2. Tổng kết và nhận định
2.1.2 Môi trường phân mảnh
Theo nhiều cách khác nhau, thay đổi trục vận chuyển chất liệu trong châu thổ đồng Cửu Long làm cho hệ lý sinh học của môi trường bị phân mảnh. Thông thường trong điều kiện thiên nhiên, những môi trường lý sinh học khác biệt, cách nhau bởi những ranh giới sinh học, phát triển theo mức độ tăng dần, phản ảnh độ dốc của những tiêu chuẩn thiên nhiên như độ muối, tốc độ lắng đọng và năng lượng của dòng sông. Những biến đổi về cấu trúc, như đê và cửa đập thuỷ lợi, đã biến những ranh giới sinh học, thành những ranh giới cơ học, với độ dốc thẳng đứng đột ngột, khiến những vận chuyển chất liệu trong châu thổ bị đình trệ. Thí dụ, bố trí các cửa đập thuỷ lợi ngăn nước mặn ở những vùng dọc theo bờ biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long để gia tăng diện tích trồng lúa, thực sự đã loại bỏ môi trường chuyễn tiếp nước lợ và ngăn chận sinh vật, chất dinh dưỡng, chất trầm tích và các chất liệu khác được hoán chuyển tự do giữa hai môi trường nước mặn và ngọt.
Biến đổi dốc dộ sinh học thiên nhiên sang những ranh giới cơ học thường dẫn đến tình trạng thái quá ở một bên và rỗng không ở phía đối diện: các chất trầm tích và dinh dưỡng, thường được bồi lắng hay phân phối theo dạng khuyếch tán rộng rãi, bị giới hạn ở một bên của ranh giới, và vì thế được tồn trữ ở mức độ cao hơn trước. Trường hợp này gây hao tốn để bảo trì các cửa đập bị lấp nghẽn do lắng đọng và đường nước trong kinh rạch bị cỏ dại mọc phủ lối (do dòng nước có nhiều dinh dưỡng).
26
Những ranh giới cơ học làm huỷ diệt môi sinh. Đây là những chướng ngại vật cho di chuyển vì sinh vật thường sống trong cả hai môi trường của phần bên này và bên kia ranh giới. Một thí dụ rất thông thường trên toàn thể châu thổ như các cấu trúc trị thuỷ, đê, bờ đất, giới hạn cá di trú từ các sông chánh vào các đầm lầy. Bên cạnh những thay đổi về tính đa dạng của các sinh vật và tính lành mạnh của hệ sinh thái, những ranh giới cơ học còn gây ra những hậu quả tiêu cực lên sinh sản và tăng trưởng của các loài cá và đời sống kinh tế của người dân nông thôn. Thứ đến, những môi trường chuyển tiếp tạo ra bởi dốc độ sinh học tự nhiên, như vùng nước lợ, hoàn toàn bị huỷ diệt; điều này dẫn đến tình trạng diệt chủng của những sinh vật vốn dỉ chỉ sống trong vùng nước lợ. Đây là trường hợp các cây dừa nước chết toàn bộ, dọc theo các kinh đào bố trí với các cửa đập ngăn mặn. Sau cùng những ranh giới cơ học này làm giới hạn vận chuyển các chất liệu, một “đầu vào” trọng yếu cho hệ sinh thái, giữa môi trường của hai phía; những cấu trúc kiểm soát nguồn nước làm giảm sự vận chuyển của than bùn từ các đầm lầy hay vùng rừng đước đến các sông chánh và biển; than bùn hữu cơ là “đầu vào” rất quan trọng về mặt năng lượng cho hệ sinh thái, cho nên những thay đổi này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không lường.
Một quan ngại khác về môi trường do những ảnh hưởng của sư thay thế dốc độ sinh học thiên nhiên bằng những ranh giới cơ học là những bất ổn của môi trường: trong nhiều trường hợp, ranh giới (cửa đập) của môi trường có thể đột nhiên biến mất: các cửa đập, khi mở ra, luồng ước ngọt sẽ phủ (như lông chim) lên vùng nước mặn hay/hoặc nước mặn sẽ phọt ( như mũi tên) vào vùng nước ngọt ( Wolanski et al., 1996).Trong điều kiện thiên nhiên, nước mặn và ngọt giao tiếp nhau trên môt vùng chuyển tiếp rộng rãi và độ mặn thay đổi dần dần. Những ảnh hưởng về môi sinh sẽ trầm trọng hơn trong trường hợp những cửa đập phân chia vùng nước chứa acid do rửa đất xả phèn và vùng nước không bị acid hóa.
Hơn nữa, những thay đổi về các điều kiện môi sinh, như độ mặn, thường có tính cách định kỳ hay theo mùa, gây nên bởi những thay đổi của lưu lượng dòng sông và chế độ của thuỷ triều. Trong khi đó, những thay đổi về các điều kiên môi sinh gây nên bởi mở cửa đập bị khống chế bởi nhu cầu của con người và không cần thiết phải trùng hợp với những định kỳ thiên nhiên. Một cách tổng quát, ở đây có những thay đổi về thời điểm, chu kỳ và biên độ của những xáo trộn về môi sinh.
Những điều kiện bất thường như thế đối với hệ môi sinh chắc chắn sẽ làm giảm tính sinh thái đa dạng và chỉ những sinh vật có khả năng thích ứng cao, tồn tại mà thôi. Những loại sinh vật khác, nếu không bị tiêu diệt, sẽ gánh chịu những sức ép nặng nề của môi trường. Kinh nghiệm từ những vùng đất acid phèn ASS ở vùng phía đông Úc châu cho thấy những điều kiện sinh học nêu trên làm cho hệ sinh thái bị mở ngỏ cho những loại sinh vật độc hại xâm nhập, tạo nên mối đe doạ cho hê sinh thái và những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế. Ở dây, loài sen phi châu( Nymphaea caerulea var..
zanzibarensis) mọc tràn ngập các cửa sông nhiễm acid và dòng nước có dư thừa các chất hữu cơ; điều này không những gây tốn kém để bảo trì kinh rạch, nhưng đồng thời còn làm giảm phẫm chất của dòng nước (Sammut et al., 1996).