II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 1 Khái niệm chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
a. Chức năng bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Đây là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền của quốc gia, bảo đảm sự ổn định cho quốc gia. Để thực hiện chức năng này các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều tập trung xây dựng một quân đội chính quy hiện đại có đủ khả năng đối phó với các mưu đồ can thiệp bằng vũ trang từ bên ngoài vào các nhà nước.
Nhà nước Việt Nam, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ tổ quốc, bên cạnh việc xây dựng quân đội chính quy, từng bước hiện đại, có khả năng
chiến đấu cao còn xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, thực hiện chính sách giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương - quân đội.
b. Chức năng củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Mục đích của chức năng này nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần vào việc thiết lập một thế giới dân chủ và tiến bộ.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xu hướng quốc tế hoá nền kinh tế thế giới, hoạt động đối ngoại của nhà nước ngày càng trở nên đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Hiện nay nhà nước ta thực hiện chính sách mở cửa, quan hệ với tất cả các nước, mở rộng quan hệ và hợp tác kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học và kỹ thuật theo các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Hiện nay Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Trên các diễn đàn quốc tế và khu vực Nhà nước ta luôn tỏ rõ thiện chí và nỗ lực nhằm góp phần xây dựng một thế giới ổn định, hòa bình, phát triển. Do vậy, vị trí và ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày những hiểu biết về hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa. 2. Phân tích chức năng đối nội của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
CHƯƠNG VIII
BỘ MÁY NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
I. KHÁI NIỆM BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ CƠ QUAN NHÀ
NƯỚC
1. Khái niệm bộ máy nhà nước
Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương, được tổ chức và hoạt động dựa trên những nguyên tắc chung nhất định tạo thành một cơ chế đồng bộ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.
Xuất phát từ bản chất của mình, bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm sau đây:
- Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm sự thống nhất, tập trung quyền lực. Tính thống nhất quyền lực xuất phát từ nguồn gốc quyền lực thuộc về nhân dân. Trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa không có sự phân chia quyền lực nhưng có sự phân công các nhánh quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách hợp lý cho các hệ thống cơ quan tương ứng, bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất quyền lực nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, trong đó hình thức dân chủ đại diện thông qua hoạt động của các cơ quan dân cử là hình thức quan trọng nhất. Các cơ quan nhà nước khác đều bắt nguồn từ hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và phải chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước cơ quan quyền lực nhà nước.
- Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa có chức năng thống nhất quản lý mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện chức năng này nhà nước thiết lập các hệ thống cơ quan tương ứng, bao gồm: các cơ quan cưỡng chế, các cơ quan quản lý kinh tế, các cơ quan quản lý các lĩnh vực khác của đời sống xã hội...
- Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm giữ các quyền lực: kinh tế, chính trị và tinh thần.
+ Về quyền lực kinh tế, nhà nước xã hội chủ nghĩa là chủ thể của những cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất quan trọng nhất của quốc gia: đất đai, rừng núi, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên... Ngoài ra, nhà nước xã hội chủ nghĩa còn là chủ sở hữu của những tư liệu sản xuất quan trọng khác được quy định trong pháp luật như: bưu chính - viễn thông, các trung tâm công nghiệp, điện lực, tài chính... của quốc gia.
+ Về quyền lực chính trị, nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như các kiểu nhà nước khác là trung tâm của hệ thống chính trị. Với đặc trưng tiêu biểu là chủ thể duy nhất nắm giữ quyền lực công cộng đặc biệt và là chủ thể
của chủ quyền quốc gia, nhà nước xã hội chủ nghĩa giữ vai trò là quyền lực chính trị trung tâm.
+ Về quyền lực tinh thần, nhà nước xã hội chủ nghĩa xây dựng hệ tư tưởng thống soái là hệ tư tưởng Mác - Lênin. Ơ Việt Nam ta bên cạnh hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong việc xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất, là nhân tố bảo đảm động viên sức mạnh toàn Đảng, toàn dân chung sức xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.