ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT 1 Khái niệm điều chỉnh pháp luật

Một phần của tài liệu Tai lieu tham khao moi 123 (Trang 182 - 185)

1. Khái niệm điều chỉnh pháp luật

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự nhằm điều chỉnh các quan hệ

xã hội khách quan. Điều này có nghĩa là pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội bằng cách ghi nhận, củng cố, bảo vệ chúng, cũng như tạo khả năng, điều kiện, khuôn khổ cho những quan hệ xã hội phát sinh, phát triển phù hợp với dự kiến của các nhà làm luật.

Pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội theo 2 hướng: Thứ nhất, đối với những quan hệ xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển theo hướng tiến bộ của xã hội thì pháp luật bảo vệ và định hướng cho sự phát triển của chúng. Thứ hai, đối với những quan hệ mâu thuẫn với yêu cầu khách quan của xã hội và lợi ích của nhân dân thì pháp luật tạo ra những biện pháp ngăn cản, hạn chế sự phát triển của chúng.

Pháp luật không thể trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt sự tồn tại của các quan hệ xã hội bởi các quan hệ xã hội tồn tại một cách khách quan. Pháp luật chỉ có thể đưa các quan hệ xã hội vào trật tự, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Pháp luật hướng tới những quan hệ xã hội bằng các hình thức: tác động có tính tư tưởng, giáo dục mang đến cho con người thông tin và nâng cao ý thức của họ đối với pháp luật và điều chỉnh có tính quy phạm và tính bắt buộc chung.

Như vậy, cần phân biệt khái niệm tác động pháp luật và điều chỉnh pháp luật. Điều chỉnh pháp luật cũng là sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội, nhưng khác với khái niệm tác động pháp luật theo nghĩa rộng, điều chỉnh pháp luật là việc dùng pháp luật với tính cách là yếu tố có tính quy phạm và tính bắt buộc chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Có thể nói, điều chỉnh pháp luật là tác động pháp luật hiểu theo nghĩa hẹp.

Sự điều chỉnh pháp luật có những đặc điểm sau đây:

- Điều chỉnh pháp luật là một trong những loại hình của điều chỉnh xã hội;

- Điều chỉnh pháp luật là điều chỉnh có tính định hướng, tính tổ chức và tính hiệu quả;

- Điều chỉnh pháp luật là sự điều chỉnh được thực hiện thông qua một hệ thống các phương tiện pháp lý cơ bản, đặc thù: quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật mang tính cá biệt, cụ thể, quan hệ pháp luật, hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý.

Tóm lại, điều chỉnh pháp luật được hiểu là việc Nhà nước dựa vào

pháp luật, sử dụng một loạt các phương tiện pháp lý đặc thù (quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật, quan hệ pháp luật, hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý) để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động đến quan hệ xã hội theo phương hướng nhất định.

2. Đối tượng và phương pháp điều chỉnh pháp luậta. Đối tượng điều chỉnh pháp luật a. Đối tượng điều chỉnh pháp luật

Đối tượng điều chỉnh pháp luật là các quan hệ xã hội nhưng không phải pháp luật điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội cụ thể mà chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản, điển hình liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, xã hội và cá nhân con người.

Đối tượng điều chỉnh của pháp luật còn có thể là những quan hệ xã hội phái sinh, nghĩa là chúng chỉ xuất hiện khi có quy phạm pháp luật, ví dụ: các quan hệ tố tụng, các quan hệ bảo hiểm...

Phạm vi điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác.

Khả năng (mức độ) và phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản như :

- Tính chất của các quan hệ xã hội; - Điều kiện về kinh tế, văn hoá, xã hội;

- Ý thức pháp luật của nhân dân, của cán bộ, công chức nhà nước, của những nhà chính trị;

- Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Xác định phạm vi đối tượng điều chỉnh pháp luật là xác định ranh giới của việc sử dụng pháp luật vào việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, xác định ranh giới của sự “can thiệp công khai” của Nhà nước thông qua pháp luật vào sự phát triển của các quan hệ xã hội.

b. Phương pháp điều chỉnh pháp luật

Phương pháp điều chỉnh pháp luật là cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội để đạt được mục đích đề ra. Nội dung của phương pháp điều chỉnh pháp luật được quy định bởi đặc điểm nội dung, tính chất của quan hệ xã hội và bởi vai trò của chủ thể điều chỉnh.

Phương pháp điều chỉnh pháp luật có những đặc điểm là: Do Nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đặt ra; được ghi nhận trong quy phạm pháp luật; được Nhà nước bảo đảm thực hiện trên cơ sở có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong những trường hợp cần thiết.

Các hình thức tác động lên các quan hệ xã hội có thể là: cấm đoán (không cho pháp tiến hành một số hoạt động nhất định), bắt buộc (buộc phải

thực hiệnmột số hoạt động nhất định) hoặc cho phép (được phép hoạt động trong một phạm vi nhất định).

Mỗi ngành luật có những phương pháp điều chỉnh riêng. Lý do của sự khác biệt đó là vì có sự khác nhau về:

- Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. - Trật tự hình thành quan hệ pháp luật.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật. - Các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.

Thông thường, các phương pháp điều chỉnh pháp luật được chia thành 2 loại đặc trưng là phương pháp mệnh lệnh- quyền uy và phương pháp tự định đoạt (thoả thuận). Phương pháp mệnh lệnh dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà trong đó một bên tham gia là nhà nước (cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Phương pháp tự định đoạt thường dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà các bên tham gia quan hệ có địa vị bình đẳng với nhau.

3. Các giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật

Sự điều chỉnh pháp luật đó là quá trình phản ánh sự kế tiếp nhau của sự điều chỉnh pháp luật. Ở đây chỉ nêu ra một số giai đoạn cơ bản có liên quan tới quá trình điều chỉnh pháp luật. Cần chú ý là việc phân chia này chỉ mang tính tương đối.

Giai đoạn thứ nhất, quá trình điều chỉnh pháp luật bắt đầu đưa ra các quy phạm pháp luật. Các quy phạm bắt con người phải hành động phù hợp với lợi ích của sự phát triển xã hội. Đó là giai đoạn quy định, hay nói cách khác là giai đoạn sáng tạo, hình thành các quy phạm pháp luật.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tác động của các quy phạm pháp luật, trong giai đoạn áp dụng các quy phạm pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật xuất hiện. Sự kiện pháp lý là yếu tố liên kết quy phạm pháp luật với hậu quả pháp lý xảy ra, là điều kiện cần thiết của giai đoạn này.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn thực hiện quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý, nghĩa là các quyền và nghĩa vụ được thực hiện trong đời sống xã hội bởi cá chủ thể của quan hệ pháp luật.

Áp dụng các quy phạm pháp luật là giai đoạn có thể xảy ra của sự điều chỉnh pháp luật. Thực chất của giai đoạn này là ở chỗ ra các quyết định mang tính chất quyền lực nhà nước, đảm bảo cho sự xuất hiện, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật. Nhờ giai đoạn áp dụng pháp luật mà Nhà nước đưa vào quá trình điều chỉnh pháp luật các quan hệ cụ thể, kiểm tra sự xuất hiện và thực hiện nó.

Quá trình điều chỉnh pháp luật nói trên có thể diễn tả dưới dạng sơ đồ sau:

Sự thiết chế quy phạm

pháp luật

Xuất hiện quyền và

nghĩa vụ pháp lý Thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý Áp dụng quy phạm pháp luật (sự kiện pháp lý là điều kiện cần có cho sự kết nối)

Một phần của tài liệu Tai lieu tham khao moi 123 (Trang 182 - 185)