* Kinh nghiệm của Hà Tĩnh: Về xây dựng các mô hình, chỉ đạo điểm ở cấp xã để rút kinh nghiệm triển khai cho các huyện và toàn tỉnh.
Từ nhận thức; nguyên nhân cụ thể về đói nghèo của từng hộ, từng xã, từng vùng rất đa dạng, nên những biện pháp cụ thể về XĐGN cho từng hộ, từng xã cũng khác nhau. Trên cơ sở phân loại theo vùng sinh thái, các giải pháp XĐGN phải được triển khai làm thí điểm, xây dựng mô hình để rút ra bài học, cách làm để nhân rộng. Để nghiên cứu các giải pháp XĐGN, Hà Tỉnh đã phân chia và đi sâu nghiên cứu đặc điểm của từng vùng sinh thái
khác nhau. Chẳng hạn, huyện Thạch Hà chỉ có 44 ngàn ha đất tự nhiên nhưng được chia làm 5 vùng kinh tế-sinh thái rất rõ rệt.
- Các xã vùng 1 (vùng biển bãi ngang): Có 10 xã thì 5 xã nghèo, đông dân nhưng ít đất, hầu như không có công trình thủy lợi.
- Các xã vùng Bắc Hà: Thủy lợi khó khăn, đất đai khô cằn, ngành nghề, dịch vụ chưa phát triển.
- Các xã vùng cửa biển: Tuy không có công trình thủy lợi, dân đông, đất cát, đất bạc màu nhưng làm nghề biển và phát triển được các ngành nghề dịch vụ nên kinh tế và mức sống khá hơn hai vùng đã nêu trên.
- Các xã vùng núi phía Tây huyện: Đất nông nghiệp nhiều nhưng là những xã mới hình thành nên thiếu thốn về kết cấu hạ tầng KT-XH. Tỷ lệ nghèo cao, có 02 xã tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm trên 40% số hộ.
- Các xã vùng trung tâm huyện: Có truyền thống thâm canh lúa nước, thuận tiện về giao thông, thủy lợi nhưng bình quân đất nông nghiệp cho một nhân khẩu thấp lại độc canh nên cũng gặp không ít khó khăn trong XĐGN.
Qua việc nghiên cứu nghèo đói ở những vùng sinh thái khác nhau, Hà tỉnh nhận ra rằng: Nghèo đói vừa có điểm chung, vừa có tính đặc thù riêng của từng địa bàn cụ thể. Do vậy, trong chỉ đạo phải sâu sát, vận dụng cơ chế chính sách chung và điều kiện cụ thể một cách năng động. Từ nhận thức đó, các huyện đều có chỉ đạo điểm hoặc xây dựng các mô hình điểm.
Một điển hình tiêu biểu là xã Kỳ Thọ (Kỳ Anh) đã xây dựng được mô hình tốt về XĐGN. Xã Kỳ Thọ là xã thuần nông nhưng đất đai bị nhiễm mặn nên đời sống nhân dân rất khó khăn. Đến năm 1997 vẫn còn 43% số hộ trong xã thuộc diện hộ nghèo. Trước hết, xã tập trung đầu tư nâng cấp những điều kiện sản xuất chung, tạo môi trường thuận lợi cho các hộ: Xây dựng đê ngăn mặn, xây dựng trạm biến thế điện 200 KVA, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi, làm đường trục chính... Đồng thời, các cấp chính quyền và đoàn thể quần chúng đi sâu nắm rõ hoàn cảnh cụ thể từng hộ-nhất là hộ nghèo đói. Hình thành tổ chức chỉ đạo XĐGN trên cơ sở lồng ghép các chương trình đầu tư và kết hợp sức mạnh của cả cộng đồng v.v.. Nhờ đó, chỉ trong 2 năm (1997-1999) lương thực bình quân đầu người từ 408 kg lên 477 kg, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43 % xuống còn 22,2%, số hộ khá, hộ
giàu từ 129 hộ tăng lên 242 hộ v.v.. Mô hình Kỳ Thọ đã có tác dụng tích cực đối với một số xã trong vùng, trong huyện và có tác dụng tích cực trong phạm vi cả tỉnh.