II. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn xây dựng
1. Đối với Việt Nam
1.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn xây dựng
Ngày nay công nghệ thông tin (CNTT) được xem là một trong những mũi nhọn kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Vì tính chính xác và hiệu quả cao, nó được coi là đòn bẩy để phát triển tất cả các lĩnh vực từ quản lý xã hội, khoa học công nghệ cho đến các ngành kinh tế quốc dân. Mấy năm gần đây, CNTT ngày càng đóng góp nhiều vào công tác tư vấn xây dựng. Xu thế phát triển CNT trong tư vấn xây dựng trên thế giới hiện nay rất mạnh mẽ, ví dụ như:
• “Cung cấp giải pháp tổng thể trong một gói sản phẩm với các tính năng được chia nhỏ tới đơn vị nguyên nhỏ nhất có thể; Chuẩn hóa về giao thức xử lý và trao đổi dữ liệu để việc tích hợp các tính năng được dễ dàng. Phần mềm trong lĩnh vực xây dựng đã và đang phát triển theo hướng tích hợp thành giải pháp tổng thể cho từng lĩnh vực cụ thể.
• Phát triển theo hướng Web, dùng giao diện chuẩn của Internet để cung cấp các dịch vụ khai thác dữ liệu trực tuyến. Phát triển các hệ thống hệ chuyên gia (Expert Systems), và mô phỏng (Simulation), và trợ giúp quyết định với các máy CSDL và các trình phần mềm có tính thông minh nhân tạo.”1
1 Tạp chí xây dựng 10/2001 - Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn xây dựng - Bích Thuỷ
Những năm qua, các tổ chức tư vấn xây dựng Việt Nam đã một phần đầu tư đáng kể cho CNTT và sử dụng nó với mức độ khác nhau song việc ứng dụng này vẫn còn rất nhiều hạn chế. Để CNTT có thể thực sự đi vào cuộc sống của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tư vấn xây dựng nói riêng, thì trước hết phải coi việc ứng dụng CNTT như một phần chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả chất lượng tư vấn xây dựng. Các quyết sách để phát triển CNTT phải mang tính dài hạn, tạo ra một hành lang pháp luật an toàn và thị trường cạnh tranh lành mạnh, làm cơ sở nền tảng cho các doanh nghiệp tư vấn xây dựng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, nhân lực để xây dựng các phần mềm ứng dụng hiệu quả.
Các sản phẩm phần mềm phải mang tính thực tiễn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp tư vấn. Việc ứng dụng phải đồng bộ, thống nhất để việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị tư vấn được dễ dàng. Một thực tế là mặc dù các công ty tin học hàng đầu có đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi về tin học cũng không thể giải quyết được hết các vấn đề phức tạp, đa dạng nảy sinh trong quá trình tư vấn xây dựng. Vì vậy nên có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp tư vấn sử dụng công nghệ thông tin và các công ty tin học trong việc xây dựng các phần mềm ứng dụng và cần có sự quản lý chất lượng phần mềm trong nước cũng như nhập ngoại. Cần phải phát triển công nghệ phần mềm phục vụ cho công tác tư vấn về thiết kế, khảo sát… đồng thời phải lựa chọn nhập những phần mềm cần thiết đi đôi với đầu tư phát triển, hoàn thiện đội ngũ xây dựng phần mềm trong nước. Sau đây là một vài nhóm phần mềm phục vụ tư vấn xây dựng mà các công ty tư vấn nên sử dụng:
• “Nhóm các sản phẩm phục vụ công việc khảo sát xây dựng: Phần mềm Eagle Point với các môdul Surface Modelling, Site Design…vv đã được việt hoá cho phép xử lý các số liệu khảo sát địa hình từ các số liệu đo đạc địa hình và thiết lập bản đồ địa hình. Phần mềm này còn cho phép thiết lập đường đồng mức, ghi chú cao độ, thiết kế tổng bình đồ, mô phỏng mặt đất tự nhiên, tính toán sàn nền… Tất cả phục vụ cho công việc tư vấn thiết kế
• Nhóm sản phẩm phục vụ cho thiết kế quy hoạch: Gồm các sản phẩm DolVector, LandCADD. Sản phẩm DolVector là sản phẩm của Việt Nam có giao diện tiếng Việt hỗ trợ việc chuyển đổi các tập tin dạng ảnh sang dạng vector phục vụ cho việc thiết lập các bản đồ nền, bản vẽ gốc.
• Nhóm sản phẩm phục vụ thiết kế - kiến trúc: Sản phẩm Archicad 6.0. Đây là phần mềm của hãng GraphicSolf phục vụ thiết kế kiến trúc từ khâu thiết lập mô hình, vẽ mặt bằng, dựng mặt cắt cho đến tính toán chất lượng xây dựng (tiên lượng)…
• Ngoài ra còn có nhóm sản phẩm phục vụ thiết kế công trình, thẩm định, và các nhóm sản phẩm của nước ngoài như STAAD III (Mỹ), SAP90, SAP 2000…”1Các sản phẩm này đều rất có giá trị trong việc thực hiện hoạt động tư vấn hiệu quả và chất lượng.
Mặt khác, đối với một tổ chức tư vấn, CNTT đòi hỏi ở phạm vi rất rộng và đa dạng bao gồm cả phần cứng và phần mềm về quản lý, kiến thức chuyên môn, khai thác dữ liệu… Chính vì vậy mà Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin bằng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Muốn trang bị đồng bộ và phát huy hết hiệu quả của các thiết bị tin học cũng cần có sự tư vấn của các đơn vị “Tư vấn công nghệ thông tin”, song các tổ chức này ở nước ta còn thiếu. Để có thể nâng cao chất lượng tư vấn xây dựng trong nước một trong những giải pháp đó là phát triển các tổ chức tư vấn về công nghệ thông tin.
Song song với việc đầu tư trang thiết bị, yếu tố con người cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp phải tự xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực của mình cho phù hợp với sự phát triển của CNTT và khoa học công nghệ. Cần phổ biến kiến thức tin học cho các kỹ sư và cán bộ công nhân viên sao cho tất cả các kỹ sư tư vấn, chuyên gia tư vấn phải biết sử dụng thành thạo những phần mềm phục vụ công việc chuyên môn của mình. Hiệp hội tư vấn xây dựng Vecas và các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức các lớp tập huấn CNTT chuyên ngành để tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên nâng cao trình độ, tiếp cận, khai thác có hiệu quả các thành tựu CNTT cũng nhu ứng dụng chúng trong công tác tư vấn xây dựng.
Trong ngành xây dựng các doanh nghiệp tư vấn xây dựng là những người đi đầu trong công tác ứng dụng CNTT. Nó đã trở thành công cụ đắc lực giúp cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của CNTT nhằm tăng khả năng của các công ty tư vấn xây dựng trong thị trường trong nước đồng thời tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế thì không chỉ cần sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chức năng.