đòi hỏi mới trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Điều 39 Luật Đất đai 2003 quy định về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc sau khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt…”.[20]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của việc thu hồi đất đến đời sồng, môi trường làm việc của người dân huyện kim thành, tỉnh hải dương (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)