Nội dung kết quả đánh giá

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn ngữ văn của học sinh các trường trung học cơ sở ở quận 8, thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 45 - 47)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1. Nội dung kết quả đánh giá

2.1.1. Những nội dung kiểm tra, đánh giá lâu nay

Như đã nêu, nội dung KTĐG kết quả học tập của học sinh phải đánh giá được mục tiêu dạy học ở cả ba phương diện: kiến thức, kỹ năng, thái độ theo đúng chuẩn kiến thức - kỹ năng của từng môn học, sau mỗi giai đoạn, mỗi khối lớp, mỗi cấp học. Nội dung KTĐG ở môn Ngữ văn phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh.

Nội dung KTĐG ở môn Ngữ văn bậc THCS bao gồm:

- Những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại về Văn học và Tiếng Việt bao gồm: kiến thức về những tác phẩm, đoạn trích văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Kiến thức sơ giản về lịch sử văn học và một số khái niệm lí luận văn học thông dụng, kiến thức về các đơn vị tiêu biểu của tiếng Việt (đặc điểm, quy tắc sử dụng), kiến thức về các loại văn bản (đặc điểm, cách thức tiếp nhận và tạo lập).

- Năng lực sử dụng tiếng Việt thể hiện ở 4 kỹ năng cơ bản (nghe, nói, đọc, viết); năng lực tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ; năng lực tự học và năng lực thực hành, ứng dụng.

- Thái độ, tình cảm yêu tiếng Việt, văn học, văn hoá; tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước; lòng tự hào dân tộc; ý chí tự lập, tự cường; lí tưởng xã hội chủ nghĩa; tinh thần dân chủ, nhân văn; ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế; ý thức tôn trọng, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc và nhân loại.

Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung KTĐG môn Ngữ văn lâu nay thường thiên về kiểm tra khả năng ghi nhớ, nhấn mạnh tái hiện kiến thức, thông hiểu; chưa chú trọng nhiều ở mức vận dụng, khả năng phân tích giải quyết vấn đề hay để phát huy tính tích cực chủ động, tính sáng tạo của học sinh. Cụ thể:

Ở phần nội dung kiểm tra phân môn Văn học, người ta thường bám vào các văn bản được giảng dạy, bám sát nội dung và nghệ thuật cụ thể từng văn bản:

- Đối với văn bản tự sự: đó là cốt truyện, các biến cố, các tình tiết chính của câu chuyện; nhân vật và ý nghĩa; ngôi kể, lời kể, điểm nhìn; các biện pháp tu từ, nghệ thuật sáng tạo, chi tiết hình ảnh; tư tưởng chủ đề, ý nghĩa câu chuyện.

- Đối với văn bản trữ tình: cảm xúc chủ đạo của tác giả, của nhân vật trữ tình; tư tưởng chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm…

- Đối với văn bản nghị luận: luận đề, luận điểm, luận cứ, phép lập luận, giá trị của văn bản về nội dung, nghệ thuật, tính thuyết phục.

- Đối với văn bản thuyết minh: đối tượng, cách thuyết minh (dùng phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm hay nghị luận); giá trị của văn bản...

- Đối với văn bản sân khấu: vị trí, sự biện chứng của đoạn trích trong tác phẩm; các tuyến nhân vật, cách xây dựng xung đột kịch, ý nghĩa.

- Đối với văn bản nhật dụng: tính chất cấp thiết và ý nghĩa của vấn đề đặt trong văn bản, cách tiếp cận vấn đề của tác giả (dùng tự sự, miêu tả, nghị luận hay trữ tình), kiến nghị, bài học nhận thức của người đọc và phương hướng hành động.

Ở phân môn Tiếng Việt, người ta thường kiểm tra các nội dung sau: - Khả năng nhận biết khái niệm kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ, hoạt động giao tiếp.

- Khả năng nhận diện được các đơn vị kiểm tra trong văn bản.

- Khả năng lí giải và phân tích được tại sao lại dùng dấu hiệu ngôn ngữ mà không dùng dấu hiệu ngôn ngữ khác trong cách diễn đạt.

- Khả năng nhìn thấy cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ Tiếng Việt trong quá trình phân tích.

Ở phân môn Làm văn, nội dung kiểm tra thường hướng đến khả năng vận dụng lí thuyết để làm đúng yêu cầu của đề bài, khả năng dựng đoạn văn hoàn chỉnh, khả năng viết bài văn theo bố cục 3 phần, khả năng viết bài văn theo các yêu cầu kiến thức Văn học và Tiếng Việt cho trước.

Nhìn chung, mặc dù khá phong phú về các chủ điểm kiểm tra nhưng việc kiểm tra với những nội dung như trên vẫn thường nặng tính lí thuyết, phạm vi vận dụng được yêu cầu ở mức thấp, thường theo các yêu cầu được in sẵn trong SGK, thiếu sự vận dụng vào thực tiễn cuộc sống… dẫn đến các hình thức kiểm tra đơn điệu, không theo kịp với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay.

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn ngữ văn của học sinh các trường trung học cơ sở ở quận 8, thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w