II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 1 Khái niệm chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
2. Các chức năng đối nội của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Cũng như bất kỳ kiểu nhà nước nào trong lịch sử, nhà nước xã hội chủ nghĩa trong hoạt động đối nội của mình đều phải tiến hành những hoạt động nhằm bảo đảm vị trí thống trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là giai cấp đang lãnh đạo xã hội; bảo vệ cơ sở kinh tế nền tảng cho sự tồn tại của nhà nước; bảo vệ vai trò thống trị về tư tưởng của nhân dân lao động trong xã hội. Tuy nhiên ngoài những chức năng nói trên khi xem xét các chức năng đối nội của nhà nước xã hội chủ nghĩa thấy nổi bật lên hai chức năng sau:
a. Chức năng kinh tế
Chức năng kinh tế là chức năng cơ bản, đặc thù của nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng này xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa không chỉ là một bộ máy hành chính - cưỡng chế mà còn là một tổ chức quản lý kinh tế - xã hội của nhân dân.
Trong từng giai đoạn phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa chức năng kinh tế có những biểu hiện cụ thể tuỳ thuộc vào nhiệm vụ, mục tiêu của nhà nước ở trong giai đoạn phát triển cụ thể. Trước đây, trong nền kinh tế tập trung, để thực hiện chức năng kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa tự biến mình thành một tổ chức siêu kinh tế, không chỉ dừng lại ở hoạt động quản lý, nhà nước còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm. Hiện nay trong nền kinh tế thị trường, đa thành phần kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa, chức năng kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa hướng tới các nhiệm vụ sau:
- Tạo lập, bảo đảm môi trường lành mạnh để giải phóng các tiềm năng phát triển kinh tế , xây dựng và bảo đảm các điều kiện chính trị, pháp luật , xã hội, tổ chức ổn định cho sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế.
- Củng cố, phát triển các hình thức sở hữu trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ đạo của hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.
- Tạo các tiền đề cần thiết cho sự hội nhập của các thành phần kinh tế trong nước vào thị trường kinh tế quốc tế.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, chức năng kinh tế của nhà nước hướng tới các nội dung sau:
- Xây dựng chiến lược, chương trình, chính sách phát triển kinh tế định hướng cho nền kinh tế quốc dân phát triển trong nền kinh tế thị trường.
- Xây dựng, thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý, bảo đảm sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia.
- Phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa và hạn chế những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường.
- Điều tiết những lợi ích giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.
-Phương pháp quản lý kinh tế chủ yếu là các biện pháp kinh tế và pháp luật. Trong đó pháp luật phải trở thành chuẩn mực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở cho các tổ chức kinh tế và các cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước hoạt động.
b. Chức năng xã hội
Nhà nước xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ quan trọng là giải quyết tốt những đòi hỏi, nhu cầu xuất phát từ đời sống, hướng tới việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tất cả vì giá trị con người. Nền kinh tế thị trường được thiết lập trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa đã mang lại nhiều thành tựu nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề như: văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, việc làm... đòi hỏi phải giải quyết. Chính vì vậy, một trong những chức năng quan trọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là giải quyết các nhiệm vụ mà xã hội đặt ra, hướng tới sự phát triển bền vững trong đó con người là trung tâm.
Nội dung cơ bản của chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể khía quát ở các hướng chính sau:
- Nhà nước coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
- Nhà nước xác định khoa học - công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại.
- Nhà nước xây dựng, thực hiện chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
- Nhà nước tạo điều kiện để mỗi công dân đều có việc làm, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút sức lao động; tích cực trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp...
- Nhà nước xây dựng chính sách thu nhập hợp lý, điều tiết mức thu nhập giữa những người có thu nhập cao sang những người có thu nhập thấp qua các chính sách về thuế.
- Nhà nước xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với những người có công, người về hưu, người già yếu cô đơn...
- Nhà nước chủ động tìm các biện pháp để giải quyết các tệ nạn xã hội như ma tuý, mãi dâm...