2. Tổng kết và nhận định
2.3.2 Những đe dọa lên môi trường từ bên ngoà
Hai mối đe doạ từ bên ngoài đối với môi trường của châu thổ đồng bằng Cửu Long là sự xáo trộn (với mức độ ngày càng gia tăng) môi trường thiên nhiên ở phần thượng nguồn của lưu vực sông Cửu Long, và biến đổi khí hậu toàn cầu cùng dự đoán mực nước biển dâng cao.
Từ đầu thập niên 1990’s, sức ép áp đặt lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đột ngột gia tăng do sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong vùng, thúc đẩy bởi những thay đổi về mặt chánh trị và nhiều nguồn vốn được đổ vào dưới dạng viện trợ, đầu tư của các nước ngoài và các dịch vụ thương mại (Hirsch, 2000). Sự thành hình của nền kinh tế khu vực và gia nhập của các nước trong vùng vào tổ chức thương mại toàn cầu, báo trước một kỷ nguyên chưa từng có, với những dự án phát triển hạ tầng có tầm vóc rộng lớn trong lưu vực sông Cửu Long. Một số đập nước và các chương trình chuyển dòng nước (gồm những kế hoạch trong lưu vực của từng quốc gia) để sản xuất điện lực, dùng trong thuỷ lợi và cung cấp nước sinh hoạt cho những vùng đô thị và công nghệ, đã được xây và đem vào sử dụng hay trong dự tính, chủ yếu là những vùng ở đầu dòng sông Cửu Long nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (Vân Nam), Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Trong khi đó, phòng trào lấy gỗ xuất khẩu khiến rừng bị phá huỷ trên một phạm vi rộng lớn của lưu vực. Mặc dù những dữ kiện thu thập không được đầy đủ, ảnh hưởng dồn dập của rất nhiều kế hoạch to lớn chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn nước lưu thông và phù sa vận chuyển trong lưu vực. Các đập thuỷ điện không chỉ làm giảm lưu lượng nước chảy xuống vùng châu thổ, nhưng có tác động ngăn chận phù sa vận chuyển từ thượng nguồn xuống lưu vực hạ nguồn. Hầu hết các đập thuỷ điện đều được dự định xây ở thượng nguồn của lưu vực, nơi, một cách ngẫu nhiên, gần như toàn khối lượng phù sa xuất phát; đây là điều không may cho cả môi trường lẫn viễn tượng của các dự án; những đập thuỷ điện làm giảm khối lượng phù sa vận chuyển xuống hạ nguồn, đồng thời làm giảm tuổi thọ tối đa của các đập vì phù sa bị giữ lại bên trong vách đập và nhanh chóng làm cạn hồ chứa. Đập thuỷ điện có ảnh hưởng nhiều nhứt đối với phần phù sa thô, to hạt có khối lượng nặng nên dễ bị giữ lại. Đáp lại những chỉ trích về ảnh hưởng bất lợi đối với môi trương gây ra bởi các đập thuỷ điện, Trung Quốc cho rằng xây những đập thuỷ điện trên thượng nguồn giúp làm giảm bớt ngập lụt vùng châu thổ vào mùa mưa (KOWACO, 2000). Ảnh hưởng của phá rừng trong lưu vực sông Cửu Long làm gia tăng lưu lượng của dòng sông vào mùa mưa, vì nước mưa không được đất giữ lại, nhưng giảm vào mùa khô do khối lượng nước ngầm cung cấp bị giảm thiểu. Độ chảy và khối nước gia tăng vào mùa mưa khiến mực nước dòng sông dâng cao nhanh chóng ở đầu mùa lụt và gây nên nhiều trận lụt “chớp nhoáng”. Những trận lụt như thế thường gây ra nhiều thiệt hại vì không thể cảnh báo đồng bào địa phương kịp thời.
Thành phần của khí quyển thay đổi do gia tăng khối lượng khí nhà kiến, sẽ làm biến đổi khí hậu trong những thập niên sắp tới. Không chỉ có sư thay đổi về nhiệt độ trung bình và lượng mưa, nhưng ngay cả khí hậu của từng mùa, cũng có thể thay đổi cùng biên độ và chu kỳ thiên tai. Dưới ảnh hưởng của quả địa cầu bị hâm nóng, thể tích nước bị giãn nở, các tảng băng ở địa cực và vùng núi cao bị tan dần làm cho mặt nước biển dâng cao thêm khoảng 1m trong thế kỷ XXI (IPCC,1995). Trong hệ thống các châu thổ, như châu thổ Cửu Long, thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây nên những tác động cho khu vực thượng và hạ nguồn. Thay đổi khuynh hướng của khí hậu trong vùng sẽ ảnh hưởng đến thể thức vận chuyển nguồn nước vì những đặc tính của mưa trong lưu vực bị thay đổi (bao gồm tổng số lượng mưa hàng năm, mùa mưa, cường độ và thay đổi tùy năm). Mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến toàn thể châu thổ đồng bằng, vì mặt đất thấp. Vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, bờ biển bi thụt lùi, khiến cho các khu rừng đước và hệ sinh thái của vùng nước lợ lùi vào hướng đất liền. Bờ biển sẽ thụt lùi rất nhanh nếu chất trầm tích vận chuyển đến vùng ven biển bị giảm đi do:
khối lượng phù sa cung cấp từ thượng nguồn trở nên ít đi và/hay
thay đổi cách thức vận chuyển phù sa trong châu thổ gây nên bởi những kế hoạch phát triển nông nghiệp và
biến đổi khí hậu trong vùng làm gia tăng cường độ và tính thường xuyên của bảo biển và sóng cao.
31
Phản ứng chính xác của hệ thống rừng đước do mực nước biển dâng cao tùy thuộc vào tốc dộ dâng cao của mặt biển và tốc độ cung cấp chất phù sa cho mặt đất ở ven biển (Hinh 8); nếu mực nước biển dâng cao chậm hơn tốc độ cung cấp phù sa, loài đước có thể tránh khỏi di trú vào phía đất liền nhờ mặt đất được bồi lấp (Hình 8a). Những suy đoán tương tự có thể áp dụng vào những phần khác của châu thổ đồng bằng; nếu tốc độ lắng đọng cao sẽ giúp mặt bằng được bồi lấp, điều này sẽ giúp châu thổ chạy theo kịp với đà mực nước biển dâng cao, nhưng ngược lại, nếu tốc độ lắng đọng phù sa thấp, nhiều phần của châu thổ sẽ bị nhận chìm dưới nước biển. Những ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao sẽ lan tràn vào phần đất liền dưới hình thức lụt lội gia tăng trong mùa mưa (thời gian, phạm vi và chiều sâu), gia tăng phạm vi nước mặn xâm nhập trong mùa khô khiến mực nước ngầm trong châu thổ dâng cao; điều sau này biến những đầm đã được tháo khô thành ao hồ.
Đối với các dòng sông chánh trong châu thổ, nước biển dâng cao sẽ kích động lắng đọng dưới dạng lòng sông bị cạn đi và từ đó có nhiều dãy đất ngầm. Hậu quả là dòng sông trở nên bất ổn, dễ chuyển dòng nếu có lụt to, nếu nhịp độ làm cạn lòng sông cao hơn tốc độ bồi lấp mặt bằng của châu thổ; trong khi có nhiều dãy đất ngầm sẽ làm dòng sông có thêm nhiều nhánh sông nhỏ và bờ sông bị sạt lở.
Hình 8. Một vài phản ứng có thể của hệ thống rừng đước trước hiện tượng nước biển dâng cao