CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Tai lieu tham khao moi 123 (Trang 185 - 188)

Cơ chế điều chỉnh pháp luật là hệ thống thống nhất các phương tiện pháp luật, nhờ đó mà thực hiện được sự điều chỉnh có kết quả các quan hệ xã hội phù hợp với các mục đích của xã hội.

Hệ thống các phương tiện pháp lý mà thông qua đó pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội bao gồm: Các quy phạm pháp luật, các văn bản cá biệt, các quan hệ pháp luật, các hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý.

1. Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhiệm vụ của quy phạm pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là:

- Xác định những tổ chức, cá nhân (gọi chung là chủ thể) chịu sự tác động của quy phạm pháp luật;

- Xác định những hoàn cảnh, điều kiện mà trong đó các chủ thể cần phải chỉ đạo hành vi của mình theo quy định của nhà nước;

- Nêu cách xử sự bằng cách chỉ ra các quyền, nghĩa vụ của chủ thể.

2. Văn bản áp dụng pháp luật

Trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, văn bản cá biệt có vai trò cụ thể hoá những quy tắc xử sự chung thành những quy tắc xử sự cụ thể cho những chủ thể xác định, ghi nhận quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Các quyền và nghĩa vụ mà văn bản cá biệt đưa ra cho các chủ thể cụ thể không thể khác biệt về nội dung so với những quy định trong quy phạm pháp luật.

Văn bản áp dụng pháp luật có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh pháp luật ở hai giai đoạn khác nhau.

- Giai đoạn đầu để cá biệt hoá quy tắc xử sự chung thành quy tắc xử sự cá biệt khi quy phạm pháp luật quy định (đòi hỏi) là sự cá biệt hoá các quyền và nghĩa vụ đó phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (những người có trách nhiệm, quyền hạn) tiến hành chứ không phải do những chủ thể tham gia quan hệ xã hội đó tiến hành.

- Giai đoạn sau nó được dùng để cá biệt hoá các biện pháp tác động của nhà nước mà bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đã quy định đối với các chủ thể pháp luật.

Tuy nhiên, cần chú ý là trong một số trường hợp, sự cá biệt hoá các quyền và nghĩa vụ pháp lý không nhất thiết phải thực hiện bằng văn bản cá biệt, ví dụ: một số quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể chỉ phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi trong thực tế cuộc sống xuất hiện những điều kiện, hoàn cảnh, sự kiện cụ thể mà chúng đã được nêu ra trong các quy phạm pháp luật (đó là sự kiện pháp lý). Sự kiện pháp lý trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là chiếc cầu nối giữa ý chí nhà nước (thể hiện trong quy phạm pháp luật ) và quan hệ xã hội.

3. Quan hệ pháp luật

Dùng quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội đã làm cho quan hệ xã hội mang tính chất pháp lý, nghĩa là tạo ra cho các bên tham gia quan hệ xã hội đó có các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Quan hệ pháp luật là một yếu tố cần thiếtcủa cơ chế điều chỉnh pháp luật, nhờ đó mà quy phạm pháp luật được thực hiện trong cuộc sống. Quan hệ pháp luật phát sinh với nội dung là quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ thể cụ thể đã có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, để cho quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện phải thông qua hành vi thực tế thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể pháp luật. Như vậy, bằng hành vi thực tế của mình các chủ thể pháp luật đã làm cho các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống hiện thực.

4. Ý thức pháp luật

Ý thức pháp luật tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật. Nó là cơ sở tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình điều chỉnh pháp luật để việc điều chỉnh pháp luật được tiến hành đúng đắn, có cơ sở khoa học và đạt hiệu quả cao.

5. Pháp chế

Pháp chế là một nguyên tắc cơ bản của quá trình điều chỉnh pháp luật. Nó đòi hỏi mọi hoạt động điều chỉnh pháp luật phải phù hợp với pháp luật. Chỉ quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa mới xoá bỏ được sự quản lý dựa trên ý chí chủ quan, tuỳ tiện, xoá bỏ được sự quản lý tuỳ thuộc vào các tình tiết ngẫu nhiên, vào tâm trạng và tính cách của nhà quản lý, làm cho các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật có thể liên kết được trong một thể thống nhất, hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ nhằm đạt được các mục đích đặt ra.

Tóm lại, cơ chế điều chỉnh pháp luật là một hệ thống phức tạp các phương tiện, quy trình pháp lý ràng buộc lẫn nhau và ảnh hưởng qua lại với nhau. Chính vì thế, hiệu quả điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào tất cả mọi yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật chứ không riêng gì một yếu tố nào,

nếu trong quá trình điều chỉnh pháp luật, một yếu tố nào đó không được đảm bảo sẽ dẫn đến nguy cơ mục đích điều chỉnh pháp luật sẽ không đạt được.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Khái niệm điều chỉnh pháp luật?

2. Yếu tố quy định mức độ và phạm vi điều chỉnh pháp luật? 3. Quá trình điều chỉnh pháp luật?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

2. Giáo trình lý luận nàh nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Tư pháp, Hà Nội - 2007.

3. Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, NXB lý luận chính trị, Hà Nội - 2004.

4. Vũ Hồng Anh, Tổ chức và hoạt động của nghị viện một số nước trên thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2001.

5. Nguyễn Đăng Dung, Nhà nước và trách nhiệm của nhà nước, NXB Tư pháp, Hà Nội - 2006.

6. Montesquieu, Tinh thần pháp luật, người dịch - Hoàng Thanh Đạm, NXB Giáo dục, Hà Nội -1996.

7. Lê Minh Tâm, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Công an nhân dân, Hà Nội - 2003.

8. Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992.

Một phần của tài liệu Tai lieu tham khao moi 123 (Trang 185 - 188)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(188 trang)
w